Cho con bú uống vitamin C được không? Vitamin C rất cần thiết cho phụ nữ sau sinh và cho con bú, tuy nhiên mẹ nên bổ sung với liều lượng hợp lý và tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nội dung bài viết:
- Vitamin C là gì?
- Mẹ sau sinh uống vitamin C được không?
- Các loại thực phẩm giàu vitamin C
- Ngoài vitamin C, mẹ sau sinh nên bổ sung gì?
Vitamin C là gì?
Còn gọi là sinh tố C (acid ascorbic), ở dạng tinh thể trắng, dễ tan trong nước và tan được trong ethanol 96, khó tan trong rượu và trên thực tế không tan được trong ether và clorofom, không tan trong dung môi hữu cơ. Vitamin C tồn tại được ở 100 °C trong môi trường trung tính và acid.
Vitamin C là vi chất quan trọng với cơ thể (Nguồn ảnh: iStock)
Vitamin C có những dạng và hàm lượng sau:
- Viên nang phóng thích kéo dài, thuốc uống: vitamin C 500mg.
- Thuốc uống, dạng lỏng: 500mg/ 5 ml.
- Dạng dung dịch, thuốc tiêm: 250mg/ml, 500mg/ml.
- Loại thuốc uống, dạng si rô: 500mg/ml.
- Kiểu viên nén, thuốc uống: 100mg, 250mg, 500mg, 1000mg, 1500mg.
- Viên nén, thuốc nhai: 500mg, 1000mg, 1500mg.
Bạn có thể chưa biết:
Tác dụng của vitamin C đối với cơ thể:
Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc – Chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, một số công dụng của vitamin C với cơ thể là:
- Tăng khả năng hấp thụ chất sắt: Dùng kèm vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh xuống từ 1 – 1,5 ngày.
- Ngăn ngừa loạn nhịp tim
- Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp vì tập thể dục quá nhiều
- Ngừa cháy nắng: Vitamin C và E kết hợp sẽ giúp ngừa sạm da do nắng
- Giảm ban đỏ trên da: Sau các thủ thuật xóa sẹo, xóa nếp nhăn bằng laser, dùng kem dưỡng chứa vitamin E và C sẽ làm giảm mẩn đỏ trên da
- Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu tán huyết: Giúp người bệnh đang lọc máu kiểm soát bệnh hiệu quả.
Mẹ cho con bú uống vitamin C được không ?
Sau khi sinh, cả sinh thường và sinh mổ, cơ thể mẹ cần thời gian hồi phục, vì vậy dễ bị suy nhược, ốm yếu trong những tuần đầu tiên. Bổ sung Vitamin C không chỉ giúp mẹ tăng cường hệ miễn dịch mà còn tốt cho sữa mẹ.
Mẹ có thể uống vitamin C sau sinh. Nhưng phải có sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng vitamin C cho phụ nữ cho con bú. Cách tốt nhất vẫn nên là bổ sung nguồn vitamin C qua chế độ ăn uống dinh dưỡng sau sinh.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy uống vitamin C bổ sung có thể làm tăng lượng sữa mẹ. Tuy nhiên, nó chỉ dừng ở một điểm nhất định, sau đó duy trì ở mức ổn định, cho dù người mẹ tăng liều lượng.
Bạn có thể chưa biết:
Liều dùng khuyến nghị của vitamin C
Vitamin C an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú khi uống với lượng không quá 2000mg mỗi ngày đối với phụ nữ trên 19 tuổi và 1800 mg mỗi ngày đối với phụ nữ từ 14 – 18 tuổi hoặc khi tiêm tĩnh mạch (bằng IV) hoặc tiêm bắp. Uống quá nhiều vitamin C khi mang thai có thể gây ra vấn đề cho trẻ sơ sinh. Vitamin C có thể không an toàn khi hấp thụ với một lượng quá quy định cho phép. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn bổ sung Vitamin C ngoài chế độ dinh dưỡng.
Mẹ nên uống vitamin C cùng bữa ăn để hấp thu 1 cách tốt nhất. Vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên không nên sử dụng toàn bộ liều uống vào 1 thời điểm mà nên chia nhỏ liều, tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Nếu mẹ bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn và không nên uống vào buổi tối muộn để tránh khó ngủ.
Bên cạnh việc bổ sung các sản phẩm vitamin C, mẹ nên ăn nhiều rau củ quả để tăng lượng vitamin C cho cơ thể. Hàm lượng vitamin C trong rau quả phân bổ không đều, thường có nhiều ở lớp vỏ hơn ở ruột, ở lá nhiều hơn ở cuống và thân rau nên chị em nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, đồng thời rửa sạch và tận dụng các loại rau quả ăn được cả vỏ và thân.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn bổ sung Vitamin C ngoài chế độ dinh dưỡng. (Nguồn ảnh: iStock)
Gợi ý các loại thực phẩm giàu Vitamin C
Bên cạnh dùng thực phẩm chức năng, một trong những cách bổ sung hiệu quả nhất là hãy ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C. Dưới đây là những thực phẩm có chứa nhiều vitamin C:
Rau quả:
- Ớt
- Bông cải xanh
- Cải bắp
- Cải Brussels
- Su hào
- Đậu trắng
- Súp lơ
- Cải xoăn
Trái cây:
- Ổi
- Đu đủ
- Kiwi
- Cam
- Vải
- Dâu tây
- Dứa
- Bưởi hồng hoặc đỏ
Các vitamin khác cần thiết cho mẹ sau sinh
Vitamin A
Có tác dụng tăng cường thị lực, giúp xương chắc khỏe, nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh. Gợi ý thực phẩm giàu vitamin A: rau bina, rau diếp, cà rốt, cam, bí đỏ, khoai tây, thịt đỏ,…
Mẹ sau sinh cần có chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng (Nguồn ảnh: iStock)
Vitamin B9
Dưỡng chất này còn cần được duy trì sau khi sinh để giúp mẹ đối phó với chứng trầm cảm. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin B9: súp lơ xanh, rau bina, chuối, các loại đậu, ngũ cốc, trứng, cá,…
Vitamin D
Đóng vai trò như 1 nội tiết tố trong cơ thể giúp tâm trạng người mẹ thư thái hơn, hỗ trợ thực hiện tốt các chức năng của cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch. Các thực phẩm chứa vitamin D như: cá, nấm, đậu phụ, trứng, pho mai, hàu, yến mạch, ngũ cốc,…
Vitamin E
Tình trạng mệt mỏi, đau nhức sau sinh sẽ dần được cải thiện khi bổ sung đầy đủ nhu cầu vitamin E cần thiết hằng ngày. Tăng sức đề kháng, chống ung thư vú, ung thư buồng trứng, giảm mỡ trong máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch là các tác dụng khác của vitamin E.
Vitamin C là một loại vitamin quan trọng cho cơ thể. Một bà mẹ cho con bú với chế độ ăn lành mạnh sẽ có một lượng Vitamin C vừa đủ trong dòng sữa mẹ. Ngoài uống C sau sinh, mẹ nên quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Vì đây mới thật sự là cách tốt nhất để mẹ và bé đều khoẻ một cách tự nhiên nhất.
Nguồn thông tin: Vai trò của vitamin C với cơ thể và cách bổ sung loại vitamin này hiệu quả – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!