Bà bầu có được xoa dầu gió vào bụng khi bị đau bụng và tiêu chảy không? Thực tế là các nhà sản xuất dầu gió luôn để thông tin là tham khảo ý kiến bác sĩ hay chống chỉ định sử dụng với phụ nữ khi đang mang thai.
Nội dung bài viết:
- Dầu gió là gì?
- Bà bầu có được xoa dầu gió vào bụng không khi bị đau bụng và tiêu chảy?
- Không thể/ không nên xoa dầu gió vào bụng, nhưng những loại dầu này cực kỳ an toàn cho bà bầu
Dầu gió là gì?
Dầu gió là một dạng chất lỏng có tính mát và vị cay với các thành phần chủ yếu là tinh dầu, thông thường là tinh dầu bạc hà và một số thành phần khác, phụ thuộc vào nhà sản xuất.
Các tác dụng của dầu gió
- Điều trị viêm/đau họng; viêm/nghẹt mũi
- Giúp hạ sốt
- Chữa viêm, loét miệng
- Điều trị bỏng nhẹ
- Giảm phù nề, sát trùng
- Làm cho tinh thần sảng khoái
Dầu xanh Con Ó (Nguồn ảnh: Pharmacity)
Bà bầu có được xoa dầu gió vào bụng không khi bị đau bụng và tiêu chảy?
Thắc mắc của thai phụ về việc có được xoa dầu gió vào bụng không
Một thai phụ đã mang thai ở tháng thứ 4. Gần đây hay bị đau bụng và tiêu chảy. Thường là cứ sau 2 tiếng ở mỗi lần ăn là hay bị đau bụng và đôi khi là đau bụng dưới. Vài lần thai phụ đã sử dụng dầu gió để hạn chế cơn nhói đau ở bụng và trị triệu chứng đang bị. Nhưng dạo gần đây không còn dám dùng vì nghe nói sản phẩm này không tốt cho thai nhi. Và chị mong tìm được lời giải đáp cho thắc mắc “Bà bầu có được xoa dầu gió vào bụng không khi bị đau bụng và tiêu chảy?”.
Giải đáp của bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ
Để trả lời cho thắc mắc này, BS.CKII Trần Thị Nhật Thiên Trang tại Khoa Chăm sóc trước sinh ở Bệnh viện Từ Dũ đã nêu ý kiến cá nhân. Trước hết, cần làm rõ là dầu gió không phải là thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa. Do đó, thai phụ không nên phụ thuộc và sử dụng dầu gió để xức hay uống nhằm trị dứt các vấn đề về đường tiêu hoá.
Mặt khác, nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy là do vấn đề ăn uống và vệ sinh trong ăn uống. Vì thế, mẹ bầu nên xem lại vấn đề về vệ sinh trong ăn uống. Ngoài ra cũng xem lại sữa đang dùng có thể cơ thể em không hấp thu được một thành phần gì đó trong loại sữa đó. Nếu đã bảo đảm 2 vấn đề trên mà vẫn đau bụng tiêu chảy thì nên đến khám chuyên khoa nội tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị cụ thể.
Hơn thế nữa, thực tế là các nhà sản xuất dầu gió luôn để thông tin là tham khảo ý kiến bác sĩ hay chống chỉ định sử dụng với phụ nữ khi đang mang thai. Nguyên nhân là các thành phần như tinh dầu bạc hà, long não,… có trong dầu gió có thể được hấp thụ qua da, thông qua nhau thai thâm nhập vào cơ thể thai nhi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bé. Một số công trình nghiên cứu cũng cho rằng, long não có thể làm thai nhi bị dị dạng, thậm chí gây thai lưu, đặc biệt là dùng trong thời gian 3 tháng đầu.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết trong thành phần của dầu gió có tinh dầu bạc hà. Tinh dầu này có nguy cơ gây hiện tượng ức chế tuần hoàn và hô hấp có thể gây ra tình trạng ngừng tim và ngừng thở. Không nên dùng dầu gió cho trẻ em dưới 2 tuổi, và phụ nữ có thai, đang cho con bú.
Mẹ bầu rất dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa trong thai kỳ (Nguồn ảnh: iStock)
Mẹ bầu nên làm gì để hạn chế đau bụng và tiêu chảy khi không nên/được xoa dầu gió vào bụng?
- Xem lại chế độ ăn uống. Ghi nhật ký những loại thức ăn và nguyên liệu mình tiêu thụ trong ngày để theo dõi cơ thể. Không thay đổi đột ngột chế độ dinh dưỡng mà thay thế từ từ để hệ tiêu hoá có thời gian thích nghi.
- Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, nước canh để bổ sung nước, điện giải và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Tránh các thực phẩm giúp nhuận trường cũng như gây nặng bụng. Tuyệt đối không nên ăn các món nhiều dầu mỡ, chất béo, chiên, xào, sữa chua. Vì những thức ăn này sẽ làm tình hình nặng thêm.
- Ăn chín uống sôi và mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon.
- Không dùng thuốc trị tiêu chảy tuỳ tiện. Bạn nên hỏi ý kiến chuyên viên y tế hay bác sĩ trước khi uống.
- Rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi ngoài.
Không thể/ không nên xoa dầu gió vào bụng, nhưng những loại dầu này cực kỳ an toàn cho bà bầu
Dầu oải hương thích hợp cho bà bầu (Nguồn ảnh: iStock)
- Ngăn ngừa vết rạn da: trộn 2-3 giọt hoa oải hương hoặc dầu hoa hồng với dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân. Sau đó thoa lên vùng bị ảnh hưởng 1 đến 2 lần mỗi ngày.
- Bớt cảm giác buồn nôn do ốm nghén: tinh dầu cam hoặc quýt có thể được thoa hoặc hít trực tiếp từ chai.
- Giảm đau mắt cá chân và bàn chân: nhỏ 3-5 giọt dầu hoa oải hương chung với dầu dừa. Xoa chúng vào thanh lăn và massage vào khu vực bị ảnh hưởng nhiều lần trong ngày.
Dầu khuynh diệp: mang lại lợi ích cho bà bầu là giúp tình trạng khó thở do nghẹt mũi nhanh chóng thoái lui. Tinh chất khuynh diệp giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại tác động tiêu cực của các loại vi-rút. Mẹ nên chú ý không dùng dầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, chỉ nên dùng ngoài da, xông mũi khi bị nghẹt mũi, tuyệt đối không nên uống.
Dầu gió là một vật bất ly thân của người Châu Á. Tuy nhiên, hãy sử dụng một cách sáng suốt và thông minh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé yêu.
Nguồn thông tin: Đau bụng có xoa dầu được không? – Bệnh viện Từ Dũ
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!