Bi kịch chửa trứng (hay còn gọi là thai trứng) luôn là nỗi ám ảnh của các chị em mong có con. Chị Nguyễn Kim T. (Hà Nội) sau 3 năm kết hôn mà vẫn chưa có con. Vừa rồi, chị rất vui mừng khi thấy mình bắt đầu có những triệu chứng giống như bị nghén. Chị bị buồn nôn, thèm đồ chua và cảm giác đó ngày càng nhiều khiến chị nghĩ rằng mình đã có tin vui. Tuy nhiên sau đó không lâu, chị bỗng dưng bị chảy máu âm đạo, người mệt mỏi, sút cân. Chị lo lắng đi siêu âm ở Bệnh viện Phụ sản TW thì mới phát hiện ra là mình bị chửa trứng.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Thai trứng có giữ được không? Cách phát hiện sớm chửa trứng là gì? Làm gì để đề phòng tình trạng này?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Bệnh thai trứng đa phần là lành tính, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như thai trứng xâm lấn hoặc ung thư tế bào nuôi. Bệnh thai trứng nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến các hậu quả như mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết,… Chính vì vậy, phụ nữ có thai trứng sẽ không thể giữ thai được, phải tiến hành điều trị lấy thai ra và có quá trình theo dõi chặt chẽ sau đó.
Cách an toàn và nhanh nhất để phát hiện sớm thai trứng là khám thai định kì theo lịch để theo dõi và tầm soát các bất thường của thai kì hoặc bất kì lúc nào thấy các dấu hiệu như rong huyết, nghén nặng, bụng to nhanh, không thấy thai máy.
Thai trứng chủ yếu là do sự rụng trứng bất thường, tạo ra một khối không có phôi thai (được gọi là thai trứng toàn phần) hoặc có phôi thai bất thường (thai trứng bán phần), nên việc phòng ngừa thai trứng không dễ. Tuy vậy, phụ nữ cũng có thể lưu ý một số cách giúp phòng ngừa như:
- độ tuổi mang thai không nên lớn hơn 35 tuổi
- có chế độ ăn uống đầy đủ trước và trong khi mang thai
- khám thai đầy đủ theo lịch
Với các mẹ đã từng điều trị thai trứng, nên tuân thủ theo chỉ dẫn hậu phẫu của bác sĩ để có một thai kì bình thường sau đó
Vậy chửa trứng là gì?
Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch hay chùm nho, và thường chiếm toàn bộ diện tích buồng tử cung. Chính các tổn thương này đã làm cho phôi thai không thể phát triển được do bị chèn ép nhưng gai rau thì vẫn được cung cấp dưỡng chất từ máu của mẹ nên vẫn tiếp tục phát triển và hoạt động. Đây chính là tiến trình phát triển thai nghén không bình thường mà y học gọi đó là hiện tượng chửa trứng.
Bệnh thường gặp ở các nước có nền kinh tế kém phát triển do người mẹ không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và cả chính bản thân. Theo thống kê tỷ lệ chửa trứng ở nước ta là khá cao, chiếm khoảng 1/500 sản phụ.
Các loại chửa trứng
- Chửa trứng hoàn toàn: Là loại chửa trứng không có tổ chức thai, các gai rau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.
- Chửa trứng không hoàn toàn (bán phần): có tổ chức thai hoặc một phần thai, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết, các gai rau phù nề.
Triệu chứng chửa trứng
Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện giống như những trường hợp mang thai bình thường khác, trước hết là tắt kinh, sau đó là nghén. Các triệu chứng khác của chửa trứng và ung thư nhau thai có thể là:
- Chảy máu âm đạo
- Ra dịch, các chất bất thường: các lông nhau hình quả nho
- Đau bụng dưới
- Nôn nhiều, nôn ra mật xanh mật vàng
- Người gầy sút
- Chảy dịch đầu vú bất thường
- Bụng to nhanh
- Một số trường hợp còn bị phù và tăng huyết áp
- Bệnh để muộn: khó thở, liệt, co giật.
Bên cạnh nghén nặng, thai phụ còn bị ra máu âm đạo (hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ), máu đen hoặc đỏ, dai dẳng, ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn. Do bị mất máu nên người bệnh mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt. Một triệu chứng điển hình nữa là tử cung của sản phụ to không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5-6 tháng.
Tóm lại, các biểu hiện của chửa trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung… Do đó để chẩn đoán chính xác bệnh phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, xét nghiệm định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp X quang bụng (và có thể làm thêm các chụp chiếu khác).
Nguyên nhân
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Chỉ mới đưa ra được một vài yếu tố ảnh hưởng như:
- Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể
- Thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi
- Đã sinh đẻ nhiều lần
- Bất thường ở dạ tử cung
- Thiếu dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A…
- Tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường.
Các biến chứng nguy hiểm
Trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như sẩy thai trứng gây băng huyết nặng hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung. Khoảng 10 – 30% các ca bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi.
Người đã bị chửa trứng thì nguy cơ ung thư nhau thai tăng lên đến 1.000 lần so với người bình thường. Ung thư nguyên bào nuôi thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử, chảy máu và di căn xa đến các phủ tạng khác của cơ thể như gan, phổi, não, khiến cho việc điều trị rất khó khăn.
Cách điều trị
Bình thường, chửa trứng không nguy hiểm vì khoảng 80% là lành tính, bệnh khỏi sau khi nạo lấy hết nhau thai hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh đẻ.
Cần phải nạo hút thai trứng sớm để phòng sẩy thai gây băng huyết. Sau 2 – 3 ngày lại phải nạo lại lần thứ hai và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn. Riêng đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc không muốn có thêm con nữa thì có thể áp dụng biện pháp cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo trứng trước. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi.
Một điểm cần lưu ý nữa là sau khi nạo thai trứng thì bệnh nhân phải được theo dõi ngoại trú và khám định kỳ trong thời gian ít nhất là hai năm theo chỉ định của bác sĩ. Mục đích là để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của chửa trứng. Trong thời gian theo dõi, bệnh nhân không được có thai, chỉ sau hai năm theo dõi mà không thấy có biến chứng gì thì mới nên có thai lại. Và lần có thai sau thời hạn hai năm này cũng phải được khám và theo dõi chặt chẽ.
Cách phòng tránh
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần ăn uống đủ chất để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thời gian mang thai
- Bên cạnh đó, cần kế hoạch hóa gia đình để không sinh quá nhiều con và đẻ dày
- Nên khám thai sớm và thường xuyên để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường ở thai nhi
- Với những người đã từng điều trị thai trứng, nên tuân thủ theo chỉ dẫn hậu phẫu của bác sĩ
- Trong lần mang thai lần tiếp theo, cần đến bệnh viện sớm để được chuẩn đoán và theo dõi xem có bị chửa trứng tái phát hay không.
Bài viết cho the Asian parents Vietnam
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!