Cách trị trẻ em ăn ngậm là hãy giảm số lượng đồ ăn nhẹ/ăn vặt, hạn chế nói chuyện với con trong bữa ăn và tìm những hoạt động thú vị để chơi cùng trẻ sau khi ăn…
Nội dung bài viết:
- Trẻ ngậm thức ăn không chịu nuốt
- Tình huống giả định
- Lời khuyên của Rachael và ý kiến về trường hợp giả định
- Những việc không nên làm trước bữa ăn
- Cách trị trẻ em ăn ngậm – Không nên làm gì trong bữa ăn?
- Những việc không nên làm sau bữa ăn
- Khi bạn đã làm hết mọi cách nhưng vẫn không có biện pháp nào hiệu quả với vấn đề con chỉ ngậm mà không chịu nuốt
Con chỉ ngậm mà không chịu nuốt
Trẻ sơ sinh trong giai đoạn bú sữa mẹ thường tăng cân tốt nhưng từ khi chuyển sang giai đoạn ăn dặm lại xảy ra tình trạng trẻ lười ăn, nhiều bé còn có thói quen ngậm trong miệng không chịu nuốt. Khiến cho mỗi bữa ăn trở thành một “cuộc chiến” kéo dài nhiều giờ giữa hai mẹ con. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tật hay ngậm còn là nguyên nhân khiến bé dễ bị sâu răng. Bên cạnh đó, mẹ cũng mệt mỏi, căng thẳng mỗi khi cho con ăn, lo lắng về cân nặng sức khỏe của con.
Mẹ có thể quan tâm:
Ba mẹ có nên cho trẻ nhỏ ăn yến để bổ sung dinh dưỡng?
Khi một bữa ăn kéo dài hàng giờ, cha mẹ có thể mất bình tĩnh và đứa trẻ có thể sợ đến phát khóc hoặc từ chối ăn.
Nhà tâm lý học lâm sàng Rachael Tan đã đưa ra ý kiến về vấn đề này dựa trên 1 tình huống giả định phổ biến:
Ảnh minh họa: Con chỉ ngậm mà không chịu nuốt
Tình huống giả định
” Trong mỗi bữa ăn, đứa con gái 3 tuổi của tôi rất hay ngậm thức ăn trong miệng! Tôi không biết làm thế nào để con nuốt.
Con sẽ cứ ngậm suốt và tôi phải luôn nhắc nhở bé nhai và nuốt. Tôi đã cố gắng loại bỏ tất cả mọi thứ có thể làm bé sao nhãng và giữ cho bé ngồi ở bàn trong suốt bữa ăn, nhưng con bé cứ ngúng nguẩy, nghịch ngợm và nhất định không chịu nuốt.
Bé thường tốn cả tiếng đồng hồ để ăn xong một bữa, và mỗi bữa ăn đã trở nên rất căng thẳng vì điều này. Khi tôi nói với bé, và lấy đĩa của bé đi, bé sẽ rất buồn và cũng không muốn tôi làm điều đó. Con có vẻ thích đồ ăn mềm hơn, nhưng bây giờ thì bé đủ lớn để ăn nhiều loại đồ ăn khác, vì vậy tôi không muốn cứ mãi chiều con và cho con ăn thức ăn mềm suốt. Bé thường vừa ăn vừa uống để nuốt trôi thức ăn. Tôi có thể làm gì để khuyến khích bé nhai và nuốt thức ăn trong một khoảng thời gian hợp lí?”
Lời khuyên của Rachael và ý kiến về trường hợp giả định
Theo nguyên tắc chung, nếu như trẻ thích các loại thực phẩm mềm hơn và cần thường xuyên uống nước để nuốt hết thức ăn, thì tôi khuyên bạn nên cho trẻ đến gặp một Bác sĩ chuyên môn hoặc một nhà trị liệu về ngôn ngữ và phát âm để kiểm tra.
Điều này sẽ giúp xác định xem những khó khăn bé gặp phải trong khi ăn có bắt nguồn từ vấn đề thể chất hay không. Nếu bác sĩ xác định rằng việc ngậm thức ăn là do một yếu tố nào đó thuộc về mặt cơ thể, họ sẽ có thể cung cấp cho bạn một phương pháp can thiệp hiệu quả để giải quyết những khó khăn đó.
Tuy nhiên, nếu sau khi khám, bé được đảm bảo là hoàn toàn khỏe mạnh, thì những thông tin sau đây có thể giúp ích cho bạn, và bạn có thể tham khảo chúng trước khi tìm đến sự hỗ trợ bổ sung từ các nhà chuyên môn.
Thứ nhất, chúc mừng bạn vì đã loại bỏ những thứ làm bé sao nhãng ra khỏi thời gian ăn – đây là một việc làm đúng đắn, tất nhiên là vì nhiều lý do:
Nó dạy cho con rằng mỗi bữa ăn đều có quy luật, và giờ nào làm việc đấy.
Nó cho con cơ hội thực hành những kỹ năng quan trọng như tập trung trí óc và điều khiển ham muốn nhất thời. Ví dụ: không bật TV trong giờ ăn, hoặc không cho con chơi iPad khi đang ăn dạy con phải chú ý ăn thay vì nghịch ngợm không ngừng.
Kĩ năng tập trung là rất quan trọng, vì khi một người để tâm đến những gì họ đang làm, họ sẽ có thể tiếp thu và xử lý thông tin tốt hơn, dẫn đến việc học tập hiệu quả hơn.
Nếu con của bạn chú ý nhiều hơn đến hình ảnh Doremon trên iPad trong lúc đang ăn, thì có lẽ bé chẳng chú ý gì mấy đến quá trình tiêu thụ thức ăn của mình.
Vì vậy, bé sẽ không học được cách cảm thấy no hơn khi ăn nhiều hơn, hoặc cách kiểm soát thìa của mình khi múc thức ăn để tránh làm tràn/đổ đồ ăn.
Trước khi bạn quyết định cách tốt nhất để dạy bé nhai và nuốt thức ăn một cách nhanh gọn, bạn cần phải xác định lý do tại sao bé thích ngậm thức ăn hơn là nhai nuốt.
Cách tốt nhất để xác định lý do chủ chốt của vấn đề này là để mắt tới những việc diễn ra trong và sau bữa ăn của con.
Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý, vì chúng có thể giải thích tại sao con của bạn lại có xu hướng kéo dài quá trình ăn uống của mình.
Những việc không nên làm trước bữa ăn
Nếu con bạn thường ăn vặt giữa các bữa ăn, bé có thể đã quá no để ăn thêm thức ăn trong bữa chính một cách thoải mái. Đây là nguyên nhân trẻ biếng ăn, hãy cố gắng hạn chế lượng thức ăn trẻ tiêu thụ trước các bữa ăn chính.
Để bắt đầu, hãy giảm một nửa số lượng đồ ăn nhẹ/ăn vặt mà bạn thường cho bé ăn, như vậy, thói quen của bé sẽ không bị gián đoạn hoàn toàn. Hãy thử quan sát xem liệu điều này có làm nên sự khác biệt gì trong các bữa ăn chính không.
Cách trị trẻ em ăn ngậm – Không nên làm gì trong bữa ăn?
Khi bạn cố gắng cho con bạn ăn, bé có được bạn chú ý quá nhiều và suốt ngày làm trò để dụ con ăn không?
Giống như cách TV liên tục phát thanh, việc bạn liên tục nói chuyện với con bạn cũng có thể làm bé phân tâm khỏi quá trình ăn đang diễn ra. Bé có khi còn thích thú với việc được nhận nhiều sự chú ý từ bạn, và vì thế lại càng được “đà” tiếp tục thói quen bé không chịu nhai thức ăn hoặc thậm chí trẻ không chịu ăn.
Mẹ có thể quan tâm:
Trẻ biếng ăn phải làm sao? Cha mẹ nên làm gì khi trẻ kén ăn?
Để xem liệu đây có phải là lý do giải thích cho hành vi của con bạn hay không, hãy ngồi cùng bé, nhưng chỉ nói chuyện với con khi bé nuốt thức ăn, và khen ngợi bé khi bé làm điều này.
Nếu việc thích được sự chú ý là lý do đằng sau hành vi của con bạn, bé sẽ sớm nhận ra rằng, việc nhai nuốt nhanh gọn sẽ được sự khuyến khích và sự chú ý từ mẹ, còn việc bé ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt thì không!
Điều này cũng sẽ dạy cho con của bạn rằng bé chỉ nên nói chuyện khi miệng đã trong miệng không còn thức ăn (hãy luôn nhớ bài học “không được nói khi ăn”!)
Những việc không nên làm sau bữa ăn
Bạn có nghĩ ra điều gì bé không muốn làm sau khi ăn xong? Liệu đây có phải là lý do tại sao bé lại kéo dài thời gian ăn để không phải làm những việc đó?
Những việc này có thể là ngủ trưa, tắm, hoặc có lẽ đây là lúc bé phải ở một mình vì bạn bận rửa chén bát?
Nếu bạn cảm thấy việc bé chịu làm những việc này sau khi ăn xong là thực sự khó khăn (có thể bé sẽ khóc quấy hay la hét một cách phản đối), thì hãy coi chừng rằng giờ ăn đang bị bé cố ý kéo dài để tránh làm những việc này.
Nếu đúng như vậy, hãy cố gắng lên kế hoạch làm việc gì đó nhẹ nhàng và thú vị hơn sau bữa ăn, và cho con bạn biết rằng ngay khi ăn xong, bé có thể tham gia vào hoạt động vui nhộn đó.
Bạn có thể cho bé tham gia vào hoạt động được ưa thích trong một khoảng thời gian ngắn – bạn có thể sử dụng hoạt động này để khuyến khích con của bạn tuân thủ những công việc khác mà bé không muốn làm, như tắm.
Đây là quá trình tăng cường tích cực – nó sẽ khuyến khích con bạn làm theo hướng dẫn của bạn cho đến khi bé bắt đầu tự thành thói quen (thường là sau khoảng 2 tuần thực hiện). Sau đó, bạn có thể bắt đầu giảm mức độ hướng dẫn và cho bé tự mình làm công việc đó.
Khi bạn đã làm hết mọi cách nhưng vẫn không có biện pháp nào hiệu quả với vấn đề con chỉ ngậm mà không chịu nuốt
Nếu bạn cảm thấy mình dò xét và kiểm tra hết mức có thể, và nhận thấy rằng bạn vẫn không thể giải quyết được vấn đề ngậm thức ăn của con bạn, hãy đến hỏi ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hành vi trẻ em để được tư vấn và tìm hiểu thêm về thói quen này của bé.
Trẻ biếng ăn, ngậm không chịu nuốt là vấn đề hầu như cha mẹ nào cũng từng 1 lần phải đối mặt. Có rất nhiều cách trị trẻ em ăn ngậm, nhưng có 1 lưu ý là dù áp dụng cách nào thì ba mẹ cũng phải nhất quán khi áp dụng, nên nhớ kỷ luật bàn ăn là vô cùng cần thiết, cần đặt ra các nguyên tắc và triệt để áp dụng, đồng thời chú ý đến việc cải thiện chất lượng cũng như hình thức bữa ăn để bé hứng thú hơn với chuyện ăn uống.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!