Phương pháp giáo dục mầm non Waldorf là sự kết hợp giữa nghệ thuật song song với thực hành, tập trung vào các kỹ năng xã hội và các giá trị tinh thần cho trẻ.
- Phương pháp giáo dục trẻ Waldorf
- Có nên áp dụng phương pháp giáo dục trẻ Waldorf
- Tuổi thơ của trẻ không phải là một cuộc đua
- Trở thành người kể chuyện của con
- Kết nối với thiên nhiên mỗi ngày
- Dạy trẻ chơi
- Thiết lập nhịp điệu sinh hoạt
- Tạo không gian nghệ thuật
Phương pháp giáo dục trẻ Waldorf
Theo như website của các trường Waldorf, chương trình giảng dạy của phương pháp này là sự kết hợp giữa các nội dung nghệ thuật, kiến thức song song với thực hành, tập trung vào các kỹ năng xã hội và các giá trị tinh thần cho trẻ.
Phương pháp giáo dục Waldorf được bắt đầu từ năm 1919 khi ngôi trường dành cho con em của những công nhân viên nhà máy thuốc lá Waldorf Astoria đầu tiên được mở tại Đức. Phương pháp này được lấy cảm hứng bởi triết lý của Rudorf Steiner.
Ông Steiner tin rằng trẻ học tốt nhất khi chúng được khuyến khích dùng trí tưởng tượng của mình. Ông cho rằng giáo dục phải dựa trên các khía cạnh thể chất, hành vi, cảm xúc, nhận thức, xã hội và tinh thần của mỗi đứa trẻ.
Có nên áp dụng phương pháp giáo dục trẻ Waldorf
Có nên áp dụng phương pháp giáo dục mầm non Waldorf? (Nguồn ảnh: unsplash)
Nghiên cứu về tác động thực sự của các ngôi trường Steiner vẫn chưa có kết luận rõ ràng vì các nghiên cứu này chỉ có quy mô nhỏ và không có khả năng khái quát dữ liệu. Các ngôi trường này cũng đã bị chỉ trích vì chỉ tập trung vào những học sinh yếu và không tập trung vào nhu cầu của những học sinh tài năng hơn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích mà phương pháp giáo dục Waldorf mang lại. Cuốn sách “Giáo dục thay thế cho thế kỷ 21” đã cung cấp những bằng chứng cho thấy các trường Waldorf thực sự khuyến khích trẻ phát triển toàn diện. Các nghiên cứu khác còn phát hiện ra rằng trẻ theo học tại các trường Waldorf háo hức hơn khi học hỏi những điều mới, vui vẻ và có cái nhìn lạc quan về tương lai của mình hơn so với trẻ theo học tại các trường công.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Đức gần đây cho thấy trẻ ở các trường Waldorf ít phàn nàn về các bệnh như đau đầu, đau bụng và mất ngủ. Một nghiên cứu khác so sánh các bức vẽ của trẻ ở các trường Waldorf, Montessori và các trường truyền thống cho thấy trẻ theo phương pháp giáo dục Waldorf có các bức vẽ bố cục rõ ràng, chi tiết và giàu trí tưởng tượng hơn.
Phương pháp giáo dục Waldorf dựa trên một vài nguyên tắc chính. Dưới đây là 6 nguyên tắc chính mà mọi gia đình đều có thể áp dụng.
Mẹ có thể quan tâm:
Homeschooling; Khi cha mẹ không hài lòng với nền giáo dục truyền thống
Tuổi thơ của trẻ không phải là một cuộc đua
Ông Steiner từng nói: “Cuốn sách nào có thể chỉ về giáo lý cho giáo viên? Cuốn sách đó chính là những đứa trẻ. Chúng ta không cần phải học ở đâu xa ngoài cuốn sách là chính những đứa trẻ mà chúng ta đang dạy dỗ.”
Mỗi đứa trẻ phát triển theo một cách, một nhịp điệu khác nhau. Phương pháp giáo dục trẻ Waldorf dạy chúng ta chú ý đến nhu cầu của từng đứa trẻ và thôi mong đợi con mình trở thành người mà chúng không muốn.
Trở thành người kể chuyện của con
Einstein đã từng nói rằng: “Nếu bạn muốn con mình thông minh, hãy đọc cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích. Nếu bạn muốn chúng thông minh hơn, hãy đọc cho chúng nghe nhiều truyện cổ tích hơn.” Phương pháp giáo dục trẻ của Waldorf cũng chia sẻ quan điểm này.
Rudolf Steiner tin rằng kể chuyện là một món quà đối với con trẻ, và kể chuyện chính là đặc tính trung tâm của phương pháp giáo dục Waldorf.
Các câu chuyện giúp trẻ kết nối với nhau, dạy trẻ những từ mới và đưa trẻ đến những nơi chúng chưa từng đến. Phương pháp Waldorf nhấn mạnh tầm quan trọng của nghe kể chuyện hơn là đọc truyện bởi kể chuyện giúp xây dựng trí tưởng tượng của trẻ.
Các bậc cha mẹ có thể gặp khó khăn ban đầu khi kể chuyện cho trẻ, nhưng dần dần sẽ dễ hơn. Bạn có thể kể cho con nghe một câu chuyện cổ tích mà mình đã được nghe từ thời thơ ấu. Với trải nghiệm của chính bản thân mình với câu chuyện quen thuộc, trải nghiệm kể chuyện sẽ trở nên thú vị hơn cho cả bạn và con. Trẻ nhỏ rất thích nghe đi nghe lại một câu chuyện trong một khoảng thời gian dài.
Kết nối với thiên nhiên mỗi ngày
Kết nối với thiên nhiên mỗi ngày (Nguồn ảnh: unsplash)
Trẻ phát triển mạnh thông qua các hoạt động thể chất. Vui chơi ngoài trời giúp thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ. Kết nối với thiên nhiên là bạn đã dạy trẻ chú ý hơn đến thế giới xung quanh. Chỉ đơn giản như dạy trẻ dành thời gian để ngửi những bông hoa và quan sát con người hay những sự vật xung quanh mình. Thiên nhiên cũng có tác dụng làm cho trẻ cảm thấy bình yên hơn nhiều.
Có rất nhiều cách giúp trẻ kết nối với thiên nhiên như: ngửi hoa, hái hoa, tìm kiếm những hòn đá, chụp ảnh những con côn trùng, nhặt lá, vẽ các vật thể tĩnh vật, chơi với những cây gậy, xây dựng một pháo đài, chơi với cát, nhặt rác, v.v.
Mẹ có thể quan tâm:
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non của Nhật Bản
Dạy trẻ chơi
Phương pháp giáo dục Waldorf dựa trên nguyên tắc rằng những loại đồ chơi đơn giản nhất sẽ thúc đẩy sự sáng tạo lớn nhất. Ông Steiner nhấn mạnh sự cần thiết của những loại đồ chơi tự nhiên nhất và lập luận rằng đồ chơi nên mang đến được cho trẻ những trải nghiệm cảm giác. Ông tin rằng những đồ chơi đơn giản và có tính gợi mở sẽ khơi dậy sự sáng tạo của trẻ vì trẻ sau đó có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra các đồ vật khác.
Trong phương pháp giáo dục Waldorf, những món đồ chơi thường không có hình dạng cụ thể, rõ ràng, tất cả đều do trẻ tự phát huy tính sáng tạo trong việc sử dụng món đồ chơi mà hình thành. Những miếng bìa cứng không có chất liệu độc hại, có thể là một ngôi nhà, một chiếc máy bay, có khi lại là một cái khiêng hay một bộ áo choàng. Những món đồ chơi này giúp trẻ hạn chế sự tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đưa trẻ đến gần với tự nhiên và ý thức bảo vệ môi trường hơn.
Phương pháp giáo dục trẻ Waldorf khuyến khích những đồ chơi đơn giản và thân thiện với môi trường mà mọi người đều có thể tiếp xúc như: quả thông, vỏ sò, khăn lụa, khăn tay, gậy, cành cây, khối gỗ, sỏi đá, bìa cứng, v.v.
Thiết lập nhịp điệu sinh hoạt
Các buổi sáng ở trường Waldorf đều bắt đầu bằng hoạt động “sinh hoạt vòng tròn”. Đó mà một hoạt động đặc biệt trong đó các trẻ sẽ cùng nhau hát và đọc thơ, vận động thông qua một vài động tác và chơi các trò chơi theo chủ đề.
Việc thiết lập nhịp điệu sinh hoạt cho trẻ có rất nhiều lợi ích. Những tác giả của cuốn sách Simplicity Parenting (Làm cha mẹ thật dễ) mà trong đó có một số tác giả là nhà giáo dục theo phương pháp Waldorf đã phát biểu rằng việc thiết lập thói quen và nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày tạo cho trẻ cảm giác an toàn và tạo nền tảng tốt. Họ tin rằng thiết lập nhịp điệu này có thể giúp công cuộc làm cha mẹ trở nên dễ dàng hơn và mang đến trải nghiệm tuyệt vời hơn.
Tạo không gian nghệ thuật
Phương pháp giáo dục mầm non: Tạo không gian nghệ thuật (Nguồn ảnh: unsplash)
Nghệ thuật cũng là một khía cạnh quan trọng của phương pháp giáo dục trẻ Waldorf. Tạo không gian nghệ thuật nghĩa là cha mẹ tạo cho con những khoảnh khắc ngẫu hứng mà trẻ có thể được chơi tự do từ đó phát huy tính sáng tạo của mình.
Ông Steiner cho rằng đồ chơi càng ít và càng đơn giản thì trẻ càng sáng tạo. Ông cũng cho rằng cách sắp xếp không gian vui chơi đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Ví dụ như đồ chơi nên được xếp gọn gàng trong giỏ hay trên kệ thay vì xếp chồng chất lên nhau. Đây cũng là điều được các trường Montessori chia sẻ.
Triết lý về phương pháp giáo dục này đã được ông Steiner gói gọn trong câu nói: “Nỗ lực cao nhất của chúng ta phải là phát triển một con người tự do, những người tự do có khả năng nhận biết mục đích và định hướng cuộc sống của mình. Trí tưởng tượng, ý thức về lẽ phải và ý thức về trách nhiệm là 3 điều đặc biệt quan trọng trong giáo dục.”
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!