Đa ối có nên mổ sớm không là câu hỏi của nhiều mẹ bầu khi chẳng may mắc phải tình trạng này. Như thế nào là đa ối, đa ối có ảnh hưởng gì đến thai nhi, mẹ bị đa ối có nên mổ sớm để đảm bảo an toàn cho em bé? Hãy cùng đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc này nhé.
Tìm hiểu về nước ối và vai trò của nước ối
Túi ối được hình thành vào khoảng ngày thứ 12 của thai kỳ khi trứng đã thụ tinh thành công. Nước ối là dịch thể được tạo ra từ nhau thai, màng ối và hệ tuần hoàn của người mẹ trong ba tháng đầu thai kỳ. Đây là chất lỏng không màu bao quanh bé trong buồng tử cung của mẹ, nó như 1 chiếc đệm nước êm ái bảo vệ bé tránh khỏi bị tác động của môi trường xung quanh, ngăn vi trùng bên ngoài xâm nhập và là môi trường trao đổi chất giúp thai nhi phát triển toàn diện. Nước ối có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, bao gồm:
- Điều hòa thân nhiệt cho thai nhi
- Bảo vệ bé an toàn trước các tác động hay sang chấn từ bên ngoài bụng mẹ
- Trao đổi nước, điện giải giữa mẹ và thai nhi
- Cho phép thai cử động tự do trong tử cung dễ dàng hơn
Thể tích nước ối ở mỗi mẹ bầu là khác nhau và thay đổi theo từng giai đoạn của thai kỳ. Thông thường nước ối đạt khoảng 1000ml khi thai được 37 tuần tuổi, sau đó có thể giảm khoảng 10%.
Dịch ối sẽ thay đổi tùy thuộc vào sự bài tiết của màng ối, sự thẩm thấu của thành mạch và nước tiểu của thai nhi. Em bé sẽ thường xuyên nuốt nước ối, sau đó đi ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu.
Nước ối như thế nào là bình thường?
Chỉ số nước ối (Amniotic fluid index – AFI) là thông số về lượng nước ối trong bụng mẹ bầu ở từng thời kỳ mang thai. Đây là chỉ số cho biết tình trạng nước ối của thai nhi, thông thường AFI theo tuần sẽ như sau:
- 20 tuần tuổi, lượng nước ối khoảng 350ml
- Ở 25 – 26 tuần tuổi lượng nước ối là 670ml
- Khi thai nhi được 32 – 36 tuần nước ối đo được khoảng 800 – 1000ml
- Từ tuần 40 – 42 thể tích nước ối giảm còn khoảng 540 – 600 Việc theo dõi nước ối trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng vì nó giúp chẩn đoán sức khỏe của thai nhi
AFI được đo bằng cách chia buồng tử cung làm 4 phần, hai đường cắt nhau tại rốn của thai phụ, đo bề sâu của khoang ối lớn nhất trong mỗi buồng và tính tổng số các số đo trên. Nhờ chỉ số này bác sĩ có thể đánh giá tình trạng nước ối như sau:
- AFI dưới 3cm: Vô ối – thai dễ chết lưu hoặc sinh non
- Khi AFI đo được dưới 5cm: Thiếu ối – tăng tỉ lệ sinh mổ, thai bị dị tật bẩm sinh, thai phát triển không khỏe mạnh
- AFI từ 6 – 18cm: Nước ối không có gì bất thường
- Chỉ số từ 12 – 25cm: Dư ối vẫn trong mức an toàn
- AFI > 25cm: Đa ối – tình trạng nguy hiểm cần đặc biệt lưu ý. Thai nhi có thể có rất nhiều biến chứng như vỡ ối sớm, sinh non, nhau bong non, mẹ bầu bị băng huyết sau sinh.
Đa ối là tình trạng gì?
Đa ối (Polyhydramnios) là hiện tượng dư thừa nước ối. Lượng nước ối có khi lên đến 2000ml hoặc nhiều hơn. Cá biệt có trường hợp mẹ đa ối nặng có 3000ml nước ối, gấp 3 lần mức bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây đa ối ở thai phụ:
- Tiểu đường thai kỳ: 10% số phụ nữ bị đa ối được phát hiện đang mắc tiểu đường. Lượng đường trong máu mẹ không được kiểm soát tốt có thể làm thai nhi sinh ra nhiều nước tiểu hơn.
- Mẹ mang song thai hoặc đa thai. Sự trao đổi chất giữa các bào thai không cân bằng có thể gây nên tình trạng đa ối
- Tổn thương xuất phát ở nhau thai do viêm nội mạc tử cung, tổn thương bánh nhau, phù nhau
- Mẹ bầu mắc chứng loạn tăng trương lực cơ (hiếm gặp)
- Thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể, khác thường ở bào thai (hẹp môn vị, hở hàm ếch, bất thường ở hệ thần kinh trung ương hay khuyết tật cấu trúc hệ tiêu hóa), làm thai nhi ngừng uống nước ối và đi tiểu, dẫn tới thừa ối
- Thiếu máu bào thai, nhiễm trùng bào thai, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé…
Mẹ mang song thai có nguy cơ đa ối cao
Dấu hiệu mẹ bị đa ối có thể kể đến là:
- Mẹ bầu tăng cân nhanh và quá nhiều
- Kích thước vòng bụng tăng nhanh, kéo theo đó là cảm giác khó chịu
- Sưng chân, tình trạng sưng phù chung của cơ thể
- Chuyển động của thai nhi có xu hướng giảm.
- Khó thở, ợ nóng, khó tiêu, không ăn được nhiều như bình thường
- Bụng căng cứng, khó sờ nắn và cảm nhận rõ được em bé
Đa ối có ảnh hưởng thế nào đến mẹ và bé?
Lượng nước ối nhiều hơn mức bình thường làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng cho cả mẹ và bé. Đa ối xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng dịch ối càng cao thì nguy cơ biến chứng càng tăng:
- Nguy cơ vỡ màng ối sớm, bong nhau thai, sa dây rốn
- Sinh ngôi mông hoặc tình huống sinh nở không thuận lợi
- Sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế, nhất là khung xương
- Nguy cơ chảy máu/băng huyết sau sinh cao hơn do tử cung bị chèn ép bởi lượng nước ối quá lớn nên không thể co lại hoàn toàn như trước
- Nguy cơ thai chết lưu.
Mẹ bị đa ối có nên mổ sớm không?
Đa ối thường xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ nên làm nhiều mẹ lo lắng không biết nên sinh thường hay đẻ mổ. Việc quyết định đẻ bằng hình thức nào phụ thuộc vào lượng nước ối đo được trong bào thai cũng như nguyên nhân gây ra đa ối.
Nếu gần đến ngày sinh thể tích nước ối dần trở về mức bình thường thì mẹ có thể tự tin vượt cạn. Khi các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng, mực nước ối không có dấu hiệu sụt giảm nhưng chưa tới mức vỡ màng ối sớm thì mẹ vẫn có thể điều trị bằng thuốc giảm tạo nước ối hoặc chọc ối để cho bớt nước ối dư ra ngoài. Can thiệp y khoa cùng với chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bé có thêm thời gian phát triển trong bụng mẹ và tránh phải mổ đẻ sớm.
Đẻ mổ nhất là đẻ mổ sớm được cho là không tốt cho sức khỏe thai nhi nên chỉ trong trường hợp xấu nhất, nguy cơ sắp vỡ ối thì bác sĩ mới quyết định mổ đẻ sớm cho mẹ bầu. Tuy nhiên mổ sớm không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Ở những tháng đầu hay tháng giữa thai kỳ, thai nhi vẫn chưa phát triển toàn diện và nhiều khả năng sẽ không sống được sau khi được đưa ra ngoài. Nếu số tuần tuổi của thai nhi đã phù hợp cộng với điều kiện sức khỏe của mẹ ổn định thì đẻ mổ sớm mới có thể được chỉ định.
Lời kết
Như vậy là mẹ đã nắm được những thông tin cần thiết về đa ối và có câu trả lời cho câu hỏi đa ối có nên mổ sớm không. Dù trong trường hợp nào thì sức khỏe của mẹ và bé cũng là ưu tiên hàng đầu. Nếu chẳng may có bị đa ối thì mẹ cũng nên bình tĩnh làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để hành trình chào đón con yêu được suôn sẻ nhé.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!