Tập cho bé bú mẹ trở lại, mẹ có thể áp dụng cách da kề da nhiều hơn, giảm cữ bú bình để chuyển sang bú mẹ, thay đổi tư thế bú và tập khi con đang buồn ngủ. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết:
- Nguyên nhân bé bỏ bú mẹ
- Bí quyết tập cho trẻ bú mẹ trở lại là gì?
- Lời khuyên dành cho mẹ khi tập cho bé bú lại
Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú mẹ
Trước khi tập cho bé bú mẹ trở lại, các chị em nuôi con nhỏ cũng cần phải hiểu rõ vì sao con gặp khó khăn khi học cách bú mẹ hoặc con đang tu ti ngoan bỗng nhiên lại cự tuyệt ti mẹ.
- Trẻ bú kém hoặc không hiệu quả do mẹ không biết điều chỉnh núm vú để con bắt đúng khớp ngậm nên sữa không chảy ra nhiều và con có thể từ chối bú hoàn toàn.
- Bé gặp phải các vấn đề về sức khỏe như mọc răng, ngạt mũi, tưa miệng, nhiễm trùng tai, đầy hơi, chướng bụng cũng khiến trẻ khó chịu và không hào hứng với việc bú mẹ.
- Em bé sinh non có thể cần phải được chăm sóc đặc biệt và không được bú mẹ sau khi ra đời. Việc tập cho bé bú mẹ trở lại cần mất thêm nhiều thời gian vì lúc này miệng bé còn nhỏ, phản xạ bú mút chưa thực sự thành thục.
- Mẹ có núm vú bất thường như núm ti tụt, đầu ti to quá, nhỏ quá hoặc sữa mẹ xuống quá nhiều, quá nhanh khiến trẻ từng bị sặc và sợ phải bú mẹ vào những lần sau đó.
- Sữa mẹ lâu về hoặc mẹ ít sữa, không đáp ứng được nhu cầu của trẻ nhất là những bé háu đói cũng là nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú.
- Hương vị sữa mẹ có sự khác lạ do sự thay đổi nội tiết tố hoặc những thực phẩm mẹ ăn có mùi vị nồng, có thể ảnh hưởng đến mùi vị quen thuộc của sữa mẹ và làm trẻ không thích bú nữa.
- Có thể tập bé bú mẹ trở lại hay không? (Nguồn ảnh: pexels.com)
Bí quyết tập cho bé quay lại bú mẹ
Tập cho bé bú lại càng sớm càng tốt
Bé rời xa ti mẹ càng lâu càng mất thời gian để tập cho bé bú mẹ trở lại. Nếu vì những lý do khách quan, hãy sớm điều chỉnh và khắc phục vấn đề để tập cho bé bú lại càng sớm càng tốt. Thường thì đối với những bé dưới 3 tháng tuổi việc tập ti mẹ lại sẽ dễ dàng hơn so với những bé đã trên 3 tháng. Ngoài ra, để trẻ không bị mất đi phản xạ bú mút, kể cả khi sữa mẹ chưa về thì hãy cứ để con ngậm vú mẹ để tập làm quen và hợp tác ở những lần bú sau.
- Trẻ không bị mất đi phản xạ bú mút, kể cả khi sữa mẹ chưa về thì hãy cứ để con ngậm vú mẹ để tập làm quen và hợp tác ở những lần bú sau. (Nguồn ảnh: Unsplash)
Áp dụng phương pháp da tiếp da là cách tập bé bú mẹ trở lại
Bé bỏ bú 1 phần là do mất hơi mẹ. Vì thế nếu mẹ bị bệnh phải điều trị trong thời gian con nhỏ hoặc vì quá bận rộn nên không thường xuyên ở cạnh thì con sẽ lạ hơi và không đồng ý bú ti. Nếu điều kiện cho phép và mẹ muốn tập cho bé bú mẹ trở lại, hãy sắp xếp thời gian để tiếp xúc và ôm ấp con nhiều hơn. Hiệu quả nhất là dùng phương pháp da tiếp da – skin to skin.
Cai dần ti bình và chuyển tiếp phương thức bú
Với các bé bỏ ti mẹ do đã quen bú bình thì việc đầu tiên khi muốn tập cho bé bú mẹ trở lại là cai dần ti bình và chuyển tiếp phương thức bú. Tuyệt đối không cho bé ti giả trong giai đoạn này. Việc giảm số lần ti bình không đồng nghĩa với việc giảm số lần cho bé bú. Mẹ vẫn cần duy trì đủ số cữ bú của trẻ nhưng có thể chuyển sang cho ăn bằng cốc, bằng thìa hoặc xy lanh. Mục đích là để bé quên thói quen ngậm nông, mút nhẹ là sữa chảy xuống khi ăn bằng bình.
Thay đổi tư thế cho bú
Tư thế bú phù hợp và khớp ngậm đúng là yếu tố cần thiết cho việc tập cho bé bú mẹ trở lại.
- Khi tập cho bé bú mẹ trở lại hãy bắt đầu bằng 1 tư thế mà mẹ thấy bé dễ chịu nhất, sau đó giữ nguyên tư thế này nếu bé chịu ngậm ti đồng thời vỗ về con bằng cách nói những lời âu yếm hoặc hát cho con nghe
- Hỗ trợ giúp con có khớp ngậm chuẩn. Khi con bú được dễ dàng, con sẽ cảm thấy hứng thú với việc bú mẹ. Từ đó sẽ có thêm cơ hội để con bú mẹ trở lại tốt hơn, nhanh hơn.
Cách ngồi cho bú đúng chuẩn
Mẹ hãy chọn chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái phía sau vì thời gian cho bú thường kéo dài, nếu mẹ không được dựa vào đâu thì sẽ mỏi rất nhanh. Mẹ hãy bế bé nằm ôm vào lòng, hai tay tạo thành vòng cung.
Khi bé bú bên nào thì dùng tay bên đó đỡ bé sao cho 3 điểm đầu – lưng- mông của bé nằm trên một đường thẳng. Mẹ chú ý đặt bé nằm nghiêng mình, đối diện với bầu ngực của mẹ. Hãy để bụng bé chạm bụng mẹ, mặt của bé chạm ngực mẹ.
Tập cho bé bú mẹ trở lại khi con đang buồn ngủ
Một số mẹ thường mách nhau cách tập cho con bú mẹ trở lại khi bé đang buồn ngủ. Hãy để ý và quan sát khi trẻ có dấu hiệu mơ màng, mẹ hãy massage ngực để sữa chảy ra và cho bé ngậm ti đồng thời bế ru bé ngủ. Bé sẽ có cảm giác an toàn và trong lúc buồn ngủ con có thể không nhận ra sự khác biệt của ti mẹ và ti giả.
Lời khuyên dành cho mẹ khi tập cho bé bú lại
Dù áp dụng cách nào để tập cho bé bú lại thì trong quá trình thực hiện, mẹ phải luôn ghi nhớ những lời khuyên hữu ích sau:
- Thời gian tập có thể kéo dài đến hàng tuần, thậm chí là hàng tháng, tùy thuộc vào độ tuổi, tính cách của bé và sự nhẫn nại của mẹ. Vì vậy điều quan trọng là mẹ phải thật sự bình tĩnh và nên tin tưởng vào bé cũng như chính bản thân mình. Sự căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
- Mẹ cũng nên lưu ý kiểm tra các vấn đề về sức khỏe của bé và thay đổi chế độ ăn uống trong thời gian nuôi con nhỏ nếu đang có thói quen không tốt có thể ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ.
- Cho bé bú thường xuyên nhưng đừng ép con bú bằng được. Nếu việc cho con bú trở thành 1 trải nghiệm tiêu cực thì việc tập bé bú trở lại sẽ càng khó khăn hơn.
- Đôi khi mẹ nên cho bé ăn 1 chút trước khi tập bú. Điều này giúp con không bị quá đói và kiên nhẫn khi học cách ngậm bú mẹ.
- Trước khi muốn bé được bú no sữa mẹ, nên ưu tiên cho bé tập bú để cảm thấy an tâm (comfort nurse). Các chuyên gia khuyến khích mẹ có thể tập cho bé bú trở lại vào những thời điểm bé cần đến sự vỗ về và chuyển tiếp giữa các giai đoạn thức – ngủ.
- Sau mỗi lần tập, dù bé chưa hợp tác hoặc có bú nhưng không nhiều mẹ cũng cần vắt kiệt sữa ở cả 2 bầu vú để duy trì nguồn sữa dồi dào.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!