Chị Thanh Lan 41 tuổi ở Yên Bái, đã có hai con và “lỡ” dính bầu lần ba. Đến tuần thứ 9 của thai kỳ bị ra máu âm đạo, chị tưởng bị dọa sảy thai. Đi khám, bác sĩ phát hiện chị chửa trứng và phải chỉ định nạo hút thai. Trường hợp nói trên của chị Thanh Lan, chị không hề hay biết về “chửa trứng” cho tới khi mắc phải. Tương tự, có rất nhiều chị em ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nghe tới chứng bệnh này. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về “chửa trứng là gì” và “chửa trứng toàn phần là gì” trong bài viết này nhé.
Chửa trứng (Molar pregnancy) là gì?
Quá trình mang thai bắt đầu khi tinh trùng thụ tinh với trứng. Trứng được thụ tinh di chuyển đến dạ con (tử cung) và làm tổ ở đây. Chửa trứng (hay còn gọi là thai trứng) xảy ra khi các tế bào thay vì phát triển thành nhau thai trong tử cung, lại biến thành một cụm tế bào bất thường. Một phần hay toàn bộ bánh rau biến thành những túi dịch to nhỏ trông như những chùm nho, chiếm toàn bộ diện tích tử cung và ấn át sự phát triển của bào thai.
Chửa trứng toàn phần là gì?
Bên trái: chửa trứng bán phần; Bên phải: chửa trứng toàn phần
Người ta chia chửa trứng làm 2 loại: toàn phần và bán phần.
- Chửa trứng toàn phần là gì? thường xảy ra khi trứng không chứa thông tin gen (DNA) nào được thụ tinh bởi 1 tinh trùng bình thường. Bào thai không thể phát triển, nhường chỗ cho những “chùm nho” bất thường.
- Chửa trứng bán phần là gì? Một trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, tuy đủ thông tin di truyền từ bố và mẹ nhưng hợp tử này không bình thường. Phần lớn tế bào nhau thai (gai rau) biến thành túi dịch, còn 1 phần gai rau bình thường. Bào thai có thể phát triển nhưng hiếm có khả năng sống sót sau đó.
Chửa trứng toàn phần có thể dễ dàng phát hiện hơn chửa trứng bán phần khi siêu âm.
Phát hiện sớm chửa trứng toàn phần
Có 2 nhóm biện pháp phát hiện chửa trứng: Chẩn đoán hình ảnh và Xét nghiệm
Chẩn đoán hình ảnh
Với siêu âm, chửa trứng có thể được phát hiện rất sớm và dễ dàng với thai dưới 9 tuần.
Trong chửa trứng toàn phần, trên siêu âm thấy hình ảnh tuyết rơi hoặc lỗ chỗ như tổ ong, có thể thấy nang hoàng tuyến hai bên, không thấy phôi thai. Trong chửa trứng bán phần thì khó phân biệt hơn với thai lưu, có thể thấy một phần bánh rau bất thường.
Thực hiện các xét nghiệm
Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm bao gồm:
- Định lượng Beta-hCG : Là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán và theo dõi chửa trứng.
- Định lượng estrogen : Trong nước tiểu estrogen dưới dạng các estrone, estradiol hay estriol đều thấp hơn trong thai thường, do sự rối loạn chế tiết của rau và do không có sự biến đổi estradiol và estriol xảy ra ở tuyến thượng thận của thai nhi. Tuy nhiên, chỉ số này ít ý nghĩa và không sử dụng trong thực tế vì sự khác biệt này chỉ thấy rõ khi tuổi thai từ 14 tuần trở lên.
- Định lượng HPL : (Human placental lactogen), thường cao trong thai thường, nhưng rất thấp trong chửa trứng.
- Giải phẫu bệnh: Chửa trứng toàn phần có toàn bộ gai rau phát triển thành các nang trứng. Các gai rau phù và thoái hóa nước trục liên kết, không còn các tế bào xơ, sợi và các huyết quản. Trục liên kết chứa dịch trong. Các nguyên bào nuôi quá sản nhiều hàng (hình thái giống các nguyên bào nuôi bình thường tuy nhiên cũng có thể gặp một số nguyên bào nuôi có nhân không điển hình hoặc các hình nhân chia), mất cân đối giữa tỷ lệ hợp bào nuôi và nguyên bào nuôi. Hình thành các đám nguyên bào nuôi tự do.
Các phương pháp điều trị chửa trứng toàn phần
Phương pháp thủ thuật
Khi người bệnh đã được xác định chửa trứng, việc cần làm trước tiên là lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút trứng. Các bác sĩ sẽ tiến hành kỹ thuật hút nạo thai trứng, truyền oxytocin co hồi tử cung trong và sau thủ thuật và kháng sinh phòng nhiễm khuẩn. Sau đó, các bác sĩ sẽ gửi tổ chức mô nạo làm giải phẫu bệnh lý.
Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi và siêu âm theo lịch Beta hCG. Thường bệnh nhân sẽ được khuyên tránh thai vòng trong 2 năm.
Phương pháp phẫu thuật
Việc cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi và trường hợp thai trứng xâm lấn làm thủng tử cung.
Dấu hiệu của bệnh chửa trứng toàn phần/bán phần
- Rong huyết: Đây là triệu chứng quan trọng đầu tiên, chiếm trên 90% trường hợp chửa trứng. Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi hay nâu đậm trong ba tháng kinh nguyệt đầu tiên.
- Nghén nặng: Gặp trong 25-30% các trường hợp, biểu hiện nôn nhiều, đôi khi phù, có protein trong nước tiểu.
- Đau trằn, nặng vùng bụng dưới.
- Bụng to rất nhanh.
- Toàn thân mệt mỏi, biểu hiện thiếu máu. Có thể nhiễm độc thai nghén. Đôi khi có vàng da, nước tiểu vàng.
- Có thể có dấu hiệu tiền sản giật (10%)
- Có thể có triệu chứng cường giáp (10%). Cảm giác lo lắng, mệt mỏi, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đổ mồ hôi rất nhiều.
- Khám âm đạo có thể thấy nhân di căn âm đạo. Có thể to bằng đầu ngón tay, màu tím sẫm, thường ở thành trước, dễ vỡ gây chảy máu.
- Tử cung mềm, kích thước tử cung lớn hơn tuổi thai (trừ trường hợp chửa trứng thoái triển).
- Nang hoàng tuyến xuất hiện trong 25-50%, thường gặp cả 2 bên.
- Không sờ được phần thai.
- Không nghe được tim thai.
Biến chứng có thể mắc nếu bị chửa trứng
Chửa trứng đa số là lành tính. Tuy nhiên trong quá trình tiến triển, dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm:
- Băng huyết: Do trứng bị sảy gây băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.
- Xâm lấn: Trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung và chảy máu ổ bụng.
- Ung thư: Ung thư tế bào nuôi xâm nhập sang cơ thể mẹ qua đường máu rồi di căn đến bộ phận xa. Đây còn gọi là hiện tượng ung thư mô trung sản, chiếm khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng.
Nguy cơ bị chửa trứng
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Chỉ mới đưa ra được một vài yếu tố ảnh hưởng như:
- Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh. Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ.
- Thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
- Phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần, hoặc tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, hoặc tử cung bất thường.
- Thiếu dinh dưỡng: Thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A… Do đó, tỉ lệ mắc ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển.
Thời điểm có thể mang thai trở lại
Thông thường, bạn vẫn phải chờ một năm sau khi nồng độ beta hCG trở về mức bình thường, trước khi chuẩn bị mang thai lần nữa. Trường hợp có thai trước thời điểm này, nồng độ beta hCG sẽ tăng lên và bác sĩ sẽ không thể biết được liệu mô bất thường có quay trở lại không.
Một điều may mắn cho người mắc tình trạng này là thai trứng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay khả năng có thai, ngay cả khi người bệnh đã trải qua hóa trị. Bạn không bị tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Và tỉ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ từ 1 – 2%. Ở lần mang thai tiếp theo, bạn nên đi siêu âm trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì xảy ra.
Bị chửa trứng không phải lỗi của bạn, nhưng khi bạn thấy mình có nguy cơ, hoặc đã mắc phải, bạn hoàn toàn có thể có phương pháp chữa trị phù hợp để có sức khoẻ sinh sản tốt hơn. Hãy tự tin lên các mẹ nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!