Khi trẻ con không nghe lời, thay vì kiên nhẫn dùng lời lẽ để phân tích cho chúng hiểu điều gì đúng điều gì sai thì có nhiều phụ huynh lại ra tay đánh mắng trẻ. Nhưng sau những lần động tay đó là nỗi ân hận. Thậm chí có người còn hại đến sức khỏe của con mà không hề hay biết.
Trong giai đoạn con cái vẫn còn là một đứa trẻ sơ sinh, cha mẹ đều rất cẩn thận, nâng niu chăm sóc con, chỉ sợ nhỡ có việc gì ngoài ý muốn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của con. Tuy nhiên, khi trẻ dần dần lớn lên, nhiều bậc phụ huynh đã không còn “yêu thương con như ngày đầu nữa”. Thậm chí còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với con và xảy ra nhiều việc đáng tiếc.
Đánh trẻ không phải là phương pháp giáo dục tốt
đánh mắng trẻ
Sau 50 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định đánh đòn và hành hạ thể xác là 2 việc hoàn toàn giống nhau về bản chất.
Trước đó, các nghiên cứu về vấn đề “liệu có nên đánh đòn trẻ em?” đã phải kéo dài rất lâu và từng gặp rất nhiều khó khăn bởi vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận vì độ chính xác khi ấy của chuỗi nghiên cứu chưa được rõ ràng. Nhưng hiện nay, sau khi đã phải trải qua 75 cuộc nghiên cứu trên những cá thể khác nhau với thời gian chính xác là 50 năm, kết luận cuối cùng mới được đưa ra để chứng minh giả thuyết ban đầu của các nhà nghiên cứu là hoàn toàn có cơ sở.
Chuỗi nghiên cứu này đã được thực hiện ròng rã 50 năm trời với 160.000 đứa trẻ, và kết quả được đưa ra khá chính xác vì gần như đến 99% kết quả thống kê đều cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa việc đánh đòn và các biểu hiện tiêu cực ở trẻ em.
Kết quả của các nghiên cứu dài hạn khác tương tự cũng chỉ ra rằng việc đánh đòn chính là tiền đề dẫn đến các hành vi ứng xử xấu, tiêu cực của một đứa trẻ theo thời gian chúng lớn dần lên, bất kể ban đầu chúng là một đứa trẻ ngoan, hoạt bát, lanh lợi hay tốt bụng như thế nào.
Ở Việt Nam, những bài học về việc cha mẹ đánh con đã có quá nhiều, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chưa cảnh tỉnh mà bao biện bằng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
đánh mắng trẻ
Có thể cha mẹ không tránh được việc nổi nóng với con trẻ, đánh con một hai cái cũng đã thành thói quen. Thế nhưng đánh con trẻ hoàn toàn không phải là cách giáo dục tốt, không có tác dụng kỷ luật lâu dài.
Những bậc phụ huynh hay “dùng bạo lực” để dạy dỗ con sẽ tác động rất lớn đến tâm hồn và thể chất của trẻ. Trẻ lớn lên sẽ có thể phát sinh nhiều “di chứng” như bệnh tâm lý lầm lì hoặc tự kỷ, luôn lo lắng, sợ hãi, thiếu tính học hỏi và khả năng tưởng tượng; nghiêm trọng hơn là nhiều đứa trẻ “kế thừa” tính bạo lực của cha mẹ và trở thành một người bạo lực trong xã hội, hay gây tổn thương cho người khác.
Hậu quả của việc đánh con: Không hề giúp con trở nên ngoan hơn, mà còn theo chiều ngược lại.
đánh mắng trẻ
Những nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã thực hiện phân tích tổng hợp trong một thời gian rất dài và cuối cùng cũng đủ cơ sở để rút ra kết luận: Đánh đòn không hề giúp một đứa trẻ nhận thức được lỗi sai và cải thiện hành vi của mình, mà ngược lại việc này còn đem đến nhiều hệ quả xấu đến trẻ em mà người lớn không hề ngờ đến. Việc đánh đòn sẽ gây ra những tác hại tiêu cực đối với sự phát triển về mặt nhận thức, tính cách của một đứa trẻ.
Một đứa trẻ bị đánh đòn nhiều sẽ có xu hướng gặp vấn đề về tâm lý hay khó khăn trong các mối quan hệ với người thân.
Thậm chí, chúng còn có thể trở nên hung hăng hơn về mặt tính cách từ đó dẫn đến việc khả năng nhận thức sẽ kém đi và có ý định chống đối xã hội. Theo nhà nghiên cứu Lisa Berlin đến từ Đại học Maryland, những đứa trẻ bị đánh đòn nhiều sẽ có biểu hiện hung hăng hơn trong vòng 1 năm sau đó và khả năng nhận thức của chúng cũng sẽ thấp đi trong vòng 2 năm tiếp theo.
Việc đánh đòn khiến trẻ trở nên tiêu cực, dẫn đến những hành vi xấu khi trẻ lớn lên
Một đứa trẻ thông thường có khả năng sẽ gặp nhiều vấn đề về nhận thức, tâm lý hơn sau khi nhận được những trận đòn đến từ bố mẹ, người thân.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh đang có ý định giáo dục con cái bằng phương pháp đánh đòn: Khi trẻ em bị đánh đòn nhiều lần, cách cư xử và hành vi, thái độ của chúng sẽ xấu dần đi theo thời gian.
Làm thế nào để giáo dục con tốt mà không cần đánh mắng trẻ
1. Trở thành tấm gương tốt cho con
Bố mẹ chính là hình mẫu mà trẻ hay bắt chước. Con bạn sẽ để ý mọi hành động và phản ứng của bạn. Nếu cha mẹ hay tỏ ra tức giận dù với ai và nguyên nhân là gì, trẻ cũng sẽ làm theo. Lâu dần, thái độ đó trở thành một phần tính cách của con. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh, biết kiểm soát cảm xúc tốt để con học tập theo bạn.
2. Đặt ra những quy tắc
Để cho trẻ học cách tự chủ, bạn cần đưa ra những giới hạn với con. Giống như người lớn, trẻ em cũng có những nghĩa vụ nhất định. Việc đặt ra các quy tắc để trẻ phải làm theo những quy tắc đó theo một chuẩn mực nhất định. Trẻ sẽ học được rằng mình nên làm gì và nên tránh làm gì.
Chẳng hạn, nếu chúng tin rằng bữa tối sẽ diễn ra lúc 18h thì cũng sẽ tự hiểu mà không ăn kẹo lúc 17h30. Có được sự tin tưởng đó là điều cần thiết trong việc phát triển tính tự chủ. Mang lại một môi trường an toàn, ấm áp và yêu thương, trẻ sẽ có cơ hội học hỏi và phát triển toàn diện.
3. Dạy con cách chờ đợi
Bạn có thể dạy bé cách chờ đợi thông qua những hoạt động đơn giản hàng ngày. Ví dụ như khi làm đồ ăn, hãy hỏi con nhận xét về đồ ăn như thế nào trước khi bé thưởng thức món ăn đó; hoặc khi tìm đồ chơi cho con, hãy nói là “Con đợi nhé, các đồ chơi sắp hiện ra rồi!”; hay khi đợi thang máy, xếp hàng mua đồ, chờ tới lượt mình chơi đu quay hay cầu trượt…
Bạn cũng có thể sử dụng cách này khi trẻ mè nheo, đòi hỏi một món đồ, hãy nói với con rằng chúng phải đợi đến ngày sinh nhật hoặc Giáng sinh.
4. Cho trẻ hiểu về hậu quả của các hành động sai trái
Dạy trẻ nhận thức được những hậu quả của các hành động sai trái là điều cần thiết để rèn luyện tính tự chủ.
Chẳng hạn, hãy nói với con rằng bạn phải đi lấy đồ chơi yêu thích của chúng trong 1 khoảng thời gian nhất định. Ban đầu có thể trẻ sẽ la hét nhưng nếu không thấy ai ủng hộ và mất quyền chơi món đồ đó trong 1 tuần thì chắc chắn bạn sẽ không gặp phải tình huống tương tự lần thứ hai.
5. Đưa ra các khung giờ
Trẻ em cần tự do nhưng chúng cần được rèn luyện mỗi ngày. Thời gian trước và sau khi đi học, trước khi đi ngủ. Khi trẻ quen với các nguyên tắc giờ giấc và các kế hoạch cụ thể, các thói quen sẽ đi vào nề nếp.
6. Giải thích những kỹ năng lắng nghe
Sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe là rất lớn. Dạy trẻ tập trung và ghi nhớ khi người khác nói chứ đừng chỉ đợi đến lượt để trả lời lại. Nếu trẻ hiểu được rằng, lắng nghe là phần quan trọng của việc tương tác với người khác, chúng sẽ trở thành một người lớn biết kiềm chế cảm xúc.
7. Thảo luận với trẻ cách kiềm chế cơn giận
Nóng giận là một cảm xúc tự nhiên của con người. Cho nên không có gì sai nếu chúng ta nóng giận một điều gì đó. Tuy nhiên sẽ là sai trái nếu để sự nóng giận đó gây ảnh hưởng cho người khác. Trẻ cần được dạy phương pháp để đối mặt với cơn giận dữ và giải quyết nó một cách tích cực
Bị đánh đòn không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, học làm chủ hành vi tốt hơn mà sẽ ngược lại sẽ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị “tóm” khi mắc sai lầm. Vì vậy, người lớn nên dạy con bằng lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực. Cuối cùng, cha mẹ nên nhớ áp dụng các hình thức phạt con là để nhắc nhở chứ không phải hành hạ.
-Ele Luong-
Các bài viết liên quan:
5 lĩnh vực tâm lý trẻ em – và những sai lầm cha mẹ Việt nuôi dạy con phát triển không cân bằng!
Muốn Con Nên Người Giỏi Giang – 15 cách dạy con này có thể giúp cha mẹ
Có Con Gái, bố đừng quên dạy con 5 điều tuyệt vời này
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!