Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung là gì? Mẹ cần phát hiện sớm trước khi quá muộn
Chửa trứng là khối u lành tính phát triển trong tử cung
Chửa trứng lành tính chiếm đa số, và thường không kéo dài vì nhau thai không thể nuôi dưỡng em bé. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí biến thành chửa trứng ác tính như ung thư tế bào nuôi.
Tùy mức độ gai nhau thoái thành túi nước mà chửa trứng được chia làm 2 loại:
- Chửa trứng toàn phần: Toàn bộ các mô nhau thai sưng lên và hình thành các nang chứa đầy chất lỏng nhưng hoàn toàn không có mô bào thai. Hiểu cách khác là chỉ có nhau thai phát triển trong bụng mẹ còn không có thai nhi
- Chửa trứng bán phần: Là loại chửa trứng đã có tổ chức thai hoặc 1 phần thai, màng ối. Thai có thể còn sống hoặc đã chết. 1 phần gai nhau thoái hóa biến thành túi nước, 1 phần bình thường vẫn đủ để nuôi dưỡng thai.
Chửa trứng có tim thai không?
Về bản chất, chửa trứng không đơn thuần chỉ là trong bụng thai phụ có toàn là các túi dịch mà còn có thể vừa có túi dịch, vừa có tổ chức thai. Vì vậy, đối với câu hỏi chửa trứng có tim thai không, bác sĩ sẽ đưa ra những kết luận khác nhau tùy vào trường hợp thai phụ bị thai trứng toàn phần hay bán phần.
Nếu là chửa trứng bán phần thì vẫn có thể có tim thai
Chửa trứng hoàn toàn không có tim thai
Nếu tử cung thai phụ chỉ có túi dịch tức là chửa trứng toàn phần thì sẽ không thấy túi ối và hoạt động của tim thai. Vì không có bất cứ dấu hiệu sinh tồn nào của tổ chức thai nhi nên mặc dù trên kết quả siêu âm cho thấy buồng tử cung sáng nhưng chỉ là hình ảnh của nhiều nang nước nhỏ, lỗ rỗ như tổ ong hay vết rỗ khí của ruột bánh mì.
Chửa trứng có thể có tim thai
Nếu chửa trứng toàn phần không nghe thấy tim thai thì chửa trứng bán phần có tim thai không? Câu trả lời là có thể có. Trên thực tế, những trường hợp được chẩn đoán là chửa trứng bán phần vẫn có thể nhìn thấy được tổ chức thai qua hình ảnh siêu âm. Lúc này, những gai nhau không bị thoái hóa vẫn tiếp tục nuôi dưỡng được thai nhi. Nhiều phôi thai của chửa trứng bán phần còn có thể sống đến tháng thứ 3, thứ 4 nên vẫn có thể nghe thấy âm vang tim thai ở những tuần đầu của thai kỳ.
Nhận biết dấu hiệu chửa trứng có dễ không?
Không giống như nhiều bất thường thai nghén khác, chửa trứng thường khó phát hiện bởi các dấu hiệu nhận biết không thực sự điển hình và giống với các tình trạng nhiễm độc thai nghén, sảy thai, lưu thai, thai ngoài tử cung… Vì vậy, trong thời gian mang thai, để tránh nhầm lẫn với các hiện tượng bệnh lý khác, các bác sĩ sẽ dựa trên thông tin bệnh sử đồng thời thực hiện thêm các bước kiểm tra cần thiết như khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm máu, chụp Xquang bụng sau đó mới đưa ra chẩn đoán chính xác thai phụ có đang chửa trứng hay không.
Siêu âm có thể chẩn đoán thai trứng
Tùy vào từng loại chửa trứng mà thời điểm phát hiện bệnh lý cũng khác nhau.
- Với chửa trứng hoàn toàn, bất thường có thể được phát hiện ra vào khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ khi tiến hành siêu âm không thấy tim thai và buồng tử cung chỉ chứa nhiều túi dịch
- Với chửa trứng bán phần nhất là trong trường hợp tổ chức thai phát triển song song với túi dịch thì việc nhận biết bệnh sẽ khó hơn do phần gai nhau bị thoái hóa có thể bị che lấp bởi phôi thai còn sống và thai phụ chưa xuất hiện những dấu hiệu chuyển biến nặng. Thông thường, đến giữa thai kỳ, khoảng tháng thứ 3,4 các bất thường của chửa trứng bán phần mới được nhìn rõ bằng siêu âm.
Chửa trứng thử que có lên 2 vạch không?
Theo các chuyên gia sản khoa, chửa trứng vẫn có thể khiến que thử thai xuất hiện 2 vạch. Điều này sẽ khiến cho một số phụ nữ cứ nghĩ là mình đang mang thai mà quên đi các dấu hiệu bất thường khác của cơ thể.
Để hiểu vấn đề, mẹ cần biết que thử thai hoạt động dựa trên nồng độ hCG có trong nước tiểu phụ nữ. Trong chửa trứng, nồng độ hCG thường tăng rất cao, có thể trên 30.000 mUI/ml.
Do đó que thử thai sẽ hoạt động nhanh chóng và cho ra kết quả như khi chị em đang thực sự có thai. Nếu thực hiện xét nghiệm máu và thấy chỉ số hCG cao bất thường, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, chỉ định thêm các xét nghiệm và phương pháp thăm dò để xác định cụ thể tình trạng chửa trứng mà bạn đang mắc phải.
Có thể bạn chưa biết:
Chửa trứng có nguy hiểm không và được điều trị như thế nào?
Ngoài việc tìm hiểu chửa trứng có tim thai không, các mẹ bầu cũng nên hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của tình trạng bệnh lý này.
- Nếu thai kỳ được theo dõi thường xuyên, chửa trứng có thể phát hiện kịp thời và khoảng >80% số đó sau khi hút nạo sẽ an toàn
- Thai trứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu máu do rong huyết hoặc băng huyết do sẩy thai trứng
- 15% trường hợp diễn tiến thành thai trứng xâm lấn sẽ làm thủng lớp cơ tử cung, gây xuất huyết ổ bụng. Nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong
- 10 – 30% các ca chửa trứng sẽ diễn tiến thành ung thư tế bào nuôi, xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn đến các cơ quan khác như phổi, âm đạo, vùng chậu, thậm chí là gan và não gây khó khăn trong điều trị.
Nạo hút là phương pháp điều trị chủ yếu
Khi đã được chẩn đoán chửa trứng, hướng điều trị tốt nhất là cần lấy khối trứng ra ngoài tử cung.
- Nong rộng cổ tử cung để nạo, hút sạch thai trứng đề phòng sảy tự nhiên gây băng huyết
- Phẫu thuật cắt tử cung dự phòng trong trường hợp mô thai trứng xâm lấn quá sâu hoặc trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, không có nhu cầu sinh con nữa.
Sau khi nạo thai trứng, thai phụ phải được theo dõi và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra và đảm bảo an toàn cho lần mang thai sau.
Chửa trứng có nguy cơ tái phát và ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?
Chửa trứng có thể gây ra nhiều nguy hiểm, thậm chí biến chứng thành ung thư nhau thai nhưng các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Khi được điều trị đúng phương pháp, bệnh hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ hay làm tăng các nguy cơ khác như thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non… Ước tính tỷ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ khoảng 1 – 2% nếu không đi kèm với các biến chứng khác. Người từng bị chửa trứng hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh ở những lần sau, song nếu mang thai lại cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Điều trị chửa trứng đúng cách không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Mặc dù vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi đã được điều trị chửa trứng hoàn toàn, các chị em cũng nên chờ ít nhất 2 năm, sau khi nồng độ hCG trở về mức âm tính mới nên mang thai lại lần nữa.
Tạm kết
Chửa trứng là 1 khối u lành tính phát triển trong tử cung. Tuy nhiên nó có thể được xem là bệnh lý tiền ung thư vì có thể diễn tiến đến các biến chứng ác tính như ung thư nguyên bào nuôi. Dù chửa trứng có tim thai không thì phần thai được hình thành ở thai trứng bán phần hay những túi dịch trong thai trứng toàn phần cũng hoàn toàn không thể phát triển như một thai kì bình thường được nên cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Điều quan trọng nhất là các mẹ bầu luôn phải tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ trong điều trị thai trứng cũng như chuẩn bị sức khỏe thật tốt để sẵn sàng nuôi dưỡng 1 em bé khỏe mạnh trong thai kỳ tiếp theo!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!