Cách bế trẻ 3 tháng tuổi sao cho đúng để không ảnh hưởng đến bé là điều mà bố mẹ cần biết. Đối với những người lần đầu làm cha mẹ, việc bế trẻ sơ sinh có thể là một thách thức. Nếu vẫn còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào, hãy tham khảo ngay 5 cách bế trẻ an toàn dưới đây.
Những điều bố mẹ nên làm trước khi bế trẻ 3 tháng tuổi
Rửa tay
Hệ miễn dịch của trẻ 3 tháng tuổi còn tương đối non nớt. Nếu bố mẹ không rửa tay, vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập vào cơ thể của bé. Do đó trước khi bế bé, bố mẹ nên chú ý rửa tay bằng xà phòng để đảm bảo sức khỏe cho con.
Trước khi bế trẻ bố mẹ cần rửa tay thật sạch
Giữ một tinh thần thoải mái
Trước khi bế bé, bố mẹ nên thả lỏng cơ thể, tránh căng thẳng. Đôi khi căng thẳng sẽ khiến cho bố mẹ mắc sai lầm, dẫn đến gây tổn thương cho bé. Bố mẹ nên chú ý cởi bỏ đồng hồ, lắc tay có bề mặt góc cạnh để tránh làm trầy xước làn da non nớt của con.
Chọn tư thế thoải mái cho bản thân
Nếu bố mẹ không có nhiều kinh nghiệm trong việc bế con, tốt nhất bạn nên chọn một tư thế thoải mái để có thể bế bé một cách tốt nhất.
Cung cấp sự hỗ trợ
Bé sẽ thường không kiểm soát được cơ cổ. Do đó trong lúc bế, bố mẹ nên nhẹ nhàng nâng đầu và cổ để hỗ trợ cho bé.
Những cách bế trẻ 3 tháng tuổi
Kiểu bế chạm ngực
Đây là kiểu bế phổ biến nhất mà bố mẹ thường hay áp dụng. Tư thế này giúp bé có thể nghe được nhịp tim của bạn. Để thực hiện kiểu bế này, bố mẹ hãy ôm bé sao cho đầu của bé được áp lên ngực bạn. Một tay đỡ mông và hông trẻ, tay còn lại đỡ phần đầu và cổ trẻ. Bố mẹ lưu ý nên đặt đầu bé hướng sang một bên để bé có thể thở.
Bế chạm ngực là kiểu bế phổ biến nhất
Cách bế trẻ 3 tháng tuổi với kiểu bế ôm bóng
Kiểu bế này còn được gọi là kiểu bế cho bé bú. Để bế theo kiểu này, bố mẹ hãy đặt luồn một tay dưới đầu và cổ bé. Sau đó nhẹ nhàng để phần lưng bé vào bên trong cẳng tay mà bạn dùng để giữ đầu trẻ. Lúc này bố mẹ để bé cuộn tròn theo phần hông, trong khi chân bé duỗi thẳng bên cẳng tay của bố mẹ. Tay còn lại đặt dưới đầu bé để đảm bảo rằng đầu và cổ bé luôn được nâng đỡ.
Kiểu bế ru ngủ
Một kiểu bế cũng khá phổ biến khác đó là kiểu bế ru ngủ. Với kiểu bế này, bố mẹ có thể nhìn trực diện vào đôi mắt của bé. Lúc này bố mẹ hãy nâng bé từ từ bằng cách luồn một tay xuống đỡ đầu và cổ trong khi tay kia luồn dưới hông và mông bé. Bố mẹ giữ nguyên cánh tay đang đỡ phần hông, nhẹ nhàng luồn tay đang đỡ đầu xuống lưng sao cho phần đầu, cổ và thân bé nằm dọc theo cánh tay bạn. Lúc này, đầu và cổ bé sẽ tựa vào chỗ gập khuỷu tay của bạn.
Kiểu bế vác vai
Đây là kiểu bế được dùng khi bố mẹ muốn cho bé ợ hơi sau khi bú. Kiểu bế này có phần giống với kiểu bế chạm ngực. Điểm khác biệt là bố mẹ đặt cằm của bé lên vai, bụng bé sẽ áp vào ngực bạn. Lúc này bố mẹ đừng quên ngả người ra sau một chút, một tay ôm mông và lưng dưới của bé. Tay còn lại bạn hãy vỗ nhẹ vào lưng cho đến khi bé ợ. Bố mẹ không nên di chuyển bé quá nhiều để tránh tình trạng bé bị nôn trớ.
Bế vác vai giúp bé ợ hơi dễ hơn
Kiểu bế “nhìn thế giới”
Kiểu bế này phù hợp với những bé hay tò mò và thích ngắm nhìn những gì diễn ra xung quanh. Ở tư thế này, bố mẹ hãy để bé hướng mặt ra ngoài. Lúc này đầu và lưng của bé dựa vào ngực bạn. Bạn sẽ dùng một tay để đỡ phần mông và tay còn lại vòng qua ngực bé. Nếu bế bé ở tư thế ngồi, bố mẹ hãy đặt bé vào lòng và bố mẹ sẽ không cần dùng tay để đỡ phần mông bé nữa.
Những lưu ý quan trọng khi bế trẻ 3 tháng tuổi
- Bố mẹ quan sát phản ứng của bé khi được bế để xem bé có bị khó chịu hay không.
- Bạn cũng nên giữ đầu bé thoải mái để bé có thể di chuyển và thở.
- Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi bế bé, hãy ngồi xuống và từ từ bế bé lên. Đây là cách dễ nhất để bắt đầu.
- Nếu bố mẹ vừa bế bé và vừa phải làm việc, bạn hãy nhớ để các vật nguy hiểm ở xa tầm với của bé.
- Bố mẹ cũng nên bế bé bằng cả hai tay khi đi lên hoặc xuống cầu thang để tăng thêm sự an toàn.
- Bố mẹ cũng có thể dùng địu em bé để hỗ trợ nếu phải bế bé trong một thời gian dài.
Việc bế em bé 3 tháng tuổi không phải dễ dàng đối với những ai lần đầu làm bố mẹ. Tuy nhiên, chỉ cần luyện tập một chút thì chắc chắn bạn sẽ làm được.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!