Hình ảnh chửa trứng trên siêu âm trông như hình ảnh tuyết rơi, ruột bánh mì hoặc lỗ chỗ như tổ ong. Đối với chửa trứng bán phần thì có thể thấy cả phôi thai. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Chửa trứng là gì?
- Có mấy loại chửa trứng?
- Chửa trứng có nguy hiểm không?
- Làm thế nào để biết mẹ đang mang chửa trứng? Dấu hiệu chửa trứng là gì?
- Hình ảnh chửa trứng trên siêu âm trông như thế nào?
- Chửa trứng điều trị như thế nào?
Chửa trứng là gì?
Chửa trứng hay thai trứng là một khối u bất thường phát triển trong tử cung người mẹ đang mang thai.
Nguyên nhân là do một phần hoặc toàn bộ bánh nhau trong tử cung mẹ bị thoái hóa thành các túi dịch to nhỏ, dính sát vào nhau tạo thành chùm trông như trứng ếch hoặc chùm nho.
Sự phát triển của chúng chiếm một phần hay toàn bộ diện tích tử cung, khiến bào thai bị lấn ép và không thể phát triển tiếp được.
Có thể bạn chưa biết:
Chửa trứng bán phần có tim thai không? Có giữ thai được không?
Chửa trứng thử que có lên 2 vạch không, có biểu hiện mang thai không?
Có mấy loại chửa trứng?
Chửa trứng có 2 loại là chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Cụ thể:
- Toàn phần: Nhau thai phát triển hoàn toàn thành các nang trứng, các gai nhau phình to, mạch máu lông nhau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh và hoàn toàn không có tổ chức thai
- Bán phần: Nang trứng xuất hiện bên cạnh phôi thai, tuy nhiên thai thường đã chết trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Chửa trứng cũng có thể phân loại dựa vào tính chất:
- Chửa trứng lành tính: Lớp hợp bào không bị phá vỡ, lớp đơn bào không ăn vào cơ tử cung của người mẹ.
- Chửa trứng ác tính (chửa trứng xâm nhập): Lớp hợp bào mỏng đi và có các vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài, có khi tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung, có khi ăn thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu trong ổ bụng.
Chửa trứng có nguy hiểm không?
Hiện tượng chửa trứng có thể là lành tính nhưng cũng có thể là ác tính. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và thậm chí dẫn đến tử vong:
- Băng huyết, chảy máu ồ ạt ở âm đạo
- Trứng ăn sâu vào cơ tử cung và làm thủng lớp tử cung, gây chảy máu ổ bụng
- Ung thư mô trung sản, chúng có thể di căn đến những bộ phận khác và gây nguy hiểm đến tính mạng
Thai trứng có giữ được không? Mẹ bị chửa trứng thì không thể tiếp tục giữ mà phải nhanh chóng loại bỏ. Chửa trứng hoàn toàn là khi chỉ có mô nhau thai phát triển trong tử cung. Không có dấu hiệu của một bào thai nào cả. Còn chửa trứng bán phần bao gồm mô nhau thai và một số mô bào thai. Nhưng mô của thai nhi chưa hoàn thiện và không bao giờ có thể phát triển thành em bé.
Làm thế nào để biết mẹ đang mang chửa trứng?
Dưới đây là các triệu chứng mẹ thường gặp khi mang chửa trứng:
- Rong huyết, máu sẫm đen hoặc đỏ loãng
- Nghén nặng, buồn nôn và nôn nhiều, toàn thân mệt mỏi, đổ mồ hôi, cảm thấy nóng
- Bụng to nhanh, kích thước tử cung lớn hơn so với tuổi thai
- Không thấy thai máy
- Đôi khi có vàng da, nước tiểu vàng
- Không sờ được phần thai
- Đối với chửa trứng toàn phần sẽ không nghe được tim thai
- Huyết áp cao
- Nhịp tim nhanh, da nóng ẩm, run tay, tuyến giáp to
Triệu chứng của chửa trứng thường dễ bị nhầm lẫn với thai lưu, sảy thai, đa thai, u xơ tử cung,… Vì vậy, để biết chắc chắn mẹ có đang mang chửa trứng hay không, hãy đến bệnh viện để được thăm khám.
Tại đây, bác sĩ có thể xác nhận thai trứng bằng các cách:
- Khám âm đạo và bụng dưới
- Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để đo nồng độ Beta-hCG, estrogen, HPL
- Siêu âm qua âm đạo hay bụng để xem hình ảnh chửa trứng trên siêu âm, cách này có thể phát hiện chửa trứng rất sớm, thường ở thai < 9 tuần.
Khám phá thêm:
Chửa trứng bán phần là gì và có gây nguy hiểm cho mẹ bầu?
Hình ảnh chửa trứng trên siêu âm trông như thế nào?
Nhiều mẹ thắc mắc không biết hình ảnh chửa trứng trên siêu âm trông như thế nào. Theo Bác sĩ Nguyễn Anh Tú – Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh – Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, hình ảnh chửa trứng trên siêu âm có thể nhận biết như sau:
- Trong buồng tử cung sáng, có hình ảnh nhiều nang nước nhỏ lỗ rỗ trông như tuyết rơi, ruột bánh mì hoặc tổ ong trong chửa trứng toàn phần.
- Với chửa trứng bán phần thì thường dễ nhầm lẫn với thai lưu, hình ảnh trên siêu âm sẽ thấy một phần bánh nhau bất thường và bào thai đi kèm bên trong chửa trứng bán phần
- Thai trứng xâm nhập vào cơ tử cung có thể gây thủng lớp cơ tử cung và thấy có dịch máu trong ổ bụng
- Trường hợp chửa trứng là ác tính (ung thư nguyên bào nuôi) thì sẽ thấy có xuất huyết bên trong buồng tử cung
- Có thể thấy nang hoàng tuyến ở một hoặc hai bên của buồng trứng. Nang hoàng tuyến thường có nhiều thuỳ, vỏ nang mỏng và trơn láng.
- Không thấy sự hoạt động của tim thai, không có túi ối, âm vang thai.
Chửa trứng điều trị như thế nào?
Nạo hút thai trứng
Khi đã chẩn đoán và phát hiện chửa trứng, mẹ sẽ được chỉ định nạo hút thai trứng càng sớm càng tốt. Quá trình này sẽ được các bác sĩ thực hiện như sau:
- Nong cổ tử cung
- Nạo, hút thai trứng ra khỏi tử cung
- Kiểm tra lần nữa xem còn trứng sót lại hay không, dùng kìm hình tim gắp hết các túi trứng còn sót lại ra ngoài
Sau khi kết thúc thủ thuật, mẹ sẽ được cho uống kháng sinh phòng nhiễm khuẩn và tiếp tục tái khám để theo dõi xem chửa trứng có tái phát hay không.
Phẫu thuật cắt tử cung dự phòng
Đối với trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung thì cần phải tiến hành cắt luôn tử cung toàn phần. Ngoài ra, cách này còn áp dụng với những phụ nữ không muốn có con nữa hoặc đã trên 40 tuổi.
Vừa rồi là những thông tin về chửa trứng cũng như hình ảnh chửa trứng trên siêu âm để mẹ có cái nhìn rõ hơn về hiện tượng này. Đây là biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ nên mẹ cần đi khám thai đầy đủ và thường xuyên để kịp thời phát hiện nhé.
Nguồn thông tin từ Vinmec
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!