Bà bầu có được ăn kim chi không có lẽ là thắc mắc phổ biến khi có hàng loạt món ăn được khuyến cáo không dùng trong thời kỳ mang thai nhưng độ chua cay ngon lành của món này cũng khó cưỡng. Dưới đây là lời khuyên từ các chuyên gia để mẹ bầu có thể yên tâm thưởng thức món ăn yêu thích.
- Thành phần dinh dưỡng của kim chi
- Bà bầu có được ăn kim chi không?
- Lưu ý khi bà bầu ăn kim chi
- Gợi ý một số món chế biến từ kim chi hấp dẫn cho bà bầu
Thành phần dinh dưỡng của kim chi
Kim chi là món ăn truyền thống của đất nước Hàn Quốc và khá phổ biến tại Việt Nam. Có nhiều loại kim chi làm từ các loại rau xanh như cải thảo, củ cải trắng, dưa chuột, hành lá, cải xanh muối với ớt bột, nước sốt đặc biệt từ cá cơm, quả lê đường, củ cải và tương ớt Hàn, lá hẹ. Kim chi Hàn Quốc có thể ăn liền kèm món ăn chính như mì, cơm, thịt nướng hoặc chế biến thành các món nấu chín cũng vô cùng ngon miệng với vị chua do lên men, cay do ớt bột và giòn của rau củ.
Ở Việt Nam phổ biến nhất là món kim chi cải thảo. Theo nhiều chuyên gia ẩm thực và dinh dưỡng, kim chi được khuyến khích ăn vì sau khi lên men có nhiều probiotic, loại lợi khuẩn cho đường ruột và hỗ trợ làm đường tiêu hoá khoẻ mạnh hơn. Kim chi được xem là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, vitamin như vitamin A, C, canxi, mà lại rất ít calo nên không sợ bị béo khi ăn nhiều. Theo nghiên cứu, cứ 60g kim chi chứa 10g calo, 1g chất béo, 1g protein.
Kim chi chứa lượng lớn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe (Ảnh: istockphoto)
Bạn có thể xem:
Bà bầu có được ăn kim chi không?
Kim chi là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân Hàn Quốc. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cứ mỗi 60 gram kim chi sẽ chứa 10 gram calo, 1 gram protein, 1 gram chất béo. Bên cạnh đó, kim chi còn chứa rất nhiều vitamin A và C, chất sắt, canxi, chất xơ,… Bên cạnh đó, kim chi còn được chứng minh là có các chất chống và phòng ngừa ung thư, giảm huyết áp. Với hàm lượng calo thấp nên kim chi sẽ là một món ăn kèm tuyệt vời giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng tăng cân.
Với những thành phần thân thiện với cơ thể, không gây kích ứng và thậm chí có một số tác dụng tích cực, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết bà bầu hoàn toàn có thể ăn kim chi nếu thèm.
Đặc thù ít calo, ít béo, ít đường và nhiều chất xơ, kim chi là thực phẩm có thể giúp bà bầu hạn chế tình trạng thừa cân hay tiểu đường khi mang thai. Vị chua cay nhẹ của kim chi làm thoả mãn vị giác của nhiều mẹ bầu thèm chua, kim chi lên men tự nhiên cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của các bà bầu, giúp tiêu hóa tốt, hạn chế nôn nghén hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy kim chi có thể cung cấp tới 8% vitamin C cho cơ thể, hỗ trợ sản xuất collagen và làm chậm đi quá trình lão hóa da ở bà bầu.
Mẹ bầu có thể ăn kim chi, miễn là không ăn quá nhiều! (Ảnh: istockphoto)
Lưu ý khi bà bầu ăn kim chi
Tuy rằng câu trả lời là “được” khi hỏi “bà bầu có được ăn kim chi không”, nhưng không phải có thể ăn nhiều hay ăn lúc nào cũng được. Lời khuyên của chuyên gia cho thai kỳ an toàn, bà bầu nên:
- Hạn chế ăn kim chi mới vừa muối xong. Khi này hàm lượng nitric cao, độ pH giảm dần để độ chua tăng dần lên, không tốt cho cơ thể.
- Kim chi cũng chứa lượng muối lớn nên cũng không nên ăn nhiều, có thể ảnh hưởng đến huyết áp, nhất là những mẹ có tiền sử bệnh cao huyết áp, tiền sản giật.
- Khi ăn kim chi nên chọn mua sản phẩm đảm bảo vệ sinh hoặc có thể tự tay làm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Vì ít calo và tinh bột nên khả năng bồi bổ của kim chi khá thấp, mẹ bầu nên bổ sung đạm và lipit ăn kèm với kim chi.
- Kim chi khá cay và chua, nếu mẹ nào thường xuyên bị ợ nóng cũng nên hạn chế.
Bạn có thể xem:
Gợi ý một số món chế biến từ kim chi hấp dẫn cho bà bầu
Bà bầu không nên bỏ qua món canh kim chi thịt bò
Nguyên liệu: Thịt bò, kim chi cải thảo, đậu phụ trắng, hành baro, bột ớt Hàn Quốc, tỏi băm.
Thực hiện: Thịt bò thái lát mỏng vừa ăn, đậu phụ cắt miếng, kimchi cắt khúc, để cái và nước riêng. Cho ít dầu ăn, ½ thìa tỏi băm, ½ thìa bột ớt, thịt bò và kim chi vào nồi, đảo sơ rồi cho nước kim chi và nước vào nấu khoảng 10-15 phút cho sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn và cho đậu phụ, hành lá vào. Nếu thích mẹ bầu có thể thêm nấm kim châm. Đợi sôi bùng lần nữa tắt bếp là có ngay tô canh nóng ăn với cơm ngon lành.
Nếu sợ cay, mẹ bầu có thể không thêm ớt bột. Canh kim chi vừa giảm bớt độ muối mặn trong kimchi vừa nấu chín rau, mẹ sẽ yên tâm hơn khi ăn. Ngoài ra đậu phụ cũng bổ sung protein cần thiết, thịt bò cung cấp sắt và kẽm.
Soup bò kim chi (Ảnh: istockphoto)
Bánh xèo kim chi hải sản
Nguyên liệu: Kim chi cải thảo, hải sản tôm, mực theo ý thích, bột bánh xèo Hàn Quốc (pancake kim chi), trứng gà, hành lá
Thực hiện: Kim chi cắt nhỏ, hành lá cắt khúc, hải sản rứa sạch và cắt miếng nhỏ vừa ăn. Cho bột vào tô trộn, đập trứng vào và thêm nước. Khuấy đến khi bột sánh đều thì cho hải sản, kim chi và hành lá vào trộn cùng. Bột này thường được nêm sẵn gia vị nên không cần nêm thêm.
Làm nóng chảo với ít dầu phủ mặt. Múc từng muỗng hỗn hợp bột kimchi cho vào chảo và dùng muỗng dàn hỗn hợp bột ra thành hình tròn, hơi mỏng. Chiên cho đến khi cả 2 mặt bánh đều chín vàng là xong. Món bánh xèo kim chi có thể làm món ăn vặt hoặc ăn xế ngon lạ miệng, ăn nóng sẽ ngon hơn.
Cơm chiên kim chi cá ngừ cho bà bầu
Nguyên liệu: Cá ngừ đóng hộp, kim chi cải thảo, hành tây, ớt xanh/đỏ, hành lá, trứng gà, cơm trắng, gia vị nêm nếm, dầu ăn.
Thực hiện: Cắt nhỏ kim chi và hành tây, ớt. Cho dầu vào chảo rồi đổ kim chi và hành tây vào xào chung. Xào đến khi hành hơi trong thì cho tiếp cá ngừ bóp vụn vào chảo đảo tiếp. Khoảng vài phút cho tiếp cơm trắng và ớt đã cắt, hành lá vào trộn đều. Nêm nếm gia vị rồi tắt bếp. Trứng chiên ở chảo riêng và để lên mặt dĩa cơm khi dùng. Cơm chiên kim chi ngon hơn khi ăn nóng, có thể thêm rong biển sấy khô, mè rang để thơm hơn.
Mặc dù có thể ăn kim chi khi thèm nhưng nhiều quá đều không tốt, bà bầu nên ăn vừa phải và bổ sung dinh dưỡng đa dạng để khoẻ mạnh cho mẹ và thai nhi.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!