Tại sao uống nhiều nước mà vẫn ít ối? Ít ối là tình trạng gì? Có cách nào khắc phục ối ít ở mẹ bầu? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Thông tin chung về nước ối
Nước ối là dịch thể được tạo ra từ nhau thai, màng ối và hệ tuần hoàn của người mẹ trong ba tháng đầu thai kỳ. Đây là chất lỏng không màu bao quanh bé trong buồng tử cung của mẹ, bảo vệ bé tránh khỏi bị tác động của môi trường xung quanh, ngăn vi trùng bên ngoài xâm nhập và là môi trường trao đổi chất giúp thai nhi phát triển toàn diện.
Các bác sĩ thường dựa vào chỉ số nước ối (Amniotic fluid index – AFI) để đánh giá tình trạng nước ối của thai phụ. AFI được đo bằng cách chia buồng tử cung làm 4 phần, hai đường cắt nhau tại rốn của thai phụ, đo bề sâu của khoang ối lớn nhất trong mỗi buồng và tính tổng số các số đo trên, cụ thể:
- AFI dưới 3cm: Vô ối – thai dễ chết lưu hoặc sinh non
- Khi AFI dưới 5cm: Thiếu ối hay còn gọi là ít ối – tăng tỉ lệ sinh mổ, thai bị dị tật bẩm sinh, thai phát triển không khỏe mạnh
- AFI từ 6 – 18cm: Nước ối không có gì bất thường
- Chỉ số từ 12 – 25cm: Dư ối vẫn trong mức an toàn
- AFI > 25cm: Tình trạng nguy hiểm với cả mẹ và thai nhi.
Thiếu ối/ít ối ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thai nhi?
Nước ối trong giai đoạn đầu chỉ vào khoảng 50ml rồi tăng dần theo chu kỳ phát triển của thai nhi. Ở những tuần cuối nước ối có thể lên tới 800 – 1000ml sau đó giảm dần từ tuần 38 cho tới khi chuyển dạ. Thiếu ối/ít ối là tình trạng thể tích nước ối ít hơn 200 ml hoặc AFI đo được dưới 5cm.
Mẹ bầu bị ít nước ối có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình mang thai:
- Ít ối trong 3 tháng đầu: dễ sảy thai, thai chết lưu, chức năng phổi của thai nhi có vấn đề
- Mẹ bầu ít ối trong 3 tháng giữa: túi ối chật chội gây khuyết tật bẩm sinh và làm tăng khả năng sảy thai hoặc thai lưu do áp lực co thắt tử cung lên thai nhi
- 3 tháng cuối: ít ối ở 3 tháng cuối tăng nguy cơ ngôi thai ngược hoặc em bé không quay đầu xuống được; nguy cơ sinh non, biến chứng khi chuyển dạ; tăng khả năng sinh mổ. Đặc biệt, thiếu nước ối do vỡ ối sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai và tử cung.
Tại sao uống nhiều nước mà vẫn ít ối?
Chắc rằng nhiều mẹ vẫn cho rằng uống nhiều nước, nhất là nước dừa sẽ giúp có nhiều ối. Nhiều bác sĩ khẳng định, uống nước đủ (từ 1-2l nước/ngày) trong thai kỳ là cần thiết nhưng đây không phải là nguồn cung cấp nước ối chính cho thai nhi. Tăng cường uống nước chỉ bổ sung phần nào nước ối cho mẹ bầu, bởi nước cũng được hấp thu vào cơ thể và đào thải qua đường nước tiểu.
Mẹ nên làm gì khi bị ít ối?
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như chu vi vòng bụng tăng lên chậm, hoạt động của thai nhi không cảm nhận được rõ ràng như lúc trước, mẹ có cảm giác đau hơn khi thai máy hoặc đạp thì chị em nên đi thăm khám ngay để xác định có phải bị ít ối không. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Nếu xác định bị ít ối thì chị em cũng đừng nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần; hãy nghiêm túc áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và bổ sung thêm nước từ thực phẩm khác như sữa, nước cam, nước dừa, nước mía…để tăng lượng nước ối. Chú ý nước dừa chỉ nên uống 2 – 3 lần/tuần còn nước mía thì cũng không nên bổ sung quá nhiều vì hàm lượng đường cao.
1 số loại hoa quả tốt cho bà bầu bị thiếu ối như cam, bưởi, dưa hấu, dâu tây, dưa gang…cũng đem lại rất nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó các loại rau xanh tích nước như dưa chuột, rau diếp, cần tây, củ cải trắng, cà chua, ớt xanh, súp lơ, rau bina, bông cải xanh và cà rốt rất tốt cho mẹ bị ít ối.
Trong thời gian này, chị em mang thai cũng nên tránh đồ uống lợi tiểu như cam thảo, các loại trà… vì những đồ uống này vô tình khiến mẹ bầu bị mất nước. Rượu không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống thần kinh mà còn làm cơ thể mẹ bầu mất nước và khiến mẹ thiếu nước ối nghiêm trọng, do đó cần tuyệt đối tránh khi mang thai.
Luyện tập thể dục trong suốt thai kỳ
Song song với chế độ dinh dưỡng, mẹ cũng cần tập luyện thể dục để tăng cường hoạt động trao đổi chất và chuyển hóa dinh dưỡng vào nước ối. Mẹ bầu nên tập luyện ít nhất 30-45 phút mỗi ngày để cải thiện lượng nước ối. Những bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp tăng lưu lượng tuần hoàn máu trong tử cung, nhau thai và cải thiện lượng nước ối.
Nằm nghiêng bên trái
Tư thế nằm nghiêng sang bên trái sẽ giúp lưu lượng máu từ cơ thể mẹ đi qua các mạch máu trong tử cung được thông suốt hơn. Khi máu được vận chuyển với tốc độ đều đặn thì chỉ số nước ối cũng tăng lên.
Can thiệp y khoa trong trường hợp cần thiết
Nếu tình trạng thiếu ối/ít ối ở mức độ nguy hiểm, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến chuyên gia để được tư vấn những biện pháp như tiêm nước ối, truyền tĩnh mạch hoặc đặt ống truyền ối…
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!