Dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh sẽ mang lại những tác dụng như kháng khuẩn, giúp vết thương mau lành, giảm ho long đờm, trị vết côn trùng đốt, giảm đầy bụng hiệu quả. Khi dùng, mẹ cần lưu ý liều lượng sử dụng cho từng mục đích, hạn chế bôi vào vùng da nhạy cảm của bé và không lạm dụng.
Dầu tràm là gì?
Dầu tràm là loại tinh dầu được chiết xuất từ cây tràm gió (Melaleuca Leucadedron L). Do đó hay còn được gọi là dầu tràm gió. Cây tràm gió mọc thành rừng tự nhiên ở Việt Nam.
Rừng tràm phân bố nhiều ở Thừa Thiên-Huế và rải rác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, vùng Đồng Tháp Mười, Tây Ninh…
Phân tích thành phần hóa học của dầu tràm có rất nhiều chất, nhưng chỉ hai hoạt chất có tác dụng. Đó là:
- Eucalyptol chiếm 42-52%. Tác dụng: sát khuẩn nhẹ, long đàm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm,…
- α-Terpineol chiếm 5-12%. Đây là nguyên liệu dùng để sản xuất nhiều thuốc sát khuẩn và nấm đặc hiệu.
Cách sử dụng dầu tràm cho trẻ sơ sinh đúng đắn là gì?
Phân biệt giữa dầu tràm gió và dầu tràm trà?
Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa dầu tràm gió và dầu tràm trà. Có lẽ do tên gọi tắt đều là “dầu tràm”, nên nhiều người lầm tưởng hai loại này là một. Thực tế, chúng có công dụng hoàn toàn khác nhau.
Tinh dầu tràm gió
Chiết xuất từ cây tràm gió thiên nhiên, tên khoa học là Melaleuca Leucadedron L. Công dụng để trị bệnh: đau nhức, tê thấp, phòng và điều trị cảm cúm và ngạt mũi, chống co thắt, chữa ho, long đờm, giúp tiêu hoá,…
Tinh dầu tràm trà
Tràm trà có tên khoa học là Melaleuca alternifolia Maiden & E. Betche ex Cheel. Tinh dầu tràm Trà được dùng phổ biến trong làm đẹp: giúp trị mụn, sáng da, mờ vết thâm, hạn chế da bóng nhờn, chăm sóc tóc, trị gàu,…
Cách dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh
1. Kháng khuẩn
α-Terpineol là chất chính của cây tràm gió, có thể diệt khuẩn hay kháng nấm rất tốt. Vì thế, mẹ có thể bôi hay thoa dầu tràm cho bé để giúp loại bỏ nấm hay những vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
2. Giúp vết thương nhanh lành
Mẹ có thể thoa hoặc bôi vào những vết thương do bị thủy đậu, phát ban hay mụn nhọt, hoặc côn trùng cắn… Cách này sẽ giúp làm mờ sẹo, hồi phục tổn thương nhanh chóng trên da bé. Đồng thời cũng giúp ngăn ngừa khỏi những nhiễm trùng có hại.
3. Long đờm, giảm ho hiệu quả
Dầu tràm có thể dùng để trị cảm lạnh, sổ mũi, ho có đờm cho trẻ. Cách sử dụng: thoa hay bôi một vài giọt dầu tràm vào trước ngực hoặc lên gối khi bé đang ngủ. Hoặc mẹ có thể massage tinh dầu vào chân cho bé để cơ thể luôn được giữ ấm.
4. Giảm ngứa, vết tấy do côn trùng đốt
Eucalyptol trong dầu tràm có khả năng sát khuẩn cũng như giảm đau rất hiệu quả. Vì thế, nếu bé không may bị côn trùng đốt hay cắn, mẹ chỉ cần thoa một vài giọt dầu tràm là bé sẽ giảm bớt đau ngứa và tấy đỏ.
5. Thuyên giảm đầy bụng, rối loạn tiêu hóa
Thành phần Cineol trong dầu tràm có công dụng làm nóng cũng như kích thích giảm bớt những cơn đau. Khi trẻ bị đầy bụng hay khó tiêu hoá, mẹ có thể tham khảo cách dùng như sau.
Nhỏ một vài giọt tinh dầu ra tay rồi nhẹ nhàng massage vùng bụng của bé. Cineol sẽ nhanh chóng thấm vào làn da, đồng thời kích thích tuần hoàn máu hoạt động đều đặn.
Điều này góp phần vào kích thích cả nhu động ruột để thúc đẩy khí ứ hơi dư thừa ra ngoài, giảm dần chứng đầy hơi, khó tiêu cho bé.
Lưu ý về cách dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh
Tốt và nhiều công dụng là thế, nhưng nếu sử dụng không đúng cách hay lạm dụng thì sẽ gây tác dụng không đáng có cho bé.
Liều lượng sử dụng
Mẹ có thể tham khảo liều lượng được khuyến cáo khi dùng dầu tràm cho các bé sơ sinh:
- Pha vào nước tắm: 5 giọt
- Massage: 1 giọt
- Thoa lòng bàn chân: 1 giọt
- Bôi lên những vết muỗi hay côn trùng cắn: 1 giọt
- Hoà với nước khi xông hơi: 3-4 giọt
Hạn chế thoa/bôi vào vùng da nhạy cảm của bé
Những vùng da nhạy cảm hạn chế thoa trực tiếp như: da mặt, đầu, cổ. Massage thì mẹ có thể bôi trực tiếp vào lòng bàn chân, ngực, lưng. Tuy nhiên, mẹ cũng nên quan sát phản ứng của trẻ khi lần đầu sử dụng nhé.
Cách sử dụng dầu tràm cho trẻ sơ sinh: Không lạm dụng
Chỉ sử dụng dầu tràm cho trẻ trong những trường hợp cần thiết. Mẹ không nên sử dụng hàng ngày, vô tội vạ vì không tốt và dễ gây kích ứng cho trẻ.
Từ lâu, dầu tràm được sử dụng rộng rãi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già. Với đặc tính không nóng, không gây phản ứng phụ, dầu tràm được nhiều người lựa chọn trong tủ thuốc của gia đình. Nhưng mẹ cũng nên nhớ cất kỹ chai tinh dầu tràm nhé. Vì bé có thể tò mò và dẫn đến nguy hiểm nếu uống phải.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!