Lịch khám thai 3 tháng giữa gồm những mốc quan trọng nào? Mẹ bầu cần lưu ý những xét nghiệm gì để đảm bảo thai nhi được khỏe mạnh trong suốt thai kỳ? Giải đáp từ bác sĩ sản khoa dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về việc khám thai trong tam cá nguyệt thứ 2.
Thai 3 tháng giữa đang phát triển như thế nào?
Tam cá nguyệt thứ 2 được tính từ tuần thứ 14 đến 27 thai kỳ. Ở giai đoạn này, thai nhi có những thay đổi rõ rệt theo từng ngày. Lúc này, thai nhi sẽ có cân nặng từ 42 gam (ở tuần 14) đến 8875 gam (ở tuần 27).
Vào 3 tháng giữa thai kỳ, các dấu vân tay nhỏ của bé đã hình thành. Mỗi tuần trôi qua, xương của thai nhi cũng cứng hơn và tiếp tục phát triển khả năng nghe. Người mẹ cũng sẽ cảm nhận thấy những chuyển động của bé từ khoảng tuần thứ 18-20 thai kỳ.
Lịch khám thai 3 tháng giữa dành cho mẹ bầu
Khám thai định kỳ là việc làm rất cần thiết để theo dõi quá trình mang thai và kịp thời phát hiện các bệnh tiềm ẩn của thai nhi và mẹ bầu.
Ngoài ra, bác sĩ, Th.S Đoàn Châu Quỳnh – trưởng khoa Phụ sản, bệnh viện Quốc tế Vũ Anh cũng cho biết “Việc khám thai theo đúng lịch trình là để bảo đảm quản lý thai an toàn đến lúc sinh, và cuộc sinh sẽ tránh được những biến chứng nặng nề như băng huyết sau sinh, tử vong mẹ con”.
Bà bầu nên khám định kỳ theo 3 quý: quý 1 từ lúc bắt đầu mang thai đến hết 13 tuần, quý 2 từ 14 đến 27 tuần, và quý 3 từ 28 tuần trở đi. Mỗi lần thăm khám sẽ giúp chị em theo dõi được sự phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn, kiểm soát sức khỏe của mẹ.
Trong 3 tháng giữa, những mốc khám quan trọng mà mẹ bầu cần ghi nhớ bao gồm:
Mốc khám thai từ tuần 16-22
Mẹ bầu sẽ được tiếp tục thực hiện các kiểm tra thường quy như: cân nặng, huyết áp, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu,…để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Nếu chưa được thực hiện xét nghiệm Double test, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test, đây là loại xét nghiệm máu được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 – 20 của thai kỳ.
Trường hợp mẹ đã thực hiện các xét nghiệm trước đó và cho thấy thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm chọc ối vào khoảng giữa tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ.
Lịch kiểm tra từ tuần 22-28
Các chỉ số mẹ bầu cần được theo dõi và kiểm tra trong khoảng thời gian này sẽ bao gồm:
– Kiểm tra cân nặng
– Đo huyết áp
– Khám thai: Đo khoảng cách từ đỉnh tử cung xuống xương mu để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tim thai
– Xét nghiệm nước tiểu
– Siêu âm để quan sát sự phát triển của thai. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối
– Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: Bằng nghiệm pháp dung nạp glucose để kịp thời phát hiện đái tháo đường thai kỳ và can thiệp bằng cách thay đổi chế độ ăn, lối sống và có thể dùng thêm insulin
– Tiêm vắc xin uốn ván VAT mũi đầu tiên
Với các mốc khám như trên, mẹ bầu cần chủ động đặt hẹn và theo dõi, ghi nhớ ngày đi khám thai chính xác.
Mẹ bầu cần lưu ý những gì khi đi khám thai 3 tháng giữa
Thông thường một lần siêu âm sẽ được thực hiện theo lịch khám thai định kỳ. Mẹ bầu nên lưu ý những điều sau đây để giúp bác sĩ thực hiện được siêu âm rõ ràng và chính xác hơn như:
– Đi tiểu thật sạch trước mỗi lần thực hiện siêu âm thai kỳ.
– Trong một số trường hợp thai nhi nằm không đúng tư thế như tư thế nằm úp sẽ khó đo độ mờ da gáy. Khi đó bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ ngồi dậy chờ hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 15-20 phút với mục đích để cho thai nhi có thời gian xoay đổi tư thế.
Ngoài ra, đi khám thai theo đúng định kỳ cũng là một trong các yếu tố quan trọng để kết quả siêu âm được chính xác nhất.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!