Nước ối đục có sao không là lo lắng thường gặp ở các mẹ bầu nhất là các chị em mang thai lần đầu khi có kết quả khám thai. Phải đánh giá đúng nguyên nhân mới có thể biết được nước ối đục có thể tác động đến khả năng phát triển của thai nhi hay không.
Nội dung bài viết:
- Nước ối là gì?
- Nước ối có màu gì?
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ối đục
- Nước ối đục có sao không? Mẹ nên làm gì?
Nước ối là gì?
Thai nhi nằm trong buồng tử cung của mẹ là một thực thể sống nhưng được bao quanh bằng một màng bọc và bên trong đó là lớp chất lỏng được gọi là nước ối. Hiểu một cách khác thì nước ối có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi, là môi trường sống chứa chất dinh dưỡng và oxy nuôi thai nhi.
Tại đây sẽ thực hiện quá trình tái tạo và trao đổi chất nhằm tạo ra sự cân bằng lý tưởng giúp các cơ quan của thai nhi phát triển. Ngoài ra, nước ối còn có vai trò như một màng đệm che chắn, bảo vệ thai nhi tránh khỏi những sang chấn, va chạm từ bên ngoài và ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào tử cung.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nước ối được tạo ra chủ yếu do sự thẩm thấu huyết thanh mẹ qua thai nhi. Ở 3 tháng tiếp theo, nước ối được hình thành chủ yếu do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch từ phổi của thai nhi.
Lượng nước ối ban đầu có dung tích khoảng 60ml và tăng dần lên đến 1000ml trong những tháng cuối thai kỳ và từ tuần 37 đến tuần 42 thì bắt đầu giảm.
Thành phần chính của nước ối là nước, muối khoáng, chất điện giải, các chất hữu cơ và hormone.
Nước ối có màu gì?
Màu sắc nước ối có thể cảnh báo nguy hiểm (Nguồn ảnh: iStock)
Môi trường nước ối hoàn toàn vô khuẩn, an toàn cho thai nhi. Với 1 mẹ bầu khỏe mạnh, thông thường nước ối ở những tháng đầu của thai kỳ có màu trắng, trong suốt có thể nhìn thấy mỡ của thai nhi, tính hơi kiềm.
Càng về cuối thai kỳ, nước ối dần chuyển sang màu trắng đục. Từ tuần 38 trở đi nước ối sẽ có màu như nước vo gạo. Nếu đi siêu âm vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề nước ối đục có sao không vì bác sĩ sẽ đánh giá màu sắc nước ối ở thời điểm này là hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo ngại.
Bởi vì thai nhi có mối quan hệ mật thiết với nước ối nên thông qua việc khảo sát màu sắc và thể tích của nước ối, bác sĩ có thể nhận định được tình trạng sức khỏe và một số bệnh lý của thai. Qua siêu âm, độ đục của nước ối có thể được phát hiện khi thấy những đốm sáng dày đặc.
Màu sắc nước ối còn được nhìn thấy qua soi ối với những trường hợp tử cung mở lớn hơn 1cm hoặc chọc hút nước ối qua thành bụng. Khi bấm ối hoặc ối vỡ tự nhiên thì có thể nhìn thấy màu sắc nước ối một cách chính xác và rõ ràng nhất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ối đục
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ối đục
Chất thải của bé
Một trong những nguyên nhân khiến nước ối trong bị đục là do lượng chất gây mà bé đã thải ra. Chất gây này được tạo nên từ nhiều thành phần khác nhau như các tế bào chết trên da, niêm mạc miệng, đường niệu, niêm mạc hô hấp…của thai nhi.
Thai càng lớn thì mức độ bong tróc càng nhiều. Đó là nguyên nhân vì sao càng về cuối thai kỳ nước ối càng có màu trắng đục.
Mẹ bầu có chế độ ăn mặn
Thêm một nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước ối đó là chế độ ăn uống của mẹ không được khoa học và lành mạnh. Đặc biệt ở các mẹ bầu thường xuyên ăn mặn có thể khiến nước ối đục, cạn, thậm chí là thiếu ối.
Mẹ bầu không nên ăn quá mặn (Nguồn ảnh: iStock)
Nguyên nhân nước ối đục cảnh báo nguy hiểm
Phân su tiết vào nước ối
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ly, Chuyên khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, nếu nước ối đục do phân su tiết ra trong môi trường nước ối thì đây là dấu hiệu nguy hiểm. Tình trạng này cảnh báo thai đang bị thiếu oxy. Phân su lẫn trong nước ối có thể khiến bé bị hít phải gây nguy hiểm. Bố mẹ cần phải tiến hành kiểm tra, tìm ra nguyên nhân chính xác để có thể chữa trị kịp thời.
Mẹ bầu bị viêm nhiễm
Đối với những chị em có tiền sử về các vấn đề phụ khoa hoặc trong quá trình mang thai không chăm sóc sức khỏe tốt nên bị viêm nhiễm âm đạo, viêm cổ tử cung. Mẹ cần phải hết sức lưu ý và theo dõi chặt chẽ thai kỳ vì đây chính là nguyên nhân khiến cho nước ối bị thay đổi màu sắc.
Nước ối đục có sao không? Mẹ nên làm gì?
Việc nước ối đột nhiên thay đổi khiến không ít chị em phụ nữ lo lắng nước ối đục có sao không, có làm ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé? Tuy nhiên, đánh giá đúng nguyên nhân mới có thể biết được nước ối đục có thể tác động đến khả năng phát triển của thai nhi hay không.
Bên cạnh tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, một số lời khuyên dành cho mẹ bầu khi phát hiện nước ối đục là:
- Giữ tinh thần thoải mái, không nên lo lắng quá mức. Nếu nước ối đục là do các chất gây của thai nhi mẹ chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt điều độ và thăm khám, siêu âm đều đặn.
- Bác sĩ Nguyễn Thị Ly khuyên mẹ bầu cần xây dựng chế độ nghỉ ngơi phối hợp với dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Thực đơn hằng ngày cần đủ chất, tăng cường các vitamin và khoáng chất tốt cho mẹ và bé. Mẹ bầu hãy uống nước nhiều để cơ thể khỏe mạnh.
- Không chủ quan nếu biết được tình trạng nước ối đục bất thường. Tuân thủ khám thai định kì và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa một cách nghiêm ngặt nếu phát hiện nước ối đục. Lúc này bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng,giúp mẹ phòng tránh những rủi ro, biến chứng sản khoa.
- Không nên nghe theo những kinh nghiệm truyền tai như uống quá nhiều nước dừa, nước mía để ối trong trở lại vì cơ chế lọc của buồng ối không giống như thận và bàng quang. Những loại nước này có thể khiến mẹ bầu lạnh bụng, đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Tư thế nằm ngồi đúng như di chuyển nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, nằm nghiêng về phía bên trái để quá trình trao đổi oxy của thai nhi diễn ra thuận lợi, không những giúp mẹ và bé thoải mái mà còn có thể cải thiện tình trạng nước ối.
Mẹ bị đục ối đừng uống quá nhiều nước mía vì nó không thực sự hiệu quả (Nguồn ảnh: iStock)
Lời kết
Nước ối đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Dựa vào thể tích, tỷ trọng và màu sắc nước ối có thể đoán biết được tình trạng sức khỏe của em bé trong bụng mẹ.
Tình trạng nước ối đục trong một số trường hợp không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé nhưng khi nước ối bất thường với sự thay đổi về màu sắc chính là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, có thể chuyển biến nặng nếu mẹ chủ quan.
Hi vọng bài viết này đã phần nào giúp mẹ chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho quá trình mang thai, không còn cảm thấy quá lo lắng khi tự hỏi nước ối đục có sao không? Điều quan trọng cần làm là mẹ nên duy trì thăm khám thai định kỳ, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và giữ tinh thần thoải mái, mẹ nhé!
Nguồn thông tin: Khi nào nước ối đục cảnh báo nguy hiểm? – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!