Tâm lý trẻ 3 tháng tuổi rất phong phú. Bạn và bé sẽ tận hưởng những “cuộc trò chuyện” hai chiều với rất nhiều nụ cười và cả những tiếng ê a. Hiểu được tâm lý trẻ giai đoạn này, bạn sẽ bớt áp lực hơn và xây dựng được mối quan hệ gắn kết hơn nữa giữa bạn và bé.
Nội dung bài viết:
- Trẻ 3 tháng tuổi giao tiếp thế nào?
- Nên làm gì để giao tiếp với trẻ 3 tháng tuổi?
Trẻ 3 tháng tuổi giao tiếp như thế nào?
Khóc vẫn là cách giao tiếp chính của trẻ 3 tháng tuổi. Ngoài việc thông báo cho cha mẹ biết mình muốn gì, bé có thể sẽ khóc khi bị choáng ngợp bởi tất cả các mọi thứ mới mẻ xung quanh thế giới rộng lớn này.
Xem thêm
Chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi và những lưu ý mẹ nhất định phải thuộc lòng
Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi, đã có thể nằm sấp và đá!
Trong giai đoạn này, tâm lý của con có nhiều biến chuyển. Đôi khi con có thể khóc, giật mình mà không cần có lý do rõ ràng. Miễn là em bé không bị ốm hoặc bị đau. Mẹ cố gắng đừng quá căng thẳng nếu con khóc mà không thể làm gì để an ủi.
Trẻ sẽ phản ứng với âm thanh phát ra từ giọng nói của bạn bằng cách trở nên yên lặng. Đôi khi, bé sẽ mỉm cười hoặc trở nên hào hứng và cử động tay chân. Trẻ 3 tháng tuổi bắt đầu thường xuyên mỉm cười với bố và mẹ. Tuy nhiên, trẻ có thể cần thêm một thời gian nữa để làm quen với những người ít quen thuộc hơn và để tâm lý của bé 3 tháng tuổi làm quen dần với sự xuất hiện của những nhân vật mới.
Trẻ 3 tháng tuổi cũng đã khám phá ra khả năng phát âm của mình. Con sẽ “nói chuyện” với bạn bằng nhiều loại âm thanh khác nhau. Đó có thể là tiếng ê, a, thậm chí có khi là những tiếng càu nhàu không rõ ràng. Con cũng sẽ mỉm cười với bạn và chờ đợi phản ứng của bạn, đáp lại nụ cười của bạn bằng chính nụ cười của bé. Bé thậm chí có thể bắt chước các biểu hiện trên khuôn mặt của bạn.
Bạn nên làm gì để giao tiếp với trẻ 3 tháng tuổi?
Trò chuyện nhiều hơn
Con rất thích nghe giọng nói của bạn. Vì vậy, hãy nói chuyện, hát và thủ thỉ với bé trong những tháng đầu tiên này. Hãy nhiệt tình đáp lại âm thanh và nụ cười của bé.
Bạn có thể nói cho con biết bạn đang làm gì và giới thiệu những thứ trong tầm nhìn của bé. Hoặc gọi tên những đồ vật quen thuộc khi bạn chạm vào chúng hoặc mang đến cho con.
Hãy đặc biệt tận dụng khả năng “nói chuyện” của chính bé để có một cuộc “trò chuyện” hai chiều. Nếu bạn nghe thấy trẻ phát ra âm thanh, hãy lặp lại âm thanh đó và chờ trẻ phát ra một âm thanh khác. Bằng cách này, bạn đang dạy cho bé những bài học quý giá về giọng điệu, nhịp độ. Đặc biệt, bé cũng học được cách đáp lời lần lượt như trong một cuộc đối thoại thật sự.
Đọc sách, đọc truyện cho bé nghe
Ở tháng này, hãy thường xuyên đọc sách hoặc kể chuyện cho bé nghe để tai con làm quen dần với ngữ điệu của ngôn ngữ nói. Sự luyến láy trong khi đọc, âm điệu lên bổng xuống trầm, nhịp đọc thay đổi, âm giọng khác nhau sẽ khiến bé thích thú hơn. Tuy nhiên hành động này cũng không nên kéo dài lâu, nếu bé giảm sự quan tâm khi mẹ đang kể chuyện hay đọc sách, hãy tạm ngưng hoạt động này lại và chờ đến thời điểm khác.
Bên cạnh việc đọc, hãy cho bé xem hình ảnh trong những cuốn sách khổ lớn có hình vẽ, màu sắc tươi tắn hoặc sách không lời… Có thể chọn sách dành cho bé lớn hơn miễn là hình ảnh sinh động, rõ ràng và màu sắc tươi sáng.
Tôn trọng con, xem như một người trưởng thành
Bạn cũng đang gửi đến bé thông điệp rằng con rất quan trọng, và mẹ đang lắng nghe con. Đừng ngắt lời hoặc nhìn đi chỗ khác khi bé “nói”. Hãy cho trẻ thấy sự quan tâm của bạn và bé có thể tin tưởng bạn.
Hầu hết mọi người sẽ tăng cao độ giọng nói và cường điệu một chút khi nói chuyện với trẻ nhỏ. Không có vấn đề gì nếu bạn thích nói giọng “em bé” với con yêu của mình.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng: trò chuyện kiểu này không làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, tốt nhất bạn hãy nói với bé theo cách thông thường, rõ ràng và chuẩn mực. Nghe thì có vẻ hơi sớm, nhưng bạn đang tạo tiền đề cho những từ đầu tiên của bé. Nói chuẩn ngay từ đầu, bạn sẽ đỡ sửa lại cho bé sau này.
Xem thêm
Top 5 món đồ chơi cho trẻ 4 tháng tuổi giúp bé hoạt bát, phát triển toàn diện
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ 4 tháng tuổi: Vấn đề phổ biến nhưng ít bố mẹ biết
Tạo không gian riêng cho con
Đôi khi con không có tâm trạng để nói chuyện hoặc quan tâm đến bạn. Hãy tôn trọng tâm sinh lý bé 3 tháng tuổi.
Bạn biết không, ngay cả trẻ sơ sinh cũng cần có không gian riêng của mình, tâm lý trẻ 3 tháng tuổi là vậy. Con muốn được nghỉ ngơi, tránh khỏi mọi tác động trên thế giới. Con có thể quay mặt đi, nhắm mắt, quấy khóc hoặc cáu kỉnh. Nếu bạn thấy em bé có biểu hiện tâm lý như vậy, đừng vội lo lắng, hãy để bé được nghỉ ngơi hoặc ôm bé thật nhiều.
Đôi khi, bạn đã áp dụng tất cả các cách trên nhưng con vẫn tiếp tục khóc. Khả năng cao là con bị kích thích quá mức, bị đầy hơi. Hoặc đơn giản có thể là do con có quá nhiều năng lượng và cần được khóc một trận ngon lành.
Trẻ sơ sinh thường quấy khóc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thường là từ đầu giờ tối đến nửa đêm. Tình trạng này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tình trạng khóc dạ đề như thế này sẽ kết thúc ở khoảng 3 hoặc 4 tháng tuổi.
Làm thế nào để xoa dịu con?
Hãy cố gắng xoa dịu em bé của bạn. Một số trẻ được an ủi bằng chuyển động. Ví dụ như đung đưa hoặc bế đi qua lại trong phòng. Một số bé khác sẽ bình tĩnh, ôn hòa hơn khi được nghe những âm thanh quen thuộc. Ví dụ như tiếng nhạc hoặc tiếng kêu của quạt máy.
Có thể mất một khoảng thời gian bạn mới tìm ra cách an ủi tốt nhất cho bé trong những giai đoạn căng thẳng này. Nhưng dần dần, bạn sẽ hiểu tâm lý con hơn. Bạn sẽ nhanh chóng học được cách trấn an bé. Hãy cho con thời gian để làm quen với thế giới này. Cũng như cho bạn thời gian để làm quen với một thế giới mới có con hiệu hữu.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một cá thể vô cùng đặc biệt. Con sẽ phát triển tâm lý và thể chất với tốc độ riêng. Đừng quá lo lắng nếu bạn không nắm bắt được tâm sinh lý trẻ 3 tháng tuổi. Nếu cảm thấy bất an, khi không thể xoa dịu em bé của mình, đừng ngại ngần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ sẽ có thể trấn an bạn hoặc kiểm tra thử xem có bất cứ vấn đề y tế gì làm thiên thần nhỏ của bạn khó chịu hay không. Biết được không có vấn đề gì nghiêm trọng sẽ giúp bạn yên tâm và bớt căng thẳng hơn.
Chúc bạn nắm bắt được tâm lý bé yêu nhà mình nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!