Kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ sau sinh thế nào cho đúng? Thực tế thì cơ thể mẹ đã thay đổi ngay từ khi bắt đầu mang thai để thích nghi với thai nhi trong bụng, giữ cho em bé an toàn và phát triển khỏe mạnh. Khi em bé đã chào đời, cơ thể mẹ vẫn tiếp tục thay đổi cả về thể chất và tinh thần. Chăm sóc sau sinh đúng cách sẽ giúp mẹ nhanh phục hồi sức khỏe, sẵn sàng cho hành trình nuôi con trước mắt.
Nội dung bài viết:
- Kinh nghiệm giúp mẹ đối phó với những cơn đau sau sinh
- Thay đổi ở vùng ngực
- Bệnh trĩ, táo bón và vấn đề tiết niệu nên xử lý thế nào?
- Cách chăm sóc da và tóc
- Dịch tiết âm đạo và kinh nguyệt
- Khi nào mẹ có thể mang thai tiếp?
- Bao giờ là thời điểm thích hợp để giảm cân?
- Đương đầu với những thay đổi về tâm lý
Kinh nghiệm đối phó với những cơn đau sau sinh nở
Cơn đau nhức tầng sinh môn
Tầng sinh môn là bộ phận nằm giữa âm đạo và trực tràng. Tầng này căng ra và có thể bị rách trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Chăm sóc mẹ sau sinh thường không thể bỏ qua cơn đau tầng sinh môn do vết cắt ở cửa âm đạo để giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn.
Xem thêm
Tránh 9 điều cấm kỵ khi chăm sóc sau sinh mổ để mau chóng hồi phục sức khỏe
Có nên thuê dịch vụ chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé hay không?
Để giảm bớt khó chịu do cơn đau tầng sinh môn, mẹ có thể tập các bài tập Kegel để tăng cường cơ vùng xương chậu. Mẹ tập bằng cách siết chặt các cơ như động tác vẫn làm khi nhịn tiểu. Giữ chặt cơ trong 10 giây rồi thả ra. Lặp lại động tác này ít nhất 10 lần cho mỗi đợt và ít nhất ngày 3 đợt.
Bên cạnh đó mẹ có thể áp dụng các cách sau để làm dịu cơn đau tầng sinh môn:
- Dùng túi chườm lạnh hoặc bọc vài viên đá trong 1 chiếc khăn sạch rồi đặt vào vùng bị đau nhức
- Ngồi lên 1 chiếc gối mềm hoặc gối có dạng thủng ở giữa (gối hình bánh donut)
- Ngâm mình trong nước ấm
- Khi vệ sinh vùng kín, mẹ nhớ lau nhẹ từ trước ra sau để ngăn ngừa viêm nhiễm trên vết rạch tầng sinh môn
- Nếu đau quá mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ về loại thuốc giảm đau thích hợp.
Những cơn đau quặn bụng
Thường thì sau sinh mẹ sẽ thấy đau quặn ở vùng bụng khi tử cung co hồi lại kích thước ban đầu. Những cơn đau này sẽ dần biến mất sau vài ngày. Ngay sau khi sinh, tử cung của mẹ vẫn là 1 khối cứng, tròn và nặng khoảng 1,2kg. Sau 6 tuần trọng lượng tử cung sẽ giảm chỉ còn 0,04kg.
Kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ sau sinh lúc này đơn giản là bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau nếu cơn đau nằm ngoài khả năng chịu đựng của cơ thể. Lưu ý trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào mẹ cũng nên tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia y tế.
Đau sau mổ đẻ
Sinh mổ là phương pháp sinh thông qua phẫu thuật, đưa thai nhi ra ngoài bằng cách cắt 1 đường trên bụng và tử cung sản phụ. Phẫu thuật mổ đẻ được xem là đại phẫu và cần thời gian để phục hồi. Trong những ngày đầu tiên mẹ sinh mổ sẽ thấy mệt mỏi, mất nhiều sức lực do đã mất máu nhiều trong phẫu thuật. Vết mổ cũng làm mẹ đau đớn và khó chịu hơn nhiều so với sinh thường.
Kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ sau sinh mổ để vết mổ nhanh lành là:
- Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ
- Nhờ chồng, người thân và gia đình hỗ trợ chăm sóc em bé và các công việc khác khi vết mổ vẫn còn đau
- Nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, ngủ đủ giấc, ăn đồ ăn mềm, uống đủ nước
- Không ngồi xổm, nâng đỡ, mang vác vật nặng, tốt nhất là mẹ không nên mang vác gì ngoại trừ bế em bé
- Dùng gối đỡ bụng khi cho con bú.
Những thay đổi ở vùng ngực
Kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ sau sinh bị căng sữa
Khi bầu ngực chứa đầy sữa, mẹ sẽ có cảm giác căng tức trong vài ngày từ khi sinh xong. Ngực chị em trở nên nhạy cảm và đau hơn, tình trạng này sẽ hết dần khi mẹ cho con bú đều đặn. Nếu không cho con bú, hiện tượng căng sữa sẽ biến mất khi ngực mẹ ngừng sản xuất sữa, thường là sau vài ngày.
Lời khuyên cho mẹ:
- Nuôi con bằng sữa mẹ. Cố gắng đừng bỏ cữ bú nào hoặc để thời gian giữa các cữ bú quá cách xa nhau. Đừng bỏ qua cữ bú đêm cho trẻ
- Trước khi cho con bú, mẹ hãy vắt 1 lượng sữa nhỏ bằng máy hoặc bằng tay ra ngoài và không cho bé bú sữa này. Đây là sữa đầu chứa nhiều oxytocin làm bé nhanh buồn ngủ khi chưa bú được sữa cuối nhiều dưỡng chất hơn
- Mẹ có thể dùng vòi hoa sen hoặc đặt khăn ấm lên ngực để giúp sữa chảy ra mà không bị tắc tia. Nếu bị đau do căng sữa, mẹ có thể chườm lạnh 1 lát để làm dịu cơn đau
- Những miếng lót thấm sữa là trợ thủ đắc lực cho chị em khi sữa rỉ ra nhiều
- Nếu ngực tiếp tục sưng đau trong thời gian dài, mẹ nên đi khám ngay
- Mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ nên mặc áo ngực chắc chắn và có nâng đỡ, ví dụ như áo ngực thể thao.
Đau núm vú
Đau đầu ti là tình trạng thường gặp ở mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, nhất là các mẹ bị nứt đầu ti. Khi gặp phải tình trạng này, trước hết mẹ nên gặp chuyên gia về nuôi con bằng sữa mẹ để đảm bảo mình đang cho con bú đúng cách. Với sự giúp đỡ của người có kinh nghiệm chuyên môn, mẹ sẽ biết cách cho con bú đúng khớp ngậm và giảm bớt cơn đau đầu ti khi cho bé bú.
Lời khuyên cho mẹ:
- Dùng các loại kem bôi trị nứt đầu ti sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ
- Sau khi cho con bé, mẹ lấy 1 ít sữa mẹ xoa lên đầu ti và để khô tự nhiên.
Bệnh trĩ, táo bón và các vấn đề tiết niệu
Trĩ là tình trạng đau, sưng tĩnh mạch trong và xung quanh hậu môn, làm người bị bệnh đau và chảy máu. Cũng như bệnh trĩ, táo bón thường gặp ở phụ nữ sau sinh khi mẹ không thường xuyên đi đại tiện, đại tiện khó.
Trong 1 vài ngày đầu tiên sau sinh, mẹ có thể cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu tiện. Cũng có hiện tượng chị em cố gắng đi tiểu tiện nhưng không được hoặc tiểu không tự chủ được. Hiện tượng này sẽ biến mất khi cơ vùng chậu của mẹ phục hồi lại trạng thái ban đầu.
Để khắc phục các tình trạng này, mẹ nên:
- Thăm khám để được kê đơn thuốc giảm đau
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, trái cây, bánh mì nguyên cám, các loại ngũ cốc
- Uống nhiều nước
- Đừng cố rặn khi đi đại tiện
- Khi đi tiểu mẹ hãy dùng đổ nước ấm vào vùng kín để nước làm trung hòa nước tiểu, giảm bớt cảm giác đau rát
- Tắm nước ấm
- Tập các bài tập Kegel để tăng cường cơ vùng chậu.
Xem thêm
Bí quyết chăm sóc mẹ sau sinh mổ – Làm cách nào để hồi phục nhanh nhất có thể?
Cách chăm sóc vết khâu sau sinh ở tầng sinh môn
Da và tóc mẹ thay đổi thế nào?
Nhiều mẹ bị rạn vùng bụng, đùi, mông và 2 bên hông. Những vết rạn không biến mất hoàn toàn nhưng sẽ mờ dần theo thời gian. Cách dưỡng da sau sinh là hãy dùng kem hoặc dầu dưỡng ẩm cho da. Dù không có tác dụng làm mờ vết rạn, các loại kem này có thể giảm cảm giác ngứa ngáy đi kèm theo vết rạn.
Tóc mẹ dường như dày hơn trong thai kỳ do lượng hormone tăng cao làm mẹ ít bị rụng tóc. Sau khi em bé chào đời, tóc mẹ sẽ mỏng dần và rụng nhiều trong khoảng 6 tháng từ khi sinh và mọc dày trở lại trong vòng 1 năm.
Chị em nên ăn nhiều hoa quả và trái cây. Vitamin trong rau củ quả giúp bảo vệ mái tóc và kích thích tóc mọc trở lại. Mẹ nên chải tóc nhẹ nhàng, không nên buộc tóc quá chặt, xoắn vặn hay gây áp lực lên tóc. Không nên sấy tóc quá gần với mức nhiệt quá cao, chỉ nên chọn chế độ “Cool” trên máy sấy.
Dịch tiết âm đạo và kinh nguyệt sau sinh
Sau khi em bé chào đời, cơ thể loại bỏ máu và mô còn lại trong tử cung (sản dịch) ra ngoài. Sản dịch những ngày đầu sau sinh thường ra nhiều, có màu đỏ tươi và có thể chứa cục máu đông, sau đó dần ít hơn và màu nhạt hơn. Trung bình mẹ cần vài tuần hoặc 1 tháng để tống hết sản dịch. Lúc này mẹ nên dùng băng vệ sinh để thấm hút sản dịch, không nên dùng các loại cốc nguyệt san hay tampon vì vùng kín của mẹ vẫn chưa phục hồi.
Với các mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ thì kinh nguyệt sẽ quay lại sau khoảng 6 – 8 tuần từ khi sinh. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ quay lại muộn hơn ở các mẹ cho con bú, có thể là nhiều tháng từ lúc sinh. 1 số mẹ đến khi cai sữa cho con mới có kinh lại. Đặc điểm của chu kỳ kinh cũng khác với trước khi mang thai, có thể ngắn hơn hoặc dài hơn và thường sẽ giống như ban đầu sau 1 thời gian.
Bất thường về sản dịch
Mẹ cũng cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường về dịch tiết sau sinh như băng huyết hay bế sản dịch. Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch sau sinh không thoát ra ngoài được và ứ đọng lại trong tử cung, nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm được… Triệu chứng của bế sản dịch là sản dịch chảy rất ít, có mùi hôi, căng tức vùng hạ vị, thỉnh thoảng có cơn đau, có cục cứng ở vùng bụng, nhiệt độ cơ thể tăng cao….
Ngược lại băng huyết là tình trạng tử cung không co bóp đủ mạnh, các mạch máu chảy tự do dẫn đến chảy máu không kiểm soát, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong ở sản phụ.
Khi nào thì mẹ có thể mang thai tiếp?
Chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ nên đợi 4 – 6 tuần từ khi sinh để cơ thể hồi phục rồi mới nên quan hệ tình dục. Khi đã quan hệ trở lại, hãy cẩn thận vì mẹ có thể mang thai ngay cả trước khi kinh nguyệt quay trở lại do có thể rụng trứng trước khi thấy kinh.
Lúc này các biện pháp tránh thai là cần thiết để giúp mẹ không mang thai ngoài ý muốn cho đến khi có kế hoạch sinh con tiếp theo. Có nhiều biện pháp tránh thai cho mẹ lựa chọn như đặt vòng tránh thai, cấy que tránh thai, uống thuốc tránh thai và dùng bao cao su. Trước khi áp dụng các biện pháp này mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt là nếu mẹ vẫn đang cho con bú. 1 số biện pháp tránh thai có thể làm giảm lượng sữa cơ thể sản xuất ra. Cũng cần nhớ rằng cho con bú không phải là biện pháp tránh thai và không có tác dụng ngừa thai.
Trong hầu hết các trường hợp, chị em nên đợi ít nhất 18 tháng kể từ lần sinh trước để mang thai tiếp. Khoảng cách quá ngắn giữa các lần mang thai làm tăng nguy cơ sinh non (trước tuần thai thứ 37). Những em bé sinh non cũng đứng trước nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn trẻ sinh đủ tháng. Hơn hết cơ thể mẹ cần thời gian hồi phục hoàn toàn từ lần mang thai trước trước khi sẵn sàng mang thai em bé tiếp theo.
Bao giờ thì mẹ có thể giảm cân?
Ngay sau khi sinh cơ thể mẹ sẽ giảm khoảng 4,5kg và giảm thêm 1 ít trong tuần đầu tiên. Đây là thời điểm lý tưởng để có cân nặng chuẩn mực, bất kể cân nặng của mẹ thế nào trước khi mang bầu. Ăn uống lành mạnh và vận động hợp lý sẽ kích thích các cơ quan trong cơ thể và làm mẹ cảm thấy khỏe khoắn hơn. Mẹ đạt mức cân nặng hợp lý sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh như tiểu đường, cao huyết áp hơn mẹ bị thừa/thiếu cân. Trừ trường hợp tiếp tục mang bầu hay có kế hoạch mang bầu trong tương lai, chị em nên duy trì mức cân nặng vừa phải, phù hợp với các chỉ số của cơ thể.
Lời khuyên cho mẹ:
- Dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đồ ngọt, thực phẩm nhiều chất béo
- Uống nhiều nước
- Cân nhắc trước khi tập luyện, nhất là sau sinh mổ. Hãy bắt đầu từ từ và tăng dần cường độ tập luyện. Bơi và đi bộ là 2 môn vận động lý tưởng cho mẹ sau sinh. Nhớ tập luyện mỗi ngày
- Cho con bú: Cho con bú làm tiêu hao calories, giúp mẹ giảm cân nhanh hơn
- Đừng quá sốt ruột nếu cân nặng mãi chưa về mức mong muốn. Cơ thể cần thêm thời gian để phục hồi và việc mẹ khỏe mạnh quan trọng hơn mẹ nhanh về dáng sau sinh.
Kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ sau sinh: Những thay đổi về tâm lý
Bên cạnh việc tìm hiểu các cách chăm sóc sau sinh tại nhà, chị em cũng nên chú ý chăm sóc đến đời sống tinh thần và tâm lý của bản thân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ cũng như nguồn sữa cho bé bú nữa đấy.
Mẹ làm thế nào khi thấy căng thẳng và quá sức chịu đựng?
Nuôi và chăm sóc trẻ sơ sinh làm nhiều mẹ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Quả thực chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Hãy chia sẻ cảm giác của mẹ với người chồng và để anh ấy giúp đỡ trong quá trình chăm sóc em bé. Đừng ngại tìm kiếm sự trợ giúp của người thân, bạn bè như nhờ đi chợ hay chuẩn bị đồ ăn chẳng hạn.
Tham gia 1 hội nhóm các bà mẹ sinh con cùng thời điểm với bạn là 1 ý tưởng không tồi. Các mẹ có thể cùng chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm cũng như chia sẻ cảm xúc của mình về hành trình chăm sóc con cái. Việc gặp mặt offline giữa các thành viên cũng là cơ hội bọn trẻ được gặp và tương tác với nhau.
Mẹ cũng đừng quên ăn đồ ăn lành mạnh, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Không nên hút thuốc, sử dụng thức uống có cồn hoặc chất kích thích vì những thứ này chỉ làm cho sức khỏe và tình trạng tâm lý của mẹ bất ổn và tồi tệ hơn.
Trầm cảm sau sinh – những điều cần biết
Tâm lý phụ nữ sau sinh cũng có những biến chuyển phức tạp. Stress, căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, trầm cảm là trạng thái thường thấy ở chị em giai đoạn sau sinh nở. Trạng thái này có thể từ từ biến mất nhưng cũng có thể ở mức độ nặng cần can thiệp y tế.
Để đối phó với những biến động tâm lý tiêu cực, mẹ sau sinh nên:
- Ngủ càng nhiều càng tốt
- Không uống rượu bia, chất kích thích, uống thuốc không theo chỉ định
- Nhờ người thân, gia đình và bạn bè giúp đỡ
- Dành thời gian cho bản thân
- Chia sẻ với các bà mẹ mới có con khác
- Nếu tình trạng không chuyển biến sau hơn 2 tuần, hãy đến gặp chuyên gia tâm lý.
Trong trường hợp mẹ cho rằng mình bị trầm cảm sau sinh, mẹ nên:
- Gặp chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt
- Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến bệnh: dấu hiệu, triệu chứng, yếu tố nguy cơ…
- Áp dụng các biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
- Trong trường hợp cho rằng mình có thể làm tổn thương bản thân và em bé, hãy nói cho người khác và gọi đường dây hỗ trợ khẩn cấp ngay lập tức
Quay lại với việc học và làm việc
Rõ ràng quyết định để em bé ở nhà cho người khác chăm sóc cả ngày là 1 quyết định khó khăn với bất cứ bà mẹ nào, dù cho đó có là người thân trong gia đình hay đi nữa. Việc tìm kiếm 1 bảo mẫu chăm sóc em bé cũng chưa bao giờ dễ dàng. Cảm giác tội lỗi có thể xâm chiếm, làm mẹ dằn vặt và buồn bực.
Lời khuyên cho mẹ lúc này là hãy nói chuyện với chồng về kế hoạch chăm sóc em bé. Liệt kê chi phí 2 người có thể gánh vác và hình thức trông trẻ mong muốn (trông trẻ tại nhà hay gửi ở cơ sở giữ trẻ). Mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, biết đâu nhờ đó mà tìm được người hay dịch vụ phù hợp. Cũng đừng quên nói chuyện với người phụ trách ở nơi làm việc để hỏi xem mình có được tạo điều kiện thuận tiện hơn khi đang nuôi con nhỏ không.
Làm thế nào để quen với việc trở thành cha mẹ?
- Cùng nhau học cách chăm sóc em bé. Đọc sách và tham gia các lớp học về nuôi dạy con.
- Đừng cố làm mọi việc 1 mình mà hãy để chồng cùng chia sẻ công việc
- Dành thời gian nói chuyện cùng nhau, chia sẻ cảm nhận của bản thân
- Đừng quên dành thời gian riêng tư cho 2 người (đi bộ hoặc ăn tối) trong khi nhờ người thân trông em bé
- Chia sẻ về việc bao giờ thì có thể quan hệ trở lại.
Theo marchofdimes
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!