Đau bụng 3 tháng giữa thai kỳ là hiện tượng luôn khiến các mẹ bầu hoang mang và lo lắng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Có ảnh hưởng đến mẹ và bé hay không? Hãy cùng theAsianParent tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
3 tháng giữa thai kỳ được cho là giai đoạn lý tưởng nhất khi mang bầu. Bởi lúc này thai phụ đã không còn cảm giác ốm nghén và mệt mỏi, cũng như đã quen với việc có một sinh linh bé nhỏ đang lớn lên từng ngày trong cơ thể mình. Dù vậy, bất kỳ một dấu hiệu nhỏ nào cũng có thể tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, đặc biệt là hiện tượng đau bụng trong các giai đoạn mang thai.
Nguyên nhân dẫn đến đau bụng 3 tháng giữa thai kỳ
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho mẹ bầu cảm thấy đau bụng trong giai đoạn 3 tháng giữa nói riêng và cả thai kỳ nói chung.
- Thai nhi trong bụng mẹ đang lớn dần, dẫn đến tử cung co dãn hoặc cũng có thể do mẹ ăn quá no và bị khó tiêu. Đây là nguyên nhân thông thường, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
- Nguyên nhân thứ hai có thể đến từ hiện tượng táo bón khi mang thai. Cụ thể, trong giai đoạn này, tử cung phát triển gây nên sự chèn ép đến ruột, khiến khả năng hoạt động của ruột bị hạn chế, dẫn đến mẹ bị táo bón và cảm thấy đau bụng.
- Sự phát triển của tử cung còn khiến cho dây chằng của các liên kết khớp xương bị kéo căng. Khi mẹ thay đổi tư thế đột ngột dây chằng sẽ bị căng lên làm vùng bụng dưới bị đau âm ỉ. Tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài đến 3 tháng cuối thai kỳ.
- Bong màng nuôi, bong nhau thai hay bong tách túi thai cũng là nguyên nhân khiến mẹ đau bụng trong giai đoạn này. Cơn đau có khi chỉ âm ỉ, nhưng có lúc lại dữ dội kèm theo xuất huyết âm đạo. Đây là một dạng tai biến sản khoa nguy hiểm, mẹ cần nhanh chóng đếm gặp bác sĩ để thăm khám.
- Đau bụng khi mang thai 3 tháng giữa còn có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng đường tiểu. Mẹ sẽ đau ở vùng bụng dưới, trên xương mu và có cảm giác khó chịu khi đi tiểu.
Nên làm gì khi đau bụng khi mang thai?
Khi có hiện tượng đau bụng 3 tháng giữa thai kỳ, đầu tiên mẹ bầu cần bình tĩnh xem xét nguyên nhân do đâu, mức độ đau như thế nào để đưa ra cách xử trí phù hợp. Hãy tạm dừng mọi việc để nghỉ ngơi và ổn định lại sức khỏe.
Tuy nhiên, đối với trường hợp đau bụng dữ dội kèm theo những biểu hiện bất thường như ra máu, mẹ bầu cần đến gặp ngay các bác sĩ chuyên khoa để theo dõi và tìm ra nguyên nhân thực sự.
Trong sinh hoạt thường ngày, thai phụ cần hạn chế ngồi khom lưng, không vận động mạnh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh vùng kín để tránh bị viêm nhiễm âm đạo, vì đó cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau bụng khi mang thai.
Ngoài ra, mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để thai nhi được phát triển một cách tốt nhất. Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để không bị táo bón dẫn đến tình trạng đau bụng.
Những điều cần lưu ý khi mang thai 3 tháng giữa
Bên cạnh những điều cần biết về hiện tượng đau bụng 3 tháng giữa thai kỳ, nắm rõ một số lưu ý dưới đây sẽ giúp đảm bảo sức khỏe toàn diện của mẹ và bé trong giai đoạn này.
Chóng mặt
Tình trạng này xảy ra rất phổ biến ở mẹ bầu mang thai 3 tháng giữa, đặc biệt là khi nằm ngửa. Nguyên nhân chính là do trọng lượng của thai nhi ép lên các tĩnh mạch mang máu, khiến cho phần máu dưới cơ quay ngược lên tim.
Chóng mặt có thể làm cho bà bầu bị ngất, vì thế khi cảm thấy khó chịu trong người, bạn không nên nằm ngửa. Thay vào đó, hãy nằm nghiêng sang bên trái, hoặc kê một chiếc gối bên hông.
Khó thở
Trong kỳ tam cá nguyệt thứ hai này, thai nhi ngày một lớn dần sẽ chèn ép lên lồng ngực và phổi, khiến cho mẹ bầu cảm thấy rất khó thở. Nếu tình trạng này liên tục diễn ra, mẹ phải thở nhanh, thở gấp thì nên sớm đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Vận động nhẹ nhàng giúp hạn chế đau nhức lưng
Từ 3 tháng giữa trở đi, mẹ bầu sẽ thường xuyên cảm thấy đau nhức vùng lưng. Cách để hạn chế hiện tượng này chính là tích cực vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội,… Những hoạt động này sẽ giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
Nghe nhạc thường xuyên
Ở giai đoạn 3 tháng giữa, bé đã có thể cảm nhận được những tác động từ bên ngoài. Vì thế, mẹ đừng quên bật những bản nhạc nhẹ nhàng, êm ái để kích thích sự phát triển của con. Ngoài ra, nếu mẹ bầu thường xuyên mất ngủ, việc nghe nhạc và uống thêm một cốc sữa pha mật ong sẽ rất tốt đấy.
Chăm sóc rạn da đúng cách
Đây cũng là thời kỳ mà các vùng bụng, vùng mông,… của thai phụ bắt đầu xuất hiện tình trạng rạn da. Để hạn chế tình trạng này một cách hiệu quả nhất, bạn có thể chăm sóc, massage nhẹ nhàng vùng da bị rạn với tinh dầu dừa hoặc sử dụng các loại kem chống rạn chuyên cho bà bầu. Lưu ý, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Đau bụng 3 tháng giữa thai kỳ là hiện tượng không quá hiếm thấy ở các mẹ bầu, song đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo mẹ và bé đang gặp những vấn đề về sức khỏe. Các mẹ hãy đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, cũng như đến gặp bác sĩ khi có triệu chứng lạ để đảm bảo thai nhi được phát triển một cách khỏe mạnh nhất nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!