Gần đây kiến ba khoang tấn công khu dân cư, ký túc xá tại TP. HCM làm nhiều người bị thương, vết thương mới chồng vết cũ.
Kiến ba khoang tấn công khu dân cư và ký túc xá
Nhiều sinh viên phản ánh ký túc xá (KTX) khu B – Đại học Quốc gia TP.HCM xuất hiện kiến ba khoang, nhiều nhất là về đêm. Kiến ba khoang tập trung tại các bóng đèn, sau đó di chuyển đến giường chiếu, quần áo, khăn, mùng mền… Dịch tiết của loại kiến này gây ngứa ngáy, khó chịu, viêm da.
1 sinh viên với vết thương do kiến ba khoang gây ra
Cách đây khoảng 15 ngày, bạn N.T.Th. (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) phát hiện vết thương do kiến ba khoang gây ra trên cánh tay, tuy nhiên vết thương cũ chưa lành thì lại tiếp tục xuất hiện vết thương mới nặng hơn.
1 sinh viên tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM cũng phát hiện vết thương có mủ nước trên vai kèm triệu chứng rát, nóng như bị bỏng và rất nhức do kiến ba khoang gây ra.
Trung tâm quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM đã thông báo khuyến cáo các bạn sinh viên lưu ý phòng tránh kiến ba khoang, đồng thời tổ chức phát quang bụi rậm trong khuôn viên ký túc xá và phun thuốc diệt kiến.
Vì sao gần đây những trường hợp viêm da do kiến ba khoang tăng đột biến?
Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng (chủ yếu là kiến ba khoang) tăng đột biến, lên đến 80 – 100 lượt/ngày trong khi các tháng trước gần như không có ca nào.
BS Vũ Thị Phương Thảo (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho hay, các trường hợp bệnh nhân bị thương do kiến ba khoang thường nổi mẩn hồng, có chùm mụn nước, mụn mủ tại 1 hoặc nhiều vị trí vùng da hở trên cơ thể như: mặt, cổ, tay, chân…
Chuyên gia giải thích thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại TP.HCM nên kiến ba khoang xuất hiện nhiều, xâm nhập vào các khu dân cư, KTX… gần cánh đồng lúa, bãi cỏ, vũng nước, công trình đang xây dựng dang dở.
Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong hoạt động nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa tại các vùng ven khiến môi trường sống của côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng dần mất đi, buộc chúng phải xâm nhập vào các khu dân cư.
Xử lý thế nào với vết thương do kiến ba khoang gây ra?
Kiến ba khoang chứa dịch tiết độc nên tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, bỏng da tùy theo lượng độc chất xâm nhập qua da. Tác nhân gây viêm da là độc chất trong dịch có trong thân kiến ba khoang, gây ngứa rát, đỏ cộm, mụn nước nếu đập kiến và làm thân kiến vỡ ra.
Khi dính phải dịch tiết của kiến ba khoang, tuyệt đối không nên sờ hoặc nặn vì rất dễ làm vết thương lan rộng và nhiễm trùng. Tổn thương ít tại 1 vùng trên cơ thể cần được rửa sạch sau đó bôi thuốc tại chỗ.
Trong trường hợp nặng hơn người tiếp xúc với dịch tiết của kiến cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị hợp lý. Thời gian điều trị khoảng từ 7-10 ngày. Sau điều trị chỉ để lại vết thâm, khó hình thành vết sẹo (ngoại trừ cào gãi mạnh tay, gây tổn thương lớp hàng rào bảo vệ da). Riêng một số người có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, nếu vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn.
Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân có thể dùng đèn ánh sáng vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng trắng. Bên cạnh đó, cần ngủ trong màn, sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra – vào, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà. Đối với những người làm vườn, đồng ruộng cần mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Theo tuoitre
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!