Chăm sóc trẻ 3 tháng đầu, mẹ cần phải lưu ý nhiều điều để đảm bảo an toàn cho trẻ về sức khỏe cũng như sự phát triển não bộ. Mẹ nên biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi để có thể xử lý những lúc khó chịu hay gắt gỏng.
- 3 tháng sơ sinh đầu tiên của bé, mẹ phải đặc biệt lưu ý về cách chăm sóc trẻ sơ sinh
- Những điều cần biết khi chăm sóc bé 3 tháng tuổi
3 tháng sơ sinh đầu tiên của bé, mẹ phải đặc biệt lưu ý về cách chăm sóc trẻ
- Giai đoạn này bé vẫn còn rất non nớt, hệ cơ xương rất mềm yếu nên mẹ cần phải nâng niu, nhẹ nhàng một cách đặc biệt với bé.
- Trong 3 tháng đầu đời sức đề kháng của cơ thể bé chưa đủ mạnh để chống chọi với môi trường bên ngoài nên mẹ cần có những hiểu biết khoa học để giúp bé phát triển một cách mạnh khỏe.
- Cũng trong thời kỳ này bé có thể gặp phải những khó khăn về ăn ngủ như thực quản bị trào ngược, vàng da sinh lý, không biết cách ngậm khớp vú, chướng bụng, táo bón do không hợp sữa…
Trẻ 3 tháng có thể bị trào ngược dạ dày (Nguồn ảnh: iStock)
Theo thống kê, ở Việt Nam có tới 33% số bà mẹ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh, một trong những lý do là các mẹ quá mệt mỏi do phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc bé trong những tháng đầu đời này.
Chính vì vậy, đối với các mẹ lần đầu sinh con, nhất là các mẹ full-time vì muốn tự tay chăm sóc con hay những mẹ không có họ hàng, người thân bên cạnh giúp đỡ thì việc tìm hiểu và nắm vững cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đời một cách khoa học, hợp lý sẽ giúp mẹ tránh khỏi những lo âu, mệt mỏi chỉ vì “nuôi con mọn”.
Mẹ có thể quan tâm:
Lưu ngay cách chăm sóc trẻ từ 3-4 tháng tuổi giúp con khỏe mẹ nhàn tênh!
Những điều cần biết khi chăm sóc bé 3 tháng tuổi
1. Chăm sóc trẻ mới sinh là học cách để cho bé bú đúng cách
Những lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh? Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non mẹ có được sau khi sinh bé được xem là một loại thức ăn tuyệt vời nhất dành cho bé với các chất dinh dưỡng cũng như kháng thể cần thiết cho bé. Việc mẹ cần làm trước khi sinh là hãy tìm hiểu những clip trên Youtube
Video về cách cho con bú – chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách
Xem video trên youtube để biết cách bế bé cho đúng tư thế, đặt miệng bé, cách dùng tay nâng bầu sữa, từ đó giúp bé biết ngậm đúng khớp vú và học được cách bú hiệu quả theo nhu cầu của bé. Hoặc để được hướng dẫn khoa học, chi tiết hơn, mẹ có thể liên lạc với bộ phận “Nuôi con bằng sữa mẹ” của bệnh viện. Rất có thể mẹ sẽ được các y tá hướng dẫn tận tình và thực hành luôn về tư thế bế con và cho con bú như thế nào để cả mẹ và con đều cảm thấy thoải mái.
Cũng trong thời gian này mẹ đừng quên theo dõi thói quen bú, số giờ bú cũng như lượng sữa mà con bú được để dần dần tập cho bé biết bú no theo nhu cầu, không bú lắt nhắt, tiến đến là có thể tập cho bé bú theo giờ và bú bằng bình để chuẩn bị cho những lúc mẹ vắng nhà hay đi làm trở lại hoặc thậm chí là tập cho bé độc lập trong ăn uống bằng việc bố hay người thân hoàn toàn có thể cho bé ăn thay mẹ được.
2. Mẹ hãy học cách hiểu được nhu cầu của con thông qua giải mã tiếng khóc
Khi bé mới chào đời, thế giới thật mới mẻ và lạ lẫm so với bọc nước ối ấm áp mà bé đã từng sống. Khóc là cách duy nhất để bé thông báo cho mẹ biết nhu cầu của bé lúc này. Có thể bé đói, có thể bé gắt ngủ, bé đầy hơi, bỉm của bé đã quá ướt hay đơn giản là bé không thích ánh sáng quá mạnh, những tiếng động quá lớn, … Vì vậy khi bé khóc, mẹ đừng vội vàng cho bé ti hay cho bé ngậm bình sữa với suy nghĩ “bé khóc vì đói” nhé. Mẹ chỉ cần chờ một chút, đưa ra quan sát để biết xem bé khóc vì điều gì, từ đó đáp ứng được chính xác nhu cầu của bé.
Mẹ cần hiểu ý nghĩa tiếng khóc của con (Nguồn ảnh: iStock)
3. Chăm sóc trẻ 3 tháng đầu là học cách để bé có được một giấc ngủ ngon
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, chu kỳ giấc ngủ của trẻ ngắn hơn so với người lớn, trẻ sơ sinh ngủ nhiều ở tình trạng mắt chuyển động nhanh (REM), đây là điều cần thiết cho sự phát triển não bộ của trẻ. Giấc ngủ REM không sâu như giấc ngủ Non-Rem nên trẻ sơ sinh dễ thức giấc hơn. Trẻ khó ngủ hay ngủ ít trong giai đoạn từ 0-3 tháng tuổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển não bộ và chiều cao của trẻ sau này.
Trong 3 tháng đầu đời, bé sơ sinh cần ngủ trung bình là 12-18 tiếng/ngày. Đối với bé giấc ngủ quan trọng như bữa ăn vậy. Đây là khoảng thời gian để cơ thể bé lớn lên, thậm chí một số kĩ năng có thể được thực hành và hoàn thiện trong lúc bé ngủ. Chính vì vậy mẹ hãy tìm hiểu các vấn đề liên quan đến:
Khi đạt 3 tháng tuổi, bé đã có thể ngủ một giấc dài từ 6 – 8 giờ vào ban đêm, nhưng trước đó trẻ vẫn cần cữ bú đêm để đảm bảo đủ năng lượng về phát triển. Ban ngày trẻ còn ngủ thêm vài giấc cách quãng, tổng thời gian ngủ trong ngày của trẻ đạt từ 14 – 16 giờ.
Nếp sinh hoạt trong một ngày của bé
Một tháng tuổi số giờ ngủ sẽ không giống 2 tháng tuổi và lại càng không giống lúc bé 3 tháng tuổi. Mẹ hãy quan sát để biết xem bé thường ngủ vào giờ nào, đến khoảng thời gian nào thì bé ngủ ít đi để giãn thời gian ngủ cho bé. Mẹ càng hiểu được nếp sinh hoạt của con nhiều bao nhiêu thì mẹ sẽ càng nhàn trong việc chăm sóc con và có thêm thời gian cho bản thân trong lúc bé ngủ nữa.
Bên cạnh thời gian ngủ và bú, mẹ cần cho con thời gian để chơi, phát triển các cơ và rèn luyện các kỹ năng mới cũng như tương tác với bố mẹ nhiều hơn. Hãy thử đọc sách cho bé nghe, mát-xa hoặc tắm cho bé hay đi dạo bằng xe đẩy.
Giúp bé có thể tự đưa mình vào giấc ngủ
Các dấu hiệu khi bé bắt đầu buồn ngủ như vò đầu, gắt gỏng, ngáp… sẽ giúp mẹ nhận ra đã đến lúc bé cần phải nghỉ ngơi. Một khi mẹ nắm bắt được các tín hiệu từ bé thì việc giúp bé tự ngủ mà không cần phải bế ru hay để con gắt ngủ khóc lóc hàng tiếng đồng hồ, thậm chí là ngồi bế con ngủ và giật mình thon thót mỗi khi con tỉnh giấc. Mẹ có thể tìm hiểu thêm về cách quấn bé tại đây.
4. Cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi: Mẹ hãy học cách để tắm rửa cho bé
Những ngày đầu mới sinh, khi bé còn chưa rụng rốn và còn nhỏ xíu, lọt thỏm trong vòng tay, mẹ có thể sẽ hơi lo lắng về chuyện làm thế nào để tắm cho con mà không làm nhiễm trùng cuống rốn hay bế bé trong lúc tắm thế nào để bé được thoải mái và mẹ cũng không đau vì vẫn chưa hồi phục sau sinh.
- Mẹ có thể nhờ y tá ở bệnh viện hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách như bế bé khi tắm và chăm sóc cuống rốn cho bé sau khi tắm.
- Mẹ nên chọn và thử một loại sữa tắm phù hợp với làn da của bé để tránh bị dị ứng hoặc mẩn đỏ, ngứa ngáy.
- Và mẹ đừng quên trò chuyện với bé trong lúc tắm để bé cảm thấy dễ chịu và thích thú với việc tắm ngay từ nhỏ. Một bài hát dễ thương trong lúc tắm cho bé sẽ là một thói quen tuyệt vời để kích thích các giác quan cho bé. (Chẳng hạn như “Đi tắm nào, đi tắm nào. Em đi tắm với mẹ. Í a, í a.”)
- Nếu có thời gian mẹ có thể tìm hiểu về một số bài tập thể dục, mát xa đơn giản để giúp bé thư giãn cũng phát triển triển cơ xương sau khi tắm.
Mẹ có thể quan tâm:
Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh: Những điều cơ bản cần biết
5. Mẹ cần tìm hiểu về những nguy hiểm tiềm ẩn đối với trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu
Không bà mẹ nào lần đầu làm mẹ mà lại không có biết bao nỗi lo lắng cũng như lúc nào cũng cảm thấy bé đang không được an toàn nếu không ở trong vòng tay mẹ. Cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi nhắc nhở những nguy cơ tiểm ẩn mà mẹ cần phải biết đó là:
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome -SIDS)
Để phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra, mẹ nên lưu ý hết sức cẩn thận nếu mẹ ngủ chung giường với bé, trường hợp bé ngủ riêng thì nên đảm bảo giường cũi của bé không có chăn, gối, đệm hay thú bông quá to có thể làm bé ngạt thở.
Hãy đảm bảo bé có giấc ngủ ngon và an toàn (Nguồn ảnh: iStock)
Tiếp xúc với người lạ
Khi bé mới sinh chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn bè, người thân quen muốn đến chơi với bé. Nhưng mẹ cũng cần phải nhớ đây là lúc sức đề kháng của bé còn yếu, việc để người lạ thơm, hôn hít bé quá nhiều rất có thể sẽ khiến bé phải tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh vô hình mà mẹ không thể lường trước được.
Bỉm mẹ mặc cho bé
Mẹ hãy lựa chọn những loại bỉm thích hợp với làn da nhạy cảm của bé để tránh trường hợp bé bị dị ứng với một số chất tạo mùi thơm ở bỉm. Một điều quan trọng nữa là mẹ cần thường xuyên kiểm tra bỉm bé vì nếu để bé quá lâu với một chiếc bỉm đầy nước tiểu hay phân thì nguy cơ bé bị tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh sẽ càng cao.
Bà mẹ nào cũng sẽ phải trải qua “lần đầu” với bao lo âu và bối rối. Bình tĩnh, không ngừng học hỏi, đặc biệt là trang bị cho mình những kiến thức căn bản về những điều cần biết về cách chăm sóc trẻ 3 tháng đầu nói trên, mẹ sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời với bé trong những tháng đầu đời này.
Nguồn tham khảo: Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!