Sinh thường nghỉ dưỡng sức mấy ngày theo luật BHXH? Theo quy định, trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc, nếu sức khỏe của mẹ chưa bảo đảm thì có thể xin nghỉ dưỡng sức từ 5 đến 10 ngày…
Nội dung bài viết:
- Quy định về nghỉ dưỡng sức sau sinh
- Cần làm gì để nhanh chóng bắt kịp công việc sau khi nghỉ sinh?
Quy định về nghỉ dưỡng sức sau sinh
Mẹ sinh thường nghỉ dưỡng sức mấy ngày?
Theo quy định nghỉ dưỡng sức sau sinh tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc, nếu sức khỏe chưa bảo đảm, mẹ có thể:
- Xin nghỉ dưỡng sức từ 05 đến 10 ngày
- Được hưởng 30% tiền lương theo chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Xem thêm
Mẹ thắc mắc: Đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?
Thai lưu 7 tuần được nghỉ bao nhiêu ngày? Mức tiền hưởng bao nhiêu?
Theo đó, thời gian để mẹ sinh thường nghỉ dưỡng sức tối đa 05 ngày. Mẹ sinh mổ sẽ được nghỉ dưỡng sức tối đa 07 ngày. Trường hợp mẹ sinh một lần từ 2 con trở lên sẽ được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh thường thực tế sẽ do thỏa thuận giữa mẹ và nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, thời gian nghỉ không vượt quá số ngày được quy định như trên.
Lương khi nghỉ dưỡng sức sẽ tính như thế nào?
Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, mẹ sẽ được nhận một khoản tiền bằng 30% mức lương cơ sở (theo Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Ví dụ: Mức lương cơ sở hiện tại (2020) là 1.490.000 đồng/tháng. Nếu mẹ sinh thường được:
- Nghỉ dưỡng sức 5 ngày
- Số tiền mẹ được nhận là: 5 x 30% x 1.490.000 đồng = 2.235.000 đồng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, để được nhận tiền dưỡng sức sau sinh, người lao động phải có tên trong Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.
Dù pháp luật không quy định cụ thể các giấy tờ người lao động cần chuẩn bị, để đảm bảo quyền lợi cho mình, mẹ cũng nên liên hệ trước với bộ phận nhân sự công ty để biết cần phải cung cấp những loại giấy tờ gì.
Trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản, mẹ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi còn được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Điều này được quy định tại Khoản 5 Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012.
Những quy định trên giúp các mẹ sau sinh con có thêm thời gian nghỉ ngơi, có thêm sức khỏe để cân bằng giữa công việc và thiên chức làm mẹ của mình. Thế nhưng, để mẹ có thể thật sự bắt nhịp lại với môi trường công sở, mẹ cần phải lưu ý một số vần đề quan trọng.
Mẹ cần làm gì để bắt nhịp lại với công việc sau khi nghỉ sinh?
Lập thời gian biểu khoa học
Nghĩ tới việc đi làm, hẳn mẹ sẽ quay cuồng với ý nghĩ phải chuẩn bị gì cho bé, tập bé bú bình như thế nào, ăn dặm ra sao… nhưng lại quên mất đi chính bản thân mình. Trở lại với công việc sau 6 tháng nghỉ ở nhà không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng.
Đầu tiên, bạn nên tìm hiểu chế độ nghỉ dưỡng cụ thể của công ty. Ví dụ: 60 phút nghỉ ngơi dành cho mẹ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được bố trí thế nào? Công ty bạn sẽ cho bạn đến trễ hay về sớm hơn? Hoặc bạn vẫn phải đến đúng giờ, nhưng có thêm thời gian nghỉ ngơi 30 phút tại chỗ trong mỗi buổi làm việc?
Xem thêm
Những điều cần biết về chế độ thai sản 2021
Những điều mẹ cần biết về chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh năm 2021
Khi đã nắm được lịch trình, bạn cần lên kế hoạch cụ thể cho một ngày. Kế hoạch này bao gồm cả việc làm gì trong 60 phút được nghỉ đó. Sau đó, bạn cần cố gắng tuân thủ. Tránh tới giờ đi làm vẫn chưa chuẩn bị xong thức ăn dặm cho bé hay ở công ty vẫn phải gọi điện về nhà nhắc người giữ trẻ bỉm sữa để đâu.
Nhờ người khác giúp (trong phạm vi cho phép)
Đừng tự trách bản thân nếu công việc bước đầu không mấy thuận lợi. Sau khi sinh, bạn sẽ không thể ngay lập tức trở lại với guồng quay công sở. Bạn có thể nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, thỏa thuận lại với sếp khi thấy bản thân không đảm bảo được khối lượng công việc được giao. Sau vài tuần, bạn sẽ dần bắt nhịp được với không khí và làm việc tốt hơn.
Nếu thấy khó khăn quá, hãy nhủ rằng mình cần cố gắng hơn để có nguồn thu nhập ổn định. Bạn cần nguồn thu nhập để nuôi dưỡng và đảm bảo tương lai cho con. Hãy nhớ bạn đã chăm chỉ như thế nào để có được vị trí công việc này. Bước lùi này chỉ là tạm thời. Bạn và cả con nữa cần có thêm thời gian để làm quen với mọi thứ.
Dành thời gian cho con
Ngược lại, khi đã về nhà, bạn hãy dành thời gian cho con nhiều nhất có thể. Em bé đã xa mẹ cả ngày. Dù đã được bú no, ngủ kỹ hay chưa, bé vẫn cần được mẹ ôm ấp. Nếu bạn phải mang việc về nhà, hãy làm khi bé ngủ. Vừa làm việc vừa trông chừng một em bé mè nheo vì nhớ mẹ, chắc chắn bạn sẽ không thể tập trung.
Chăm sóc bản thân
Bên cạnh đó, bạn đừng quên chăm chút lại vẻ bề ngoài của mình. Hãy chuẩn bị cho mình những bộ quần áo mới, để kiểu tóc gọn gàng. Đừng biến mình thành mẹ bỉm sữa lôi thôi, thiếu chuyên nghiệp. Một vẻ bề ngoài được chau chuốt cũng giúp bạn tự tin và thoải mái hơn khi làm việc.
Đừng quên, bạn cũng cần chú ý chăm sóc bản thân mình. Không phải vô lý khi các bà mẹ sinh con được nghỉ 60 phút mỗi ngày hưởng nguyên lương. Các nhà làm luật cũng biết rằng người mẹ chăm con nhỏ vô cùng vất vả (nhưng chính bạn lại quên điều đó), sau 8 tiếng công sở sẽ là 12 tiếng dành trọn cho con.
Hãy tranh thủ chợp mắt thêm 30 phút hoặc tận dụng 60 phút nghỉ ngơi mỗi ngày ấy để chăm sóc cho chính mình. Đi bộ quanh khuôn viên công ty. Hoặc làm điều gì đó bạn thích. Không thể chăm lo cho bản thân mình, bạn sẽ khó có thể chăm lo cho người khác.
Cho bản thân thời gian để quen dần với guồng quay mới
Bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng cần có thời gian. Khi đã có con bạn sẽ không thể nào quay lại thời điểm son rỗi trước đây. Hãy xác định điều đó từ sớm. Vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ thực sự rất vất vả, nhưng đừng nghiêm trọng hóa mọi chuyện để rồi tự tạo áp lực tâm lý cho bản thân. Bạn luôn có thể thay đổi, chỉ cần cho mình 1 khoảng thời gian để làm quen dần với cuộc sống mới.
Tâm sự với chồng, người thân, đồng nghiệp về những khó khăn của bản thân cũng là điều nên làm. Bạn sẽ nhận được những lời khuyên, gợi ý để sắp xếp lại lịch trình hợp lý hơn cũng như sẽ có người lắng nghe và chia sẻ với bạn. Cũng cần có thời gian để làm mới bản thân và nạp thêm năng lượng hằng ngày.
Tạm kết
Dù sinh mổ hay sinh thường, được nghỉ dưỡng sức mấy ngày cũng vô cùng quý giá. Quay trở lại làm việc sau thời gian sinh con vô cùng vất vả. Mẹ hãy tranh thủ thời gian nghỉ theo chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh và thời gian nghỉ 60 phút hưởng nguyên lương mỗi ngày để nghỉ ngơi. Sau khi nạp lại năng lượng cho bản thân, bạn sẽ có thêm sức khỏe để chăm lo cho con và gia đình nhỏ của mình.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!