Có nên khám phụ khoa trước khi mang thai không là câu hỏi của nhiều chị em. Theo các bác sĩ sản khoa khuyên, bạn nên khám phụ khoa ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Việc này giúp phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Thêm vào đó, chị em cần thực hiện các xét nghiệm và tiêm phòng khác trước khi mang thai để mẹ và con đều khỏe mạnh.
Bạn nên đọc bài viết này để biết:
- Có nên đi khám phụ khoa trước khi mang thai không?
- Trước khi mang thai mấy tháng nên đi khám phụ khoa?
- Những điều cần làm trước khi khám phụ khoa
- Các kiểm tra và tiêm phòng cần được thực hiện trước khi mang thai
Có nên khám phụ khoa trước khi mang thai?
Khám phụ khoa là một trong những hoạt động thăm khám quan trọng trước khi có kế hoạch mang thai. Việc này giúp chị em kịp thời phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc sức khỏe của thai phụ và em bé. Những vấn đề mà phụ nữ thường mắc phải là: polyp cổ tử cung, viêm nhiễm, u xơ tử cung…
Bạn có thể chưa biết:
Thuốc bổ trước khi mang thai: Lời khuyên từ các bác sĩ
Uống sắt trước khi mang thai bao lâu và liều lượng ra sao?
Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nữ giới, đồng thời ảnh hưởng đến thai nhi, gây ra nhiều hậu quả về lâu dài. Phụ nữ mang thai bị mắc các bệnh phụ khoa như viêm nhiễm, nhiễm nấm có nguy cơ làm thai nhi bị đen miệng, viêm da do nấm. Trẻ sinh ra từ người mẹ bị viêm nhiễm phụ khoa dễ bị suy dinh dưỡng, sinh non, sức đề kháng yếu, viêm phổi do nấm, giảm thị lực, có thể mù lòa. Nguy cơ vỡ màng ối, sảy thai, nhiễm trùng ối ở những thai phụ mắc các bệnh phụ khoa cũng là rất lớn.
Chính vì lẽ đó việc khám phụ khoa trước khi mang thai là vô cùng cần thiết và không thể thiếu để đảm bảo thai nhi có điều kiện phát triển bình thường và khỏe mạnh. Trước khi mang thai mấy tháng nên đi khám phụ khoa? Để kịp thời xử lý các vấn đề sức khỏe nếu có, chị em nên khám phụ khoa ít nhất 3 tháng trước khi có kế hoạch mang thai. Như vậy, sẽ đảm bảo cho bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Những điều cần làm trước khi khám phụ khoa
1. Kiêng quan hệ tình dục
Trước khi thăm khám, bạn nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2 ngày. Tinh trùng xuất hiện trong dịch tiết âm đạo hoặc tế bào cổ tử cung làm kết quả xét nghiệm và chuẩn đoán không chính xác.
2. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Trước khi khám phụ khoa cần làm gì? Bạn nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, không dùng dung dịch vệ sinh, xà phòng sát khuẩn trong vòng 24 giờ trước khi khám. Nếu vùng kín bị ngứa hoặc xuất hiện những nốt mụn, chị em không được dùng thuốc bôi vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả sau khi thăm khám.
3. Liệt kê những vấn đề bạn cần tư vấn
Bạn nên dành thời gian để nhớ lại tiền sử bệnh lý, tình trạng kinh nguyệt trong 3 chu kỳ mới nhất và ghi lại những câu hỏi liên quan đến vấn đề sinh sản của mình trước khi đi khám. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian và giúp bạn khám phụ khoa hiệu quả.
Liệt kê những vấn đề cần tư vấn để việc khám phụ khoa được diễn ra hiệu quả và nhanh chóng
4. Giữ tâm lý thoải mái
Vì là khám vùng kín nên nhiều chị em ngại ngùng, lo lắng. Điều này “vô tình” gây sự cố cho bác sĩ trong quá trình thao tác. Do đó, bạn hãy coi việc thăm khám phụ khoa như bước kiểm tra sức khỏe thông thường, giữ tâm lý thoải mái để kết quả ra được chính xác. Ngoài ra, chị em nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tốt nhất là mặc váy để bác sĩ dễ dàng thăm khám.
5. Lựa chọn cơ sở khám phụ khoa uy tín
Khám phụ khoa trước khi mang thai ở đâu? Việc tìm hiểu và lựa chọn địa chỉ khám uy tín là điều quan trọng đối với các chị em. Phòng khám cần có thiết bị y tế hiện đại, phương pháp khám an toàn, tiên tiến. Thêm vào đó, bác sĩ khám phải dày dặn kinh nghiệm và có tay nghề giỏi. Những điều này sẽ quyết định kết quả khám phụ khoa có chính xác hay không.
Chị em có thể tham khảo một số cơ sở khám phụ khoa uy tín ở TP.HCM là: Phòng khám Vietlife MRI Sư Vạn Hạnh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park…
Các kiểm tra và tiêm phòng cần được thực hiện trước khi mang thai
1. Khám nha khoa
Nhiều người nghĩ rằng sức khỏe răng miệng không liên quan đến việc mang thai. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ sai lầm. Phụ nữ trong và sau khi mang thai ăn rất nhiều đồ ăn, ăn nhiều bữa trong ngày,… làm tăng nguy cơ mắc bệnh về răng miệng.
Đồng thời, nội tiết tố thay đổi trong thời kỳ mang thai khiến bạn dễ bị viêm nướu. Bên cạnh đó, một số mẹ thường bị ốm nghén khiến răng tiếp xúc với dịch acid trong dạ dày làm răng bị tổn thương. Vì vậy, dù là trước hay trong khi mang thai, chị em cần được hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
2. Siêu âm tuyến giáp, ổ bụng
Việc siêu âm ổ bụng để kiểm tra những bất thường của cơ quan trong ổ bụng như: tụy, thận, lách, gan, đặc biệt là buồng trứng và tử cung. Thêm vào đó, siêu âm và xét nghiệm tuyến giáp giúp chị em kịp thời phát hiện sự bất thường của tuyến này. Tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi, đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên.
3. Đo điện tâm đồ
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm thể tích máu, lượng hồng cầu và nhịp tim tăng, đặc biệt từ tháng thứ 2 của thai kỳ. Những thay đổi này sẽ còn lớn hơn nữa khi bạn chuyển dạ đi sinh. Nếu mắc bệnh về tim mạch, thai phụ “vô tình” gây nhiều biến chứng cho bản thân và em bé trong bụng. Vì vậy, mẹ cần kiểm tra điện tâm đồ để sớm phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai trong quá trình mang thai.
Điện tâm đồ giúp mẹ kịp thời phát hiện bệnh lý ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con
Bạn có thể chưa biết:
Chích ngừa trước khi mang thai ở đâu để đảm bảo an toàn, hiệu quả?
Lợi ích của thuốc bổ sung axit folic trước khi mang thai
4. Tiêm phòng trước khi mang thai
Một số loại bệnh thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng từ người mẹ bị mắc bệnh như: HPV, viêm gan B, cúm, thủy đậu, sởi – rubella… Phụ nữ nên hoàn thành các mũi tiêm ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Việc này giúp vaccine không ảnh hưởng đến thai nhi và sản sinh ra kháng thể cho mẹ chống lại bệnh.
5. Xét nghiệm sàng lọc
Xét nghiệm nhóm máu, công thức máu, sắt huyết thanh giúp thai phụ biết nhóm máu, các bất thường của tế bào máu, bệnh về máu như: thiếu hồng cầu, bạch cầu… Việc sàng lọc công thức máu sẽ kịp thời phát hiện bệnh di truyền do đột biến gen gây ra.
Đồng thời, xét nghiệm sắt huyết thanh giúp mẹ bầu biết tình trạng máu thừa hay thiếu để được điều trị sớm. Trường hợp xét nghiệm nhóm máu mà bạn bị Rh âm tính, bác sĩ sẽ có chế độ theo dõi và hỗ trợ đặc biệt. Việc này giúp tránh nguy cơ sảy thai, lưu thai cho những lần mang thai sau.
Việc sàng lọc công thức máu sẽ kịp thời phát hiện bệnh di truyền do đột biến gen gây ra
Xét nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu bạn bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng thì thai nhi có thể bị dị tật bẩm sinh. Tùy vào tình hình hiện tại, bác sĩ sẽ đề xuất chị em làm thêm các xét nghiệm khác. Việc này giúp đánh giá khả năng miễn dịch của bạn với một số loại virus, vi khuẩn ảnh hưởng đến con như: virus Cytomegalo, vi khuẩn giang mai, ký sinh trùng Toxoplasmosis…
Xét nghiệm nước tiểu
Đây là xét nghiệm giúp bạn biết mình có mắc bệnh viêm nhiễm nào không. Các yếu tố trong nước tiểu để đánh giá tình trạng sức khỏe của chị em gồm: hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn, glucose…
Lời kết
Tóm lại, bạn nên khám phụ khoa trước khi mang thai. Việc này giúp phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc sức khỏe của thai phụ và em bé. Bên cạnh đó, trước khi có kế hoạch mang thai, chị em cần làm các xét nghiệm khác cũng như tiêm phòng để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!