Thời gian nghỉ thai sản luôn là một vấn đề mà các chị em lao động nữ quan tâm ngay từ khi có ý định sinh con. Thời điểm tính nghỉ sinh cũng khác nhau đối với từng mẹ bầu.
Nội dung bài viết:
- Cách tính thời gian nghỉ sinh theo quy định hiện hành
- Nghỉ thai sản có phải chỉ dành cho mẹ đã sinh con?
- Ai là đối tượng được nghỉ hộ sản?
- Mẹ mất con hoặc con mất mẹ thì có thời gian nghỉ thai sản không?
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định rõ về cách tính cho từng trường hợp. Tuy nhiên, theo từng năm luôn có một số điểm sửa đổi, bổ sung mang lại nhiều lợi ích hơn cho lao động nữ nên các chị em có ý định hoặc đang mang thai cũng cần phải nắm bắt kịp thời chế độ thai sản hiện hành để không bỏ lỡ quyền lợi chính đáng của mình nhé.
1. Cách tính thời gian nghỉ sinh theo quy định hiện hành
Nhiều lao động nữ thường hiểu nôm na thời gian nghỉ thai sản tức là thời gian nghỉ sau khi mẹ đã sinh con. Hiểu như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Thời gian nghỉ thai sản không phải chỉ được tính từ sau khi sinh mà trong thời kì mang thai lao động nữ cũng đã có thời gian nghỉ theo chế độ như đi khám thai hay tĩnh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ nếu thai nhi có vấn đề.
Từ năm 2018, chế độ nghỉ thai sản bắt đầu có hiệu lực ngay trong ngày đầu tiên lao động nữ biết mình có thai. Kể cả trong thời gian đang thai nghén thì mẹ cũng được BHXH trả lương đầy đủ cho 5 lần đi khám thai trong suốt thai kì. Mỗi lần đi khám thai, lao động nữ được nghỉ 1 ngày.
Đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có điều kiện y tế đảm bảo hoặc những trường hợp thai nhi có dấu hiệu bất thường cần theo dõi thì số ngày nghỉ cho mỗi lần khám thai là 2 ngày.
Trường hợp muốn nghỉ thêm sau khi kết thúc thời gian nghỉ sinh theo quy định, lao động nữ cần thỏa thuận với đơn vị tuyển dụng để được giải quyết và sẽ không được hưởng lương trong thời gian nghỉ thêm. Riêng đối với những mẹ không nghỉ hết 6 tháng mà có nguyện vọng quay lại làm việc sớm thì ngoài chế độ trợ cấp thai sản sẽ được tính công lao động theo mức lương hiện hưởng cho những ngày đã làm việc. Tuy nhiên quy định về đi làm trước thời hạn sau khi sinh con đã được thay đổi lên ít nhất 4 tháng.
2. Nghỉ thai sản có phải chỉ dành cho mẹ đã sinh con?
Ngay khi em bé chào đời, mỗi lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Đối với người sinh đa thai thì từ đứa con thứ 2 trở đi, cứ mỗi đứa con, người đó sẽ được tính thêm 1 tháng vào thời gian nghỉ thai sản. Riêng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa là không quá 2 tháng.
Tuy nhiên, có những trường hợp trong thời gian mang thai không may xảy ra biến chứng sản khoa như sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc bắt buộc phải đình chỉ thai kỳ do bệnh lý thì lao động nữ vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.
Luật cũng đã quy định cụ thể thời gian nghỉ việc tối đa là 10 ngày đối với thai dưới 5 tuần tuổi, 20 ngày nếu thai từ 5 đến dưới 13 tuần, 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi, 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ tính cả các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và nghỉ hàng tuần.
Mẹ cũng cần lưu ý, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản tương đương 6 tháng, khi trở lại làm việc lao động nữ vẫn được nghỉ thêm theo quy định là 5 ngày/năm đối với sinh thường, tối đa 7 ngày/năm đối với sinh mổ và không quá 10 ngày/năm khi sinh đa thai.
3. Ai là đối tượng được nghỉ hộ sản?
Trường hợp được nhắc đến ở đây là người chồng của thai phụ khi sinh con. Theo chế độ nghỉ thai sản mới nhất, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con sẽ được nghỉ từ 5 đến 14 ngày, trong đó có 5 ngày nghỉ khi vợ sinh thường, con đủ tuần tuổi. Nếu vợ sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc phải phẫu thuật thì được phép nghỉ 7 ngày.
Đối với gia đình có con sinh đôi, bố sẽ được nghỉ 10 ngày công, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con người bố sẽ được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Riêng ở trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì người chồng được nghỉ tối đa 14 ngày làm việc.
Nếu mẹ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì bố hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi con đủ 6 tháng tuổi và nếu bố hay người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc thì ngoài tiền lương sẽ được hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của mẹ theo quy định.
Thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nam được tính trong khoảng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con.
4. Mẹ mất con hoặc con mất mẹ thì có thời gian nghỉ thai sản không?
Căn cứ Luật BHXH năm 2014 đang được áp dụng, trong thời gian nghỉ thai sản sau sinh, nếu con chưa được 2 tháng tuổi mà không may qua đời thì mẹ được nghỉ 4 tháng tính từ ngày sinh con. Nếu bé mất khi được từ 2 tháng tuổi trở lên thì mẹ được nghỉ làm việc trong 2 tháng tính từ ngày con mất. Tuy nhiên, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không được vượt quá thời gian quy định.
Theo quy định của pháp luật, nếu cả bố và mẹ đều đang tham gia BHXH mà mẹ qua đời sau khi sinh hoặc gặp rủi ro không đủ sức khỏe để nuôi con (có xác nhận hợp pháp) thì người bố được phép nghỉ việc hưởng thời gian nghỉ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Mang thai và sinh con là thiên chức cao quý của mỗi người mẹ. Với tư cách là một người mẹ và lao động hợp pháp, nơi bạn đang làm việc cần đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ thai sản và thời gian nghỉ sau sinh, giúp bạn có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc tốt nhất cho thiên thần nhỏ của gia đình cũng như có thêm động lực khi quay trở lại công việc với phong độ ổn định nhất để xứng đáng là những người phụ nữ “Giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!