Mang thai là một hành trình với nhiều điều bất ngờ. Thật không hay nếu như mẹ bầu lâm vào tình trạng thai ngoài tử cung. Với mẹ bầu bị dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh, đã từng phẫu thuật liên quan đến vòi trứng, … tình trạng này xảy ra thường xuyên. Vậy, thai ngoài tử cung có giữ được không? Cùng The Asianparent tìm hiểu về tình trạng này mẹ bầu nhé!
Bạn biết gì về thai ngoài tử cung?
Chửa ngoài dạ con là tên dân gian của hiện tượng này. Đây là hiện tượng trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở bên ngoài tử cung.
Hiểu đơn giản, thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung.
Thay vào đó, thai có thể làm tổ ở buồng trứng, cổ tử cung, trong ổ bụng, ngoài ổ phúc mạc, … Vòi tử cung là vị trí thường gặp, chiếm hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung.
Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung
Chậm kinh
Đây là dấu hiệu điển hình của thai ngoài tử cung. Với mẹ bầu có chu kỳ kinh nguyệt không đều, việc đoán ngày hành kinh rất khó. Nếu ra máu âm đạo bất thường trước thời chu kỳ, mẹ bầu nên chú ý nhé!
Đau bụng dữ dội
Thai làm tổ ở chỗ nào, mẹ bầu sẽ thấy đau chỗ đó. Do đó, mẹ bầu nên chú ý đến vị trí đau. Bên cạnh chỗ thai làm tổ, mẹ cũng sẽ đau vùng bụng dưới hoặc đau bụng kèm theo mót rặn.
Ra máu âm đạo bất thường
Những bất thường về thời gian hành kinh, bất thường về màu sắc, độ đặc loãng của máu, … ngầm báo về dấu hiệu thai ngoài tử cung.
Dấu hiệu khác
Nếu thai ngoài tử cung bị vỡ, mẹ bầu sẽ bị toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt. Trường hợp nặng hơn, mẹ bầu sẽ bị ngất.
Nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung
Viêm nhiễm vòi trứng
Viêm nhiễm vòi trứng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng thai ngoài tử cung. Bệnh này chủ yếu bị lây truyền qua đường tình dục.
Các bệnh phụ khoa
Viêm vùng chậu, viêm khung chậu, tắc vòi trứng,… cũng dẫn đến mang thai ngoài tử cung.
Vòi trứng có thể bị tắc hoặc hẹp bởi bệnh lạc nội mạc tử cung, khối u phần phụ chèn ép vòi trứng hay những phẫu thuật lên vùng bụng gây dị dạng vòi trứng. Phôi thai không thể di chuyển được nên “đành” ở ngoài tử cung.
Hút thuốc lá
Không chỉ làm chậm quá trình thụ thai, hút thuốc lá còn gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung ở phụ nữ.
Nguyên nhân khác
- Đặt vòng tránh thai.
- Mẹ bầu từng dùng chất diethylstilbestrol trong thai kỳ.
- Có tiền sử từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, bệnh lậu
- Đã từng bị mang thai ngoài tử cung, từng phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thất bại (phẫu thuật triệt sản).
- Dùng các loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị vô sinh.
Thai ngoài tử cung có giữ được không hay bắt buộc phải điều trị?
Thai ngoài tử cung thì không thể tự di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung. Do đó, thai ngoài tử cung chắc chắn không thể sinh được mà bắt buộc phải điều trị.
Sử dụng thuốc
Nếu mẹ bầu phát hiện sớm, có thể tiêm methotrexate để điều trị. Thuốc sẽ ngăn chặn sự phân chia của các tế bào. Thai sẽ được cơ thể hấp thu sau 4-6 tuần và ống dẫn trứng vẫn được bảo tồn.
Tùy thuộc vào nồng độ βhCG ban đầu, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ chọn phác đồ đơn liều hay đa liều. Mẹ sẽ được theo dõi cho đến khi βhCG trở về âm tính. Trong quá trình này, nếu βhCG tăng hoặc giảm chậm, bác sĩ sẽ bổ sung liều MTX lặp lại. Nếu nặng hơn, bác sĩ bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật.
Phẫu thuật
Nếu thai đã lớn và có tim thai hoặc βhCG quá cao, mẹ bầu sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ thai bất thường. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chọn hình thức phẫu thuật hoặc nội soi.
Theo dõi thường xuyên
Nếu thai ngoài tử cung không có triệu chứng xấu hoặc thai nhỏ, không tìm thấy, cần theo dõi chặt chẽ. Trong trường hợp này, thai có thể tự tan. Mẹ cần chú ý βhCG, chảy máu âm đạo và triệu chứng đau bụng để biết được thai có tự tan hay không. Nếu không, mẹ phải đổi sang lựa chọn điều trị khác.
Biện pháp đề phòng mang thai ngoài tử cung
Tránh viêm nhiễm vùng kín
Đảm bảo vùng kín khỏe mạnh là cách trực tiếp nhất hạn chế thai ngoài tử cung. Chị em cần thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, …
Theo dõi thường xuyên ở lần mang thai kế tiếp
Nếu đã từng có thai ngoài tử cung, mẹ sẽ có nguy cơ tái lại cao hơn người bình thường. Vì vậy, nếu mang thai, mẹ bầu hãy chú ý đến những dấu hiệu thai ngoài tử cung. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường, mẹ hãy đến gặp bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Nếu để thai lớn và bị vỡ, mẹ bầu sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Chúc hành trình mang thai của mẹ bầu sẽ luôn suôn sẻ nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!