Vắt sữa mẹ và bảo quản đúng cách luôn là thắc mắc của nhiều chị em. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất trong những tháng đầu đời của trẻ, không gì có thể thay thế được. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như: đạm, đường, chất béo, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể của trẻ. Đặc biệt, với trẻ bị bệnh, hệ miễn dịch kém, không gì quý hơn cho bé ngoài sữa mẹ giàu kháng thể.
Hệ tiêu hóa và miễn dịch non nớt của bé chưa đủ sức để tiếp nhận sữa công thức hay bất cứ thức ăn nào khác. Tuy nhiên, trong những trường hợp không thể cho bé bú hay lượng sữa dư nhiều thì các mẹ cũng cần biết cách hút sữa và bảo quản sữa đúng cách nhất, đảm bảo an toàn hợp vệ sinh để duy trì nguồn sữa mẹ cho con yêu.
1. Cách vắt sữa mẹ
Mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa. Có nhiều loại máy hút sữa khác nhau phù hợp với nhu cầu của từng mẹ, vì vậy hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định mua máy. Ngoài ra, mẹ cần luôn đảm bảo rằng bình chứa hoặc máy hút luôn sạch sẽ và đã được khử trùng trước khi sử dụng. Trước khi vắt sữa mẹ hãy chọn vị trí ngồi thật thoải mái vì khi mẹ thoải mái sẽ kích thích sữa ra nhiều hơn.
Vắt sữa mẹ bằng tay
Đôi khi mẹ có thể thấy vắt sữa bằng tay dễ dàng hơn khi sử dụng máy vắt sữa, đặc biệt là trong vài ngày đầu mới sinh.
Trình tự các bước vắt sữa bằng tay:
Trước khi bắt đầu, rửa tay kỹ bằng xà bông và nước ấm, dùng khăn ấm lau nhẹ đầu vú và xoa bóp bầu vú.
Đặt tay vào một bên vú, ngón cái và ngón trỏ đối ngược nhau theo hình chữ C xung quanh quầng vú (phần tối hơn của vú).
Nhẹ nhàng nhấn đồng thời ngón tay cái và ngón trỏ trong khi hơi kéo về phía trước một chút, đừng để ngón tay trượt lên núm vú.
Lặp lại động tác trên. Lúc đầu, sữa sẽ chảy nhỏ giọt, nhưng sau đó sẽ nhiều và đều. Thay đổi vị trí của tay để kích thích toàn bộ các tia sữa. Khi dòng sữa chảy chậm lại, hãy lặp lại các động tác tương tự ở vú bên kia, xoa bóp giữa các lần vắt khi cần thiết. Có thể luân phiên vắt hai bên vú hoặc đồng thời cả hai bên vú đến khi hết sữa.
Nếu sữa không chảy, hãy thử di chuyển các ngón tay một chút về phía núm vú hoặc xa hơn, hoặc xoa bóp vú nhẹ nhàng.
Vắt sữa mẹ bằng máy hút sữa tay
Sau khi vệ sinh tay và đầu vú sạch sẽ hãy đặt phễu chụp vào bầu ngực và bóp cần theo tốc độ tùy chọn, tốt nhất nên bóp ở mức chậm trước, cũng có thể tự điều chỉnh lực hút theo ý muốn. Mẹ hãy lưu ý chọn phễu vừa với kích thước đầu vú nhưng vẫn đủ khoảng không để đầu vú không bị chèn vào thành của phễu. Lý tưởng nhất là đầu núm vú nằm ở giữa tâm của ống phễu chụp vú. Ở hướng dẫn sửu dụng máy sẽ có phần hướng dẫn chi tiết cùng các thông tin khác, mẹ cần tham khảo thật kỹ trước khi vắt sữa. Cũng giống như vắt sữa bằng tay, cần mát xa ngực trước và trong khi hút để giúp sữa dễ chảy ra.
Vắt sữa mẹ bằng máy hút sữa điện
Máy hút sữa bằng điện thường hoạt động tự động nên sau khi thực hiện các bước vệ sinh dụng cụ vắt, chứa sữa và vú, mẹ chỉ cần cắm điện vào máy, mát xa vú, bấm nút và giữ phễu để sữa tự động chảy. Một số dòng máy còn có chế độ mát xa tự động và cả chế độ hút sữa rảnh tay giúp mẹ hoàn toàn cảm thấy thoải mái trong suốt quá trình. Loại máy có bơm kép lý tưởng hơn vì giúp tiết kiệm thời gian và tăng lượng sữa.
2. Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt
Sữa mẹ có thể được bảo quản trong bình thủy tinh hay loại bình nhựa chuyên dụng, hoặc loại túi nhựa có thể bịt kín. Hiện nay trên thi trường có loại túi trữ dùng một lần với vạch đo và phần ghi ngày tháng rất tiện dụng. Nếu mẹ sử dụng bình nhựa hoặc bình thủy tinh để trữ sữa, hãy luôn chú ý đến vệ sinh chai trước khi chứa sữa. Một điều cần lưu ý nữa là không bao giờ được đổ sữa cũ và sữa vừa mới vắt vào chung một túi/ bình.
Sau đó, các bà mẹ có thể lưu trữ sữa của mình:
- Ở nhiệt độ phòng (từ 19-26°C) có thể bảo quản được sữa trong vòng 3 giờ.
- Trong ngăn thường của tủ lạnh không quá 72 giờ (3 ngày) ở 5°C hoặc thấp hơn
- Trong hai tuần ở ngăn đá tủ lạnh.
Không nên bảo quản sữa ở cánh cửa tủ lạnh, vì cánh cửa tủ lạnh không bảo đảm độ lạnh, chỉ cần một ngày mở ra mở vào vài lần sữa cũng có thể bị hỏng.
Sữa được vắt ra trữ ở tủ mát trong vòng 2 ngày mà chưa được sửa dụng đến nên được chuyển lên ngăn đá. Hãy nhớ ghi ngày và thời gian vắt sữa và sử dụng sữa vắt trước nhất trước.
3. Lưu ý khi cho trẻ dùng sữa mẹ trữ đông
– Không làm nóng sữa bằng nước sôi, đun trực tiếp trên bếp hay dùng lò vi sóng. Sử dụng lò vi sóng để rã đông sữa không an toàn vì các bước sóng ngắn làm thay đổi đảo chiều phân cực nước quá nhanh, có khả năng gây ung thư. Nếu muốn rã đông, hãy cho túi sữa xuống ngăn mát, sau đó ngâm vào nước ấm khoảng 45-50ºC.
– Không lắc mạnh hoặc thay đổi đột ngột nhiệt độ sữa mẹ vì sẽ làm mất tính năng tự nhiên của một số phân tử protein bảo vệ (kháng thể).
– Sữa rã đông nếu không dùng hết phải bỏ đi, hoặc sử dụng vào mục đích khác, không cho trẻ bú lại.
– Không pha sữa vừa rã đông còn thừa với sữa mới vắt.
– Nếu sữa sau khi rã đông có màu trắng đục như đám mây thì có khả năng sữa đã bị hỏng, không nên cho bé ăn sữa này vì không đảm bảo chất lượng.
Trên đây là những thông tin về việc vắt sữa mẹ mà chị em cần ghi nhớ. Cùng với đó, các mẹ cũng hãy thường xuyên bổ sung dinh dưỡng, uống nhiều nước và giữ tinh thần thoải mái để luôn đảm bảo lượng sữa đồi dào cho bé yêu nhé!
Theo: https://vn.theasianparent.com
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!