Hậu sản sau sinh là khái niệm mà chị em nào cũng nên biết, đặc biệt là những thai phụ phải sinh mổ. 6 tuần sau khi sinh là khoảng thời gian các cơ quan sinh dục (ngoại trừ ngực vẫn phát triển để nuôi con) dần trở lại bình thường như trước khi sinh.
Đây là những nội dung mà bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Hậu sản sau sinh là gì?
- Những điều về hậu sản sau sinh mà thai phụ sinh mổ nên biết
- Những biến chứng phổ biến trong giai đoạn hậu sản sau sinh
- Phòng ngừa hậu sản cho mẹ
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Thai phụ sinh mổ có thể phải đối mặt với biến chứng gì sau sinh? Có cách nào phòng tránh/ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực này không?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Thai phụ sau sinh mổ phải đối mặt với nhiều biến chứng như nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng đường tiết niệu, chấn thương phẫu thuật do chạm phải các cơ quan lân cận, băng huyết sau sinh, liệt ruột, bung vết mổ, tăng nguy cơ phát triển các cục máu đông gây thuyên tắc mạch, các tai biến do gây mê hồi sức hoặc thậm chí tử vong do thuyên tắc mạch ối, chảy máu không cầm được. Bên cạnh đó, khi đã trong giai đoạn hồi phục sau sinh mổ, thai phụ vẫn có thể mắc các biến chứng như dính ruột, tắc ruột, lạc nội mạc tử cung sau mổ hoặc nứt vết mổ cũ trong những lần mang thai sau.
Để ngăn chặn các biến chứng nêu trên, sau sinh mổ thai phụ cần được theo dõi và chăm sóc kĩ, đặc biệt là giữ vệ sinh vết mổ, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lí. Sau sinh mổ, thai phụ được khuyến cáo là nên vận động sớm để tăng lưu thông toàn hoàn giúp vết mổ nhanh liền, chống dính ruột, nghẽn tắc mạch máu và nhanh hồi phục.
Khoảng 4 – 6 tuần sau sinh, thai phụ có thể tham gia các bài tập thể dục trở lại bình thường. Bên cạnh đó, thai phụ nên cho con bú sớm để kích thích tiết sữa, tăng cường miễn dịch cho con bằn sữa non, kích thích co hồi tử cung. Đồng thời thai phụ cũng nên có biện pháp ngừa thai phù hợp theo tư vấn của bác sĩ, theo khuyến cáo thì sau 2-3 năm mới nên có thai tiếp.
Hậu sản là thời kỳ phụ nữ nào sau sinh cũng trải qua (Nguồn ảnh: istockphoto)
Hậu sản sau sinh là gì?
Thời kỳ hậu sản là thời gian kéo dài từ giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ cho đến 6 tuần sau khi sinh. Đây là thời điểm được ví von như là giai đoạn chuyển tiếp của cuộc sống mới đối với em bé, sản phụ và gia đình về thể chất, tâm lý và tình trạng xã hội.
Theo dân gian, người ta coi sản hậu sau sinh là thời kỳ 3 tháng sau khi sinh còn y học hiện đại quan niệm hậu sản là giai đoạn 6 tuần kể từ ngày sinh.
6 tuần sau khi sinh là khoảng thời gian các cơ quan sinh dục (ngoại trừ vú vẫn phát triển để nuôi con) dần trở lại bình thường như trước khi sinh. Mục đích của việc chăm sóc hậu sản sau sinh:
- Đẩy mạnh quá trình phục hồi của cơ thể từ lúc chuyển dạ cho đến lúc lâm bồn
- Hồi phục lại cảm xúc/tâm lý và thể chất
- Theo dõi tình trạng người mẹ trong thời kỳ hậu sản
- Phát hiện những biến chứng liên quan đến tinh thần và bệnh lý để kịp thời can thiệp
- Tuyên truyền, khuyến khích các bà mẹ chăm sóc sức khoẻ bản thân; gắn kết với con
Khám phá thêm:
Những điều về hậu sản sau sinh mà thai phụ sinh mổ nên biết
Dịch tiết âm đạo
Sau khi sinh, sản phụ sẽ bắt đầu rụng lớp màng nhầy bên ngoài lót tử cung khi mang thai. Do đó, sản dịch sẽ ra khá nhiều trong nhiều tuần. Dịch tiết này sẽ có màu đỏ và dòng chảy nặng trong vài ngày đầu. Sau đó sẽ ít dần và chuyển từ màu nâu hồng sang màu trắng vàng.
Dịch tiết âm đạo sau sinh thay đổi thế nào? (Nguồn ảnh: istockphoto)
Các cơn co thắt trong hậu sản sau sinh
Chị em sinh mổ cũng có thể cảm thấy các cơn co thắt, đôi khi được gọi là cơn gò sau, trong vài ngày đầu sau khi sinh mổ.
Những cơn co thắt này thường giống với những cơn đau bụng kinh. Chúng giúp ngăn chảy máu quá nhiều bằng cách nén các mạch máu trong tử cung, gây nên những cơn đau cho mẹ. Các cơn đau này thường gặp khi cho con bú do oxytocin được giải phóng. Hãy hỏi bác sĩ để được kê thêm thuốc giảm đau thích hợp cho sản phụ.
Bầu ngực căng
Một vài ngày sau khi sinh, vú có thể trở nên đầy, căng vì lúc này chúng bắt đầu tạo sữa cho bé bú. Nên cho con bú thường xuyên cả hai bên vú để tránh hoặc giảm thiểu tình trạng căng sữa.
Để giúp em bé dễ ngậm ti, mẹ có thể vắt tay hoặc dùng máy hút sữa để vắt một lượng nhỏ nhỏ trước khi cho bé bú. Nếu cảm thấy khó chịu ở vú, hãy đắp khăn ấm hoặc tắm nước ấm trước khi cho con bú hoặc vắt sữa. Giữa các cữ bú, đặt khăn lạnh lên vùng ngực.
Nếu không cho con bú, hãy mặc áo ngực nâng đỡ bầu ngực để hạn chế khó chịu và đau. Không hút sữa hoặc vắt sữa, điều này sẽ làm cho vú tiết nhiều sữa hơn.
Rụng tóc và làn da thay đổi
Khi mang thai, lượng hormone tăng cao sẽ làm tăng tỷ lệ tóc mọc so với tóc rụng. Kết quả trong quá trình mang bầu, tóc của nhiều thai phụ rất dày và đẹp. Sau khi sinh, lượng hormone thay đổi một lần nữa sẽ khiến mẹ có thể bị rụng tóc đến năm tháng sau đó. Các vết rạn da sẽ không biến mất sau khi sinh nở, nhưng cần thời gian và chăm sóc để mờ dần.
Thay đổi tâm trạng trong quá trình
Sinh con và cuộc sống mới với nhiều bỡ ngỡ khiến chị em có rất nhiều cảm xúc. Nhiều người mới làm mẹ trải qua giai đoạn cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc thay đổi tâm trạng một cách chóng mặt và không thể giải thích được.
Nếu cảm thấy tâm trạng bất ổn nghiêm trọng, chán ăn, mệt mỏi và thiếu niềm vui trong cuộc sống ngay sau khi sinh con, nhiều khả năng mẹ có thể bị trầm cảm sau sinh.
Chăm con là niềm vui của mẹ. Nhưng cũng đừng quên chăm sóc bản thân thật tốt. Chia sẻ cảm xúc của bạn với anh xã, người thân hoặc bạn bè để được giúp đỡ nhé.
Ngoài ra, hãy tìm đến trợ giúp từ những bác sĩ tâm lý có chuyên môn, nếu có thể, để được trợ giúp để mau chóng thoát khỏi chứng trầm cảm mẹ nhé.
Nhiều phụ nữ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh (Nguồn ảnh: istockphoto)
Mẹ đã biết chưa?
Những biến chứng phổ biến trong giai đoạn hậu sản sau sinh
- Băng huyết
- Nhiễm trùng hậu sản
- Những vấn đề về đường tiểu như nhiễm trùng
- Lên máu hậu sản: tình trạng huyết áp mẹ sau sinh bị ảnh hưởng (còn gọi là cao huyết áp sau sinh). Nếu sau khi sinh hơn 12 tuần mà huyết áp của mẹ không trở lại bình thường thì được xác định là cao huyết áp.
- Hậu sản mòn hay còn gọi là hiện tượng phụ nữ sau sinh bị thiếu cân, quá gầy do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không được chăm sóc cẩn thận sau khi sinh bé. Các mẹ bị hậu sản mòn thường có biểu hiện là cơ thể gầy yếu, khó tăng cân, sức đề kháng kém nên dễ mắc các loại bệnh tật. Bên cạnh đó, nếu mẹ bị thiếu cân sau sinh sẽ dễ bị kiệt sức và suy dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn sữa mẹ và sự phát triển của bé.
Phòng ngừa hậu sản sau sinh
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên bác sĩ khoa sản, bệnh viên Từ Dũ cho biết, việc phòng và ngăn ngừa các bệnh hậu sản là rất cần thiết. Cả gia đình và mẹ sau sinh cần:
- Theo dõi sức khỏe của mẹ tối thiểu trong vòng 3 ngày từ khi sinh xong. Các yếu tố cần theo dõi là huyết áp, biểu hiện choáng, sốc, lượng nước tiểu, số lần đi đại tiện, đặc điểm của sản dịch, sắc mặt, màu lưỡi, thể chất và tinh thần sản phụ…
- Chăm sóc cơ thể sau sinh đúng cách: mặc quần áo dài, đi tất, không để quạt chiếu trực tiếp vào người; đánh răng, tắm gội bằng nước ấm
- Ăn uống đúng cách: hạn chế đồ ăn có tính hàn như đồ ăn sống, nước lạnh, đồ ăn có vị chua…, thực phẩm nhiều dầu mỡ…
Trong khi cơ thể đang hồi phục sau sinh mổ, hãy nhớ rằng chị em cũng đang hồi phục sau quá trình mang thai về cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy chú ý đến những thay đổi trên cơ thể mình, trong suy nghĩ và cảm nhận. Và đừng ngần ngại nhờ sự hỗ trợ từ những người xung quanh mẹ nhé.
Nguồn tham khảo: Bí quyết phòng và ngừa bệnh hậu sản – vnexpress
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!