Có bầu đau bụng dưới có thể được xem là bình thường trong quá trình thai nhi phát triển trong bụng mẹ. Hầu hết các trường hợp đều vô hại, nhưng đôi khi cũng là một “báo động đỏ”. Để chuẩn bị cho một hành trình mới, các mẹ nên bổ sung kiến thức cho bản thân. Nhất là kiến thức về các vấn để tiềm ẩn để có thể nhận ra dấu hiệu nào là đáng lo ngại.
Nguyên nhân có bầu đau bụng dưới trong 3 tháng đầu
Trứng làm tổ trong tử cung
Khi trứng được thụ tinh, phôi thai sẽ tiến đến tử cung để làm tổ. Trong quá trình làm tổ , phôi nang trứng bám vào niêm mạc tử cung, đây là nguyên nhân khiến mẹ cảm thấy đau bụng và căng tức bụng. Đồng thời, sẽ xuất hiện một vài giọt máu, hay còn được gọi là máu báo thai.
Mang thai ngoài tử cung
Thai nằm ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài. Các vị trí thai ngoài tử cung có thể làm tổ bao gồm:
- Thai nằm ở vòi tử cung: trường hợp thai ngoài tử cung hay gặp nhất
- Thai nằm ở buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng, vòi tử cung.
Mang thai ngoài tử cung là một trường hợp nguy hiểm, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay. Ngoài việc đau bụng dưới, hiện tượng này có những dấu hiệu khác là chảy máu âm đạo, đau vai, chóng mặt và ngất xỉu. Bác sĩ sẽ thực hiện việc chẩn đoán bằng siêu âm và xét nghiệm máu.
Sẩy thai
Có bầu đau bụng dưới khi sẩy thai thường kèm theo co thắt, âm đạo chảy máu và giảm đột ngột các triệu chứng mang thai. Chảy máu sẩy thai kéo dài nhiều ngày và ngày một nặng dần, kèm theo cục máu đông. Đây là hiện tượng nghiêm trọng, hãy bình tĩnh và liên hệ ngay với bác sĩ bạn nhé.
Có bầu đau bụng trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ
Dãn dây chằng
Có một hệ thống dây chằng và mô dày bao quanh tử cung và bụng của bạn, trong đó có dây chằng tròn. Dây chằng này trải dài từ phần trước của dạ con đến bẹn của bạn. Sự gia tăng của kích thước tử cung khi thai nhi lớn khiến cho hệ thống dây chằng liên tục căng dãn và dầy lên. Sự kéo căng này sẽ khiến bụng dưới bạn bị căng tức và đau. Các cơn đau thường xuất hiện bên phải bụng, nhưng một số người lại cảm thấy đau cả hai bên.
Cơn gò Braxton Hicks gây đau bụng dưới
Vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, những cơn gò xuất hiện báo hiệu cơ thể bạn đang khởi động cho việc chuyển dạ. Các cơn co thắt Braxton Hicks tương đối ngắn (chỉ vài giây đến vài phút) và không đều. Đây là hiện tượng chuyển dạ giả và tử cung sẽ không nở rộng. Hãy uống đủ nước vì thiếu nước cũng là nguyên nhân gây nên cơn gò Braxton Hicks. Bạn có thể đổi vị trí ngồi hay nằm xuống, điều này sẽ giúp những cơn đau giảm dần.
Bong nhau thai
Khi nhau thai tách (một phần hoặc hoàn toàn) khỏi tử cung trước khi em bé chào đời, sẽ gây đau bụng dữ dội và dai dẳng cũng như đau lưng và chảy máu âm đạo. Trường hợp này rất nguy hiểm cho mẹ và bé. Hãy đến ngay bệnh viện. Bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi.
Chuyển dạ sinh con
Đây là những cơn đau bụng dưới hạnh phúc, vì chúng báo hiệu bé yêu sắp sửa chào đời. Mẹ bầu đau bụng dưới chuẩn bị sinh thì cơn đau ngày càng dày hơn và cường độ đau tăng lên. Thêm vào đó, bụng cũng sẽ căng cứng và những cơn gò sẽ đều đặn không ngừng cho đến khi bé cất tiếng khóc chào đời.
Các nguyên nhân khác gây đau bụng dưới khi mang thai
Ngoài những nguyên nhân thường gặp trên, có vài lý do khác mà mẹ bầu cũng nên để tâm. Đau bụng dưới cũng có thể là do virus dạ dày, sỏi thận, u xơ tử cung,…
Có bầu đau bụng dưới có thể là hiện tượng phổ biến. Nhưng mẹ bầu không nên chủ quan mà phải theo dõi thật kỹ. Nếu có những dấu hiệu khác kèm theo như chảy máu âm đạo, nôn, sốt,…thì hãy tìm ngay đến bác sĩ để được tư vấn và can thiệp sớm trong trường hợp xấu.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!