Bà đẻ ăn tôm được không? Mẹ có thể ăn tôm sau khi sinh mà không cần sợ sẹo lồi hay ngứa, bên cạnh đó còn giúp co dạ con rất tốt và hồi phục nhanh chóng.
Đây là những nội dung trong bài viết này:
- Hiểu về sức khỏe của mẹ sau khi sinh trước khi trả lời câu hỏi “bà đẻ ăn tôm được không”
- Tôm chứa nhiều chất bổ dưỡng tốt cho sức khỏe
- Bà đẻ ăn tôm được không
- Ăn tôm đúng cách
Hiểu về sức khỏe của mẹ sau khi sinh trước khi trả lời câu hỏi “bà đẻ ăn tôm được không”
Cơ thể mẹ khi sinh đã mất một lượng máu lớn, vì thế sức khỏe còn rất yếu. Hơn nữa, mẹ có nhiệm vụ quan trọng khác là cho con bú, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho con qua dòng sữa mẹ. Vừa phải hồi phục sức khỏe sau sinh, vừa phải nuôi con, đây thực sự là một bài toán mà các mẹ cần giải quyết càng sớm càng tốt. Chị em cần có chế độ ăn uống đủ chất (đạm, béo, tinh bột, chất xơ, vitamin…) và có thể uống thêm một số thuốc bổ trợ (nếu cần).
Tiến sĩ Tạ Thị Tuyết Mai – Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhân dân Gia định cho biết “Sau sinh là khoảng thời gian mẹ bỉm cần được nghỉ ngơi và nạp thêm nhiều chất dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe cũng như trạng thái tốt nhất để chăm sóc trẻ. Vì thế chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh phải đảm bảo đầy đủ chất và đáp ứng được hai mục tiêu: vừa đủ sữa cho con để bé phát triển thể chất, trí não, hoàn thiện hệ miễn dịch, vừa giúp mẹ hồi phục sức khỏe như trước khi mang bầu. Mẹ nên chọn thực phẩm lành mạnh, thay vì chỉ ăn thịt để có đạm thì nên ăn đủ cá, tôm, đậu nành, trứng, sữa”.
Cũng theo Theo bác sĩ Tuyết Mai, việc mẹ bỉm phải kiêng ăn đồ tanh trong 3 tháng đầu để không bị tiêu chảy hay không đau bụng là không có cơ sở khoa học.
Bạn có thể chưa biết:
Bà đẻ ăn được bánh gì để không tăng cân mà vẫn nhiều sữa nuôi con?
Tôm chứa nhiều chất bổ dưỡng tốt cho sức khỏe
Tôm chứa nhiều chất bổ dưỡng tốt cho sức khỏe (Nguồn ảnh: istockphoto)
Thành phần dinh dưỡng trong tôm quả thực hết sức ấn tượng. Theo tính toán, cứ 85 gam thịt tôm chứa 18g protein, gần 60 mg canxi, hơn 20 loại vitamin và khoáng chất, chỉ chứa 84 calories và cực ít carb. Trong khẩu phần 85 gam thịt tôm, hàm lượng khoáng chất Selen đóng góp hơn 50% nhu cầu của cơ thể mỗi ngày về chất này. Selen là khoáng chất có lợi, giúp đẩy lùi quá trình oxy hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch…
Bên cạnh đó, tôm còn chứa nhiều i-ốt, a-xít béo omega 6 và omega 3… rất tốt cho trí não và sức khỏe nói chung. Theo viện Tim mạch Mỹ (AHA), ăn tôm giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ, ung thư và củng cố hệ xương khớp.
Bà đẻ ăn tôm được không?
Phụ nữ sau sinh mổ có được ăn tôm? Có lẽ vẫn rất nhiều chị em nhận được lời khuyên từ các bà, chị em họ hàng khác là không nên ăn tôm sau khi đẻ, vì sợ lồi sẹo, ngứa, dễ đau bụng… Đó là kinh nghiệm dân gian mà mọi người thường rỉ tai nhau nghe từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng bà đẻ ăn tôm sẽ gặp những phản ứng đó cả. Chị em hãy yên tâm mà bổ sung món này trong bữa ăn của mình nhé!
Vậy có khác biệt gì giữa tôm biển và tôm sông không? Bà đẻ có được ăn tôm biển không? Trên thực tế không có nhiều khác biệt giữa 2 loại tôm này, có chăng chỉ là ở khẩu vị từng người. Do đó các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm ăn cả 2 loại sau khi sinh nhé!
Bà đẻ ăn tôm được không? (Nguồn ảnh: istockphoto)
Ngoài ra theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, ăn tôm giúp co dạ con rất tốt nên không có lý do gì mẹ không bổ sung vào thực đơn sau sinh món ăn bổ dưỡng này.
Với những thông tin dinh dưỡng của tôm như đã đề cập, bỏ qua việc ăn tôm quả thực làm cho mẹ hụt đi một nguồn thực phẩm vô cùng tốt. Lượng protein trong tôm rất cao, giúp mẹ sau sinh hồi sức nhanh chóng. Những vitamin và khoáng chất khác như Selen, i-ốt, omega 6, omega 3, sắt, canxi, phốt pho, vitamin B6,… có trong tôm có nhiều lợi ích cho mẹ như giảm quá trình lão hóa, tăng sức đề kháng,… Không chỉ khỏe mẹ, bé cũng sẽ hưởng những dưỡng chất này bởi những gì mẹ nạp vào cơ thể sẽ tiết vào sữa mẹ để cho con bú.
Bạn có thể chưa biết:
Thực hư câu chuyện bà đẻ ăn tôm bị sẹo lồi và gây đau bụng kéo dài
Ăn tôm đúng cách
Ăn tôm đúng cách (Nguồn ảnh: istockphoto)
Mẹ đã biết bà đẻ ăn tôm có tốt không, nhưng liệu đã biết ăn tôm 1 cách khoa học? Sau đây là những lưu ý trong việc mẹ sau sinh ăn tôm cũng như cách chế biến bạn cần biết:
Cách chọn và chế biến tôm
- Tốt nhất nên chọn ăn tôm tươi hoặc tôm được cấp đông ngay khi còn sống. Tôm chết, ươn sẽ dễ làm cho bạn bị ngộ độc thực phẩm.
- Nên hấp/luộc/nướng/áp chảo để giữ được nhiều dưỡng chất nhất trong tôm.
- Chế biến vừa chín tới, không quá tái hoặc quá chín.
- Có thể cho thêm chút gừng ướp cùng tôm trước khi chế biến để làm giảm tính hàn của tôm.
Một số món ăn đi kèm với tôm thích hợp với mẹ sau sinh giúp nhanh hồi phục sức khỏe và lợi nguồn sữa như: Tôm kho Mayonnaise, tôm chiên giòn sốt chua ngọt… Nếu mẹ đã chán ngán món thịt kho tiêu trong tháng đầu kiêng cữ thì có thể kết hợp với tôm làm ra món tôm kho thịt nhiều dưỡng chất vừa mang lại cảm giác mới mẻ.
Đầu tiên, mẹ cần uớp tôm và thịt với gia vị, hành tỏi băm trong 10 phút. Sau đó, đổ dầu ăn vào nồi, làm nóng rồi cho tôm và thịt đã ướp vào đảo đều trên lửa lớn. Đổ nước lọc vào ngập mặt tôm thịt và giảm nhỏ lửa sau khi thấy thịt săn lại. Kho tới khi nước cạn sánh, thịt và tôm chín mềm, thấm vị thì rắc hành lá, đảo đều rồi tắt bếp.
Lưu ý khi ăn tôm
- Nếu có tiền sử dị ứng với tôm thì không nên ăn món này.
- Khi bị ho, cảm cúm thì không nên ăn tôm vì hệ hô hấp lúc đó rất nhạy cảm với mùi tanh của tôm, làm bệnh khó khỏi.
- Không nên ăn tái tôm vì dễ nhiễm giun sán và ký sinh.
- Chú ý không ăn tôm kèm các loại rau củ quả giàu vitamin C hoặc uống kèm nước nhiều vitamin C như cam, chanh… Vitamin C kết hợp cùng với các chất trong tôm sẽ biến thành chất độc, gây phản ứng cho cơ thể.
- Một tuần nhiều nhất là 3 bữa ăn tôm mà thôi. Mỗi lần nên ăn một lượng vừa phải phù hợp với sức vóc của bản thân.
Dinh dưỡng sau sinh thực sự rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Kinh nghiệm dân gian không phải lúc nào cũng đúng nên các mẹ hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi làm theo những kinh nghiệm đó nhé. Ngoài ra mẹ cũng cần nhớ nguyên tắc ăn uống sau sinh là ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ ăn chưa nấu chín kỹ vì lúc này, thực phẩm mẹ ăn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và cả bé nữa.
Hãy cố gắng ăn uống đủ các chất để cơ thể luôn khỏe mạnh, cung cấp đủ sữa và giàu chất dinh dưỡng cho con yêu!
Nguồn tham khảo: Ăn uống đúng cách cho sản phụ – Bệnh viện Nhân dân Gia định.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!