Cương sữa sinh lý sau sinh là hiện tượng gì? Tình trạng này có giống như tắc tia sữa không? Hướng xử lý ra sao để mẹ bớt khó chịu?
Thế nào là cương sữa sinh lý sau sinh?
Đây là hiện tượng các sản phụ thường gặp sau khi sinh em bé từ 2-7 ngày. Dấu hiệu của tình trạng này như sau:
- Cảm thấy đau nhức ngực
- Toàn bộ ngực nóng ran.
- Bầu ngực cương cứng và ra rất ít sữa nếu hút sữa.
- Xuất hiện hạch ở nách.
Nguyên nhân của hiện tượng cương sữa sinh lý sau sinh:
Sữa được tiết ra từ ngực người phụ nữ là do hai hormone oxytocin và prolactin. Oxytocin là hormone co bóp tuyến sữa, còn prolactin là hormone tạo sữa.
Khi con mới sinh, hormone prolactin được tiết nhiều nhất giúp sữa đổ về các nang sữa. Tuy nhiên, lượng oxytocin tiết ra không đủ để co bóp tuyến sữa, dẫn tới sữa trong nang không được giải phóng ra ngoài, và gây ra tình trạng bầu ngực của mẹ căng cứng và khó chịu.
Tắc sữa và cương sữa sinh lý sau sinh có giống nhau?
Mới nghe qua thì nhiều thai phụ và người nhà rất dễ nhầm 2 khái niệm này là một. Tuy dấu hiệu có tương đối giống nhau, nhưng thực chất nguyên nhân và hướng xử lý hoàn toàn khác nhau. Do đó, cần phải biết phân biệt cương sữa sinh lý sau sinh và tắc sữa đúng để khắc phục đúng phương pháp.
Cương sữa sinh lý thường xảy ra sau sinh 2-7 ngày, khi sữa bắt đầu tiết để nuôi con bú.
Biểu hiện:
- Ngực nóng, đau nhức TOÀN BỘ NGỰC
- Hút sữa ra rất ít hoặc hầu như không ra sữa
- Ngực cương nặng, cứng
Còn tắc tia sữa sẽ xảy ra trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, xảy ra như sữa ra nhiều hơn nhu cầu và mẹ không thể vắt hay hút bớt. Từ đó dẫn đến tắc sữa. Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể là do cơ địa mẹ, ống dẫn sữa nhỏ,…
Biểu hiện:
- Bầu ngực có cục cứng, đau nhức tại cục, hút sữa ra kém, số lượng tia sữa không như bình thường
- Thường không xảy ra ngay sau sinh vì lúc này nguồn sữa mẹ chưa về nhiều
- Có thể sốt nhẹ
Phương pháp giúp giảm cương sữa sinh lý
Cho con bú liên tục
Dù có khó chịu đến mấy thì cách trị cương sữa sinh lý sau sinh hiệu quả là phải cho con bú thường xuyên. Khi con bú ít, lượng sữa không được tiết ra và khiến bầu ngực mẹ càng đau.
Con bú càng nhiều sẽ thì hiện tượng căng sữa sẽ càng nhanh hết. Dùng tay bóp sữa nhẹ nhàng ra trước khi cho con bú để làm giảm sự căng sữa. Ngoài ra, động tác này còn giúp sữa chảy ra và làm mềm núm vú để bé có thể mút tốt hơn.
Chườm lạnh
Dùng khăn mát chườm lạnh hai vú giữa các cữ bú trong khoảng 5 phút mỗi lần hoặc cữ hút sữa cũng giúp làm giảm sưng và đau.
Lưu ý tuyệt đối không chườm nóng vì cách làm này sẽ khiến hệ thống tuyến sữa và mạch máu ở vú giãn nở ra thêm. Và tình trạng căng tức và khó chịu sẽ tệ hơn.
Hơn thế nữa, động tác khi chườm phải nhẹ nhàng, chỉ đơn giản là chườm ngực, không nên day, bóp hay bất kỳ hành động nào gây tổn thương mạnh đến ngực.
Dùng máy hút sữa
Khi tình trạng sữa quá nhiều mà không tiết ra có thể sử dụng máy hút sữa để giảm căng tức. Máy hút sữa có thiết kế kiểu phễu chụp làm bằng silicon vân hình cánh hoa, giúp massage, kích thích và duy trì tuyến sữa tiết ra đều đặn, nhẹ nhàng và không gây đau.
Thử các tư thế cho con bú khác nhau
Khi cho con bú, hay thường xuyên thay đổi các vị trí khác nhau để đảm bảo tất cả các ống dẫn sữa được dọn sạch và có thể giúp làm giảm bớt cơn đau do căng sữa.
Trang phục thoải mái
Những mẫu áo ngực không chuyên cho sản phụ thường sẽ ôm sát vào người nhằm tạo dáng đẹp cho bầu ngực. Tuy nhiên, đối với mẹ bỉm sữa thì hiện tại nhu cầu này chưa cần thiết.
Do đó, hãy sử dụng các loại áo ngực chuyên dụng cho mẹ nuôi con bú. Các loại này thường có dây đai rộng và không có viền nhựa. Áo ngực quá chật sẽ tạp ra áp lực tới bộ ngực đang căng sữa và sưng phồng, khiến mẹ cảm thấy rất đau.
Cương sữa sinh lý sau sinh nếu không được xử lý kịp thời hay sai cách có thể dẫn tới hậu quả như áp xe vú và gây nguy hiểm cho bà mẹ. Vì thế, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu không rành và có kinh nghiệm. Và đến trung tâm y tế để thăm khám nếu tình trạng không thuyên giảm.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!