Đã có một số gia đình lựa chọn Homeschooling làm phương pháp học thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống…
Giáo dục con trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ, nhất là trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang có nhiều vấn đề gây tranh cãi như hiện nay.
Đã có một số gia đình lựa chọn Homeschooling làm phương pháp học thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống. Với các cha mẹ ở những thành phố lớn, Homeschool không còn quá mới lạ và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ các bậc phụ huynh.
Vậy Homeschooling là gì, và tại sao ngày càng có nhiều cha mẹ lựa chọn hình thức dạy học này cho con mình? Hãy cùng Theasianparent tìm hiểu nhé!
Homeschooling là gì?
Cho trẻ học tại nhà thay vì đến trường (Homeschooling) là một hình thức học tập khá phổ biến tại nhiều nước, đặc biệt là ở Mỹ.
Phong trào homeschooling bắt đầu phát triển vào những năm 1970, khi một số tác giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng, như John Holt và Dorothy và Raymond Moore, bắt đầu viết về cải cách giáo dục. Họ đề nghị giáo dục tại nhà như là một lựa chọn giáo dục thay thế.
Theo Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ, hiện có hơn 2 triệu trẻ em đang học chương trình này, với tỷ lệ gia tăng nhanh chóng từ 7% đến 15% mỗi năm. Giáo dục tại nhà được công nhận ở tất cả 50 tiểu bang Hoa Kỳ và ở nhiều quốc gia phát triển khác.
Giáo dục tại nhà thường được thực hiện bởi cha mẹ hoặc gia sư hoặc giáo viên trực tuyến. Lớp học kiểu này thường kết hợp các môn không bắt buộc theo độ tuổi, chẳng hạn như lịch sử, văn học và nghệ thuật.
Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có thể nghiên cứu cùng một thời kỳ lịch sử, và sau đó được giao bài tập phản ánh khả năng của từng em.
Đối với các các môn học khác, chẳng hạn như toán học và tập đọc, phụ huynh sẽ dạy kèm từng đứa trẻ một để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân. Tùy thuộc vào độ tuổi, mỗi học sinh sẽ được giao bài tập riêng biệt phù hợp.
Các môn học thường bao gồm các môn theo khung tiêu chuẩn của một chương trình học truyền thống cũng như những môn học được soạn riêng tận dụng khả năng của trẻ.
Homeschooling cung cấp một môi trường tự nhiên trong đó cha mẹ có thể cung cấp một phương pháp giảng dạy cá nhân phù hợp với sở thích, khả năng và phong cách học tập độc đáo của trẻ.
Một buổi học của trẻ được tổ chức theo bất kỳ cách nào phù hợp nhất với chúng. Nhiều trẻ bắt đầu học sớm vào buổi sáng, như trong một ngôi trường truyền thống.
Nhưng một đứa trẻ ham thích một thí nghiệm khoa học trước khi đi ngủ, phụ huynh có thể chiều theo ý trẻ – điều này cũng trở thành một phần của ngày học.
Bằng nhiều cách, việc học ở nhà làm giảm nhu cầu về bài tập về nhà truyền thống thường được yêu cầu bởi các trường học, đặc biệt là đối với trẻ em ở độ tuổi học tiểu học.
Việc học của các em thường được hoàn thành trong một khung thời gian ngắn hơn trong ngày. Hoạt động như một người dạy kèm riêng, phụ huynh-giáo viên liên tục quan sát trẻ khi chúng học.
Quan sát trực tiếp này cho phép phụ huynh theo dõi sự tiến bộ hoặc khó khăn của con. Và sau đó chương trình học có thể được điều chỉnh cho phù hợp.
Các bà mẹ thường cùng lập hội và giao lưu với nhau, tổ chức các chuyến dã ngoại, tìm hiểu bảo tàng, thư viện hay làm giáo viên dạy chung 1 lớp cho các em lớp lớn hoặc các môn khó.
Trẻ em học tại gia, khi lớn lên, thường tham dự các lớp học truyền thống nhằm mang lại cho họ kỹ năng hoàn thành bài tập về nhà. Một số trường công lập cho phép trẻ tham dự các lớp học nhất định mà họ chọn. Khi họ lớn tuổi hơn, trẻ học tại gia có thể đăng ký vào các lớp đại học cộng đồng và bắt đầu học đại học sớm.
Mặc dù điểm số trong các môn học không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng nhiều gia đình vẫn thực hiện các bài kiểm tra đã được phân loại, một số thông qua các chương trình online.
Môi trường homeschooling cho phép trẻ em tiến bộ theo nhịp độ riêng của chúng cho đến khi chúng nắm vững các tài liệu cần thiết.
Vì sao nhiều người chọn Homeschooling cho con?
Phần lớn các gia đình lựa chọn phương pháp này vì một số lý do:
- Muốn dạy con về đạo đức và đức tin (vì các chương trình liên quan đến tôn giáo đã bị bỏ khỏi chương trình học phổ thông)
- Có thêm nhiều thời gian bên con cái (nhiều người cho rằng việc cho con đến trường cả ngày là quá nhiều, bố mẹ không có nhiều thời gian để chơi với con, nói chuyện và trao đổi với con…)
- Không hài lòng với chương trình học ở các trường phổ thông (một số cho rằng cách học “nhồi nhét” ở trường quá cứng nhắc, hình thức phạt không hiệu quả, chương trình học thừa thãi một cách vô lý khiến học sinh quá tải, bài tập về nhà quá nhiều…
- Vì hoàn cảnh đặc biệt: ví dụ, trẻ tàn tật, trẻ chậm phát triển, gia đình tại khu vực hẻo lánh, quá xa trường học hoặc bố mẹ trẻ di chuyển quá nhiều nên không thể cho trẻ học tại một trường cố định.
Homeschooling ở Việt Nam
Tại Việt Nam, homeschooling đang dần trở thành mối quan tâm và lựa chọn của nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn.
Lý do chủ yếu cũng tương tự phụ huynh ở Mỹ và nhiều nước: họ tin rằng con cái họ cần nhận được một dịch vụ giáo dục tốt hơn những gì đang nhận được từ trường học truyền thống, nghĩa là cùng lý do “không hài lòng” nói trên.
Đã có một số gia đình cho con nghỉ học ở trường để hoàn toàn học tại nhà. Điển hình là trường hợp của gia đình chị Lê Thị Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM. Vợ chồng chị Thanh đã cho hai con trai Thái Anh và Nhật Anh thôi học ở trường tuy nhiên cả hai anh em vẫn đạt IELTS 8.0 và 8.5.
Chị Phạm Thiên Hương ở Hà Nội, là quản trị viên của trang Homeschooling in Vietnam cũng là một trong số những phụ huynh đi đầu trong phong trào này. Ba cô con gái của chị đều nói tiếng Anh thành thạo, các con được dạy rất nhiều về kỹ năng sống, hoạt động nhóm, làm việc nhà.
Gần đây một số bài báo cũng đưa tin về trường hợp chị Uyên Bùi tác giả cuốn sách “Để con được ốm” đưa ra quyết định nghỉ việc để dành thời gian dạy con theo phương pháp homeschool.
Bé Mật ong nhà chị được bố mẹ đưa đi khắp nơi để tìm hiểu về cuộc sống, thay vì đến trường. Bé cũng thường xuyên tham gia các lớp ngoại khóa nghệ thuật, hoạt động khoa học, toán học, sáng tạo…
Nhóm Homeschool Vietnam do anh Nguyễn Đức Quang sáng lập, hiện tại đã có tới 18,479 thành viên, tăng 10,000 thành viên so với 2 năm trước. Chưa kể một số các Group khác, số thành viên cũng lên tới vài nghìn người cho thấy sức lan tỏa của phương pháp học này ngày càng mạnh mẽ.
Một số phụ huynh thuộc các nhóm này đã cho con theo học chương trình online (mua tài khoản từ các website nước ngoài như Abeka, Acellus) và lên kế hoạch học cho con song song học chính khóa trên lớp.
Một số phụ huynh cùng đứng ra mở lớp và mời thầy dạy riêng cho con mình theo giáo trình nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên tiếng Anh tại một trường tư thục ở Hà Nội, hiện tại cũng đang cho con học theo phương pháp này.
Bé Hà Linh, con gái chị năm nay lên lớp 2, vẫn đang học trường công, song song với chương trình Acellus của Mỹ. Cô bé mặc dù không tới học ở bất cứ một trung tâm tiếng Anh nào, nhưng có thể giao tiếp thoải mái với người nước ngoài cũng như đạt một số giải thưởng cao trong các cuộc thi hùng biện tiếng Anh.
Hà Linh cùng một gia đình ngoại quốc ở Phố đi bộ
Những trở ngại của Homeschooling
Homeschooling đòi hỏi nguồn lực tài chính nhất định từ cha mẹ để mua chương trình, khóa học online, tài liệu, đưa con tham gia các hoạt động bổ trợ, thuê gia sư…
Các khóa học online cho học sinh phổ thông bằng tiếng Việt rất ít. Vì thế, phải học bằng ngoại ngữ, ở đây tiếng Anh là chủ yếu. Cha mẹ và con đều phải giỏi ngoại ngữ mới học được.
Một số chương trình online nước ngoài mà nhiều phụ huynh đang áp dụng cho con không hoàn toàn phù hợp với người Việt. Và không có gì đảm bảo nó có thể thay thế được chương trình đào tạo bằng tiếng Việt.
Vì chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên hệ thống giáo dục Việt Nam cũng chưa đưa ra được quy trình hỗ trợ, giám sát và đảm bảo chất lượng việc học tập của trẻ học tại nhà như ở các nước phát triển.
Cha mẹ phải có trình độ học vấn khá tốt để tự dạy hoặc hỗ trợ việc học của con. Học tại nhà các em sẽ học theo thời khóa biểu riêng, linh hoạt, học online nên cần có thói quen lẫn ý chí tự học thì mới hiệu quả.
Dù còn nhiều trở ngại, homeschool ở Việt Nam vẫn đang phát triển như nhu cầu tất yếu của xã hội. Trường học tại gia có được hệ thống giáo dục Việt Nam công nhận hay không chỉ là vấn đề thời gian.
Tạo môi trường học tập tốt nhất cho con cái là mong ước của tất cả những người làm cha làm mẹ. Lựa chọn homeschooling hay không, vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dạy con đều vô cùng quan trọng.
Dành nhiều thời gian bên con, đồng hành cùng con trong từng chặng đường học tập sẽ giúp con vững bước tới tương lai.
Riêng tôi, tôi ủng hộ việc dạy con theo phương pháp tiên tiến này, còn bạn thì sao? Hãy chia sẽ ý kiến của bạn với chúng tôi ở mục comment phía dưới nhé!
Hangfah tổng hợp
Theo Theasianparent
Xem thêm các bài viết khác:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!