Chửa trứng bán phần là gì? Chắc chắn không ít mẹ bầu đều nghe qua một lần về cụm từ này. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nó là gì. Vậy chửa trứng có gây nguy hiểm gì cho sức khỏe của mẹ hay không? Theo nghiên cứu, đây là bệnh nguy hiểm có nguy cơ chuyển biến thành ung thư. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý.
Chửa trứng bán phần là gì?
Tình trạng này là do sự phát triển bất thường của gai rau. Nguyên bào nuôi của gai rau phát triển quá nhanh. Các tổ chức liên kết và mạch máu trong gai rau phát triển không kịp. Do đó các gai rau sẽ thoái hóa thành các bọng nước. Nhau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén.
Chửa trứng bán phần hay còn được biết đến là chửa trứng không hoàn toàn
Khi nhau thai sản sinh quá mức, phát triển thành khối không kiểm soát được tạo thành các nang trông như các quả trứng hoặc chùm nho nên được gọi là chửa trứng. Chửa trứng là bệnh lý lành tính nhưng có thể biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi. Nó xảy ra ở mọi lứa tuổi trong thời kỳ sinh nở.
Chửa trứng được chia ra làm 2 loại, một là chửa trứng hoàn toàn và hai là chửa trứng bán phần.
Chửa trứng không hoàn toàn hay còn gọi là chửa trứng bán phần có tổ chức thai hoặc một phần thai. Tuy nhiên phôi thai bất thường, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết, và các gai rau phù nề.
Chửa trứng bán phần có sự thụ tinh giữa 1 trứng và 2 tinh trùng. Trong trường hợp này, mặc dù thông tin di truyền là đầy đủ nhưng hợp tử không bình thường, gây nên tình trạng chửa trứng có phôi thai bất thường.
Những dấu hiệu của việc chửa trứng bán phần
Mẹ bầu bị chửa trứng cũng có những biểu hiện như mang thai bình thường. Tuy nhiên, những người chửa trứng thường bị ốm nghén rất nặng, nôn nhiều, và người gầy gò, xanh xao. Một số sản phụ còn bị phù nề và huyết áp tăng cao.
Ốm nghén nặng, nôn nhiều… là dấu hiệu của chửa trứng
Mẹ sẽ bị chảy máu âm đạo. Máu thường có màu đen hoặc đỏ sẫm. Chảy máu diễn ra vào khoảng từ tuần thai thứ 6 đến tuần 16 của thai kỳ. Một triệu chứng điển hình nữa của chửa trứng bán phần là tử cung của người chửa trứng to quá mức, không tương xứng với tuổi thai. Bên cạnh đó, mẹ sẽ không thấy xuất hiện hiện tượng thai máy.
Chẩn đoán chửa trứng bán phần
Khi có những dấu hiệu kể trên, các sản phụ nên đến khám tại cơ sở y tế để biết chính xác có mắc thai trứng hay không. Đồng thời, bạn cần xác định là chửa trứng toàn phần hay chửa trứng bán phần. Tại đây, các bác sĩ sẽ dùng siêu âm và xét nghiệm nồng độ hormone HCG để chẩn đoán. Độ chính xác lên đến 90%.
Để chẩn đoán chắc chắn thai trứng, phải dựa vào giải phẫu bệnh lý tức là nạo hút lấy mô trong lòng tử cung đi thử. Giá trị HCG là một trong các giá trị để xếp nhóm nguy cơ cao của thai trứng. Nguy cơ cao nghĩa là bệnh có thể tiến triển thành ung thư tế bào nuôi. Điều này cần phải điều trị và theo dõi trong một thời gian dài.
Mẹ bầu bị chửa trứng bán phần có nguy hiểm không?
Chửa trứng bán phần nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ. Khi mẹ bầu bị chửa trứng sẽ gây ra hiện tượng mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết khi mang thai hoặc do thai xâm lấn sâu vào tử cung gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng.
Đây là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ biến chứng thành ung thư
Khoảng 80% các trường hợp chửa trứng sau khi hút nạo sẽ diễn tiến tốt. Trong khoảng 20% trường hợp còn lại, chửa trứng chuyển biến thành ung thư ác tính. Nó nhanh chóng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, tỉ lệ tử vong rất cao.
Cách điều trị và phòng tránh
Khi mẹ đã được chẩn đoán bị chửa trứng bán phần, cách điều trị thông thường là nong cổ tử cung và nạo, hút sạch thai trứng ra khỏi tử cung. Điều này cần được thực hiện sớm để tránh bị sảy hoặc phát triển thành ác tính.
Sau khi nạo thai, mẹ bầu vẫn được tiếp tục theo dõi và xét nghiệm nồng độ HCG mỗi tuần đến khi âm tính ba lần liên tiếp, sau đó mỗi tháng một lần trong 6 tháng. Trong thời gian theo dõi không nên có thai. Trong trường hợp, sau khi nạo thai trứng bán phần, nồng độ HCG giảm tốt thì sau 6 tháng ổn định, có thể để có thai lại.
Để phòng tránh việc bị chửa trứng bán phần, các sản phụ phải thực hiện một lối sống khoa học, lành mạnh. Sản phụ thực hiện chế độ ăn uống đủ chất rất quan trọng trong độ tuổi sinh nở.
Bên cạnh đó, các bà mẹ cần thực hiện kế hoạch hoá gia đình, không sinh quá nhiều con, và sinh gần nhau. Mẹ không nên sinh con khi đã quá 35 tuổi. Ngoài ra, khi có kế hoạch mang thai, các bà mẹ nên đến thăm khám bác sĩ để kiểm tra nguy cơ cũng như khả năng có thể mang chửa trứng để có biện pháp phòng tránh sớm.
Kết
Chửa trứng bán phần là một căn bệnh sản khoa nguy hiểm. Nó có nhiều nguy cơ biến chứng nên mẹ bầu cần chú ý phòng tránh.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!