Nhiều mẹ bầu lo lắng khi gặp phải tình trạng ít nước ối trong 3 tháng đầu. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không và phải làm sao để bổ sung nước ối cho bà bầu đủ lượng cần thiết? Cùng theAsianparent tham khảo ngay trong bài viết này bạn nhé!
Sự phát triển của nước ối qua từng giai đoạn
Khi bào thai mới hình thành, nước ối vẫn còn khá ít và tạo thành lớp màng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của bào thai. Kể từ tuần thứ 4-5 trở đi, màng ối dần tách ra khỏi bào thai và nước ối bắt đầu hình thành nhiều hơn, tạo ra khoảng không giữa bào thai và màng ối.
Qua từng giai đoạn, thể tích nước ối càng lúc càng tăng và màng ối theo đó cũng to dần ra. Đến khi thai kỳ bước vào tháng thứ 6-7, nước ối bắt đầu giảm dần cho đến cuối thai kỳ thì dung tích nước ối chỉ còn khoảng 1 lít.
Vai trò của nước ối đối với sự phát triển của thai nhi
Nước ối là môi trường hoàn hảo để thai nhi tồn tại và phát triển. Trong nước ối có nguồn dinh dưỡng phong phú giúp nuôi dưỡng phôi thai, để thai hấp thụ và hoàn thiện dần các cơ quan. Đồng thời, nước ối còn có tác dụng bảo vệ bé khỏi những va đập, sang chấn, hay những vi khuẩn từ bên ngoài.
Ngoài ra, ở giai đoạn mẹ chuyển dạ, nước ối giúp cổ tử cung của mẹ mở tốt, độ trơn của nước ối đóng vai trò như chất bôi trơn thành âm đạo, giúp thai nhi di chuyển ra ngoài một cách dễ dàng hơn.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu ít nước ối
Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ít nước ối. Dưới đây là một số nguyên nhân mà mẹ thường gặp nhất:
Những bất thường xuất phát từ thai nhi
- Quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ đến thai nhi bị trục trặc, ngăn cản quá trình sản xuất nước ối
- Bé uống nước ối nhưng lại không đi tiểu ra đủ lượng nước ối để bù vào do những dị tật bẩm sinh trong thận và đường tiết niệu của bé
- Mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai sẽ dễ bị thiếu nước ối
- Vỡ ối sớm do những bất thường nhiễm sắc thể trong thai nhi
Do chế độ ăn uống, dinh dưỡng của mẹ bầu
- Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu mắc phải các bệnh như cao huyết áp, tiền sản giật, các bệnh gan, thận,… sẽ khiến thai kém phát triển và ảnh hưởng đến chức năng tái tạo nước ối. Ngoài ra, nước ối bị thiếu còn do ảnh hưởng từ một số loại thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống viêm,…
- Mẹ bầu không uống đủ nước khi mang thai, đặc biệt là trong môi trường thời tiết nóng nực, mồ hôi đổ nhiều thì lượng nước trong cơ thể mẹ sẽ mất đi nhanh và nhiều hơn.
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu không đủ chất, thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để hình thành nước ối
- Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng khiến lượng nước ối bị ảnh hưởng
Làm sao để biết nước ối đủ hay thiếu trong 3 tháng đầu?
Tình trạng ít nước ối trong 3 tháng đầu thường không để lại nhiều biểu hiện rõ rệt. Để biết được mẹ có bị thiếu ối hay không thì phải thực hiện phương pháp siêu âm. Trong 10 tuần đầu, thể tích nước ối cần thiết cho thai nhi phát triển là khoảng 30ml. Nếu không đạt đủ thể tích này, chứng tỏ mẹ bầu đã bị thiếu nước ối hay nước ối ít.
Ít nước ối trong 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
Thiếu ối trong 3 tháng đầu chứng tỏ thai nhi có thể gặp các vấn đề như dị tật bẩm sinh ở cơ quan tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, hoặc thai bị tắc một phần tuần hoàn tử cung,… Ngoài ra, mẹ bầu bị ít ối trung bình và nặng trong 3 tháng đầu khiến thai nhi có nguy cơ bị sảy thai lên đến 65 – 80%.
Giải pháp tự nhiên giúp làm tăng nước ối cho mẹ bầu 3 tháng đầu
Đáng tiếc là trên thực tế chưa có cách nào giúp làm tăng thể tích nước ối một cách an toàn cả. Nếu mẹ bị ít ối trong giai đoạn chuyển dạ thì có thể áp dụng phương pháp truyền dịch. Còn trong thai kỳ, việc truyền dịch sẽ làm tăng nguy cơ vỡ ối, nhiễm trùng và sinh non.
Nếu tình trạng thiếu nước ối không do những bất thường trong cơ thể thai nhi, mẹ bầu có thể áp dụng những giải pháp tự nhiên sau đây để bổ sung nước ối:
Uống nhiều nước
Mẹ bị ít nước ối trong 3 tháng đầu hãy bổ sung đủ 2-3 lít nước lọc mỗi ngày để bù lượng nước đã mất của cơ thể. Mẹ bầu nên uống nước ấm hoặc nước thường sẽ uống được nhiều hơn so với nước lạnh.
Ăn nhiều trái cây, rau củ quả
Mẹ bầu có thể ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống các loại trái cây mọng nước như cam, bưởi, chanh, nho, dâu, cà chua,… Ngoài ra đừng quên bổ sung nhiều rau củ quả. Ăn rau củ quả không chỉ tăng nước ối mà còn giúp mẹ bầu tránh táo bón.
Uống sữa
Các loại sữa hạt như sữa đậu nành, đậu xanh, đậu đen, sữa gạo,… vừa ngon, vừa giúp tăng nước ối hiệu quả lại bổ sung cho mẹ bầu và thai nhi nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài ra mẹ cũng có thể uống sữa tươi không đường.
Tránh xa các thực phẩm lợi tiểu
Đi tiểu nhiều có thể khiến mẹ bầu bị mất nước. Vì vậy mẹ nên tránh xa các thực phẩm lợi tiểu như trà từ cây bồ công anh, chè đặc, cà phê, rượu, bia,…
Vừa rồi là những thông tin về trường hợp ít nước ối trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ít nước ối gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi, vì vậy, mẹ chú ý nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!