Khám thai vào những thời điểm nào là cần thiết? Trong suốt thai kỳ, phụ nữ mang thai cần khám thai vào một số mốc thời gian nhất định. Bác sỹ sẽ kiểm tra sức khỏe của cả 2 mẹ con và cung cấp các thông tin hữu ích cho thai phụ. Ví dụ chế độ ăn uống, những điều cần thiết khi mang thai, và giải đáp những thắc mắc liên quan tới thai nghén.
Dưới đây là một số mốc quan trọng mà mẹ cần nhớ:
Khám thai lần đầu
Ngay khi phát hiện mình mang thai, mẹ bầu nên tới khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Họ sẽ cung cấp cho bạn thông tin về:
- bổ sung axit folic
- dinh dưỡng, chế độ ăn uống và thực phẩm trong thai kỳ
- ảnh hưởng của yếu tố lối sống – như hút thuốc, uống rượu và sử dụng chất kích thích
- các xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh – bao gồm sàng lọc bệnh hồng cầu hình liềm và bệnh rối loạn máu, các bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm và sàng lọc hội chứng Down. Rủi ro, lợi ích và giới hạn của các xét nghiệm này. Việc khám sàng lọc bệnh hồng cầu hình liềm và rối loạn máu nên được thực hiện trước mốc 10 tuần.
Những xét nghiệm và thăm khám thường quy cần được thực hiện trong thời gian mang thai. Nhờ vậy những rủi ro sẽ được phát hiện và can thiệp sớm nhất có thể.
Mẹ bầu cần cung cấp một số thông tin quan trọng cho bác sĩ nếu:
- có bất kỳ biến chứng hoặc nhiễm trùng nào trong lần mang thai hoặc sinh đẻ trước đó, chẳng hạn như tiền sản giật hoặc sinh non
- đang điều trị một căn bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường hoặc cao huyết áp
- mẹ bầu hoặc bất kỳ ai trong gia đình từng có bé bị dị tật – ví dụ, bệnh nứt đốt sống
- có tiền sử gia đình bệnh di truyền – ví dụ, tế bào hình liềm hoặc xơ nang
- Nếu mẹ bầu biết mình hoặc cha đứa trẻ có gien bệnh tế bào hồng cầu hình liềm
- Mẹ bầu sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc tinh trùng từ người hiến tặng
Từ 8 đến 10 tuần
Mẹ bầu nên đi khám càng sớm càng tốt ở những tuần đầu tiên để có được những thông tin cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Mẹ bầu sẽ được tư vấn:
- Sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ
- Dinh dưỡng và chế độ ăn uống
- Hoạt động thể chất khi mang thai
- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh
- Chăm sóc sức khỏe thai phụ
- Phương pháp cho con bú
- Kiến thức tiền sản
- Phúc lợi thai sản
Các bác sĩ sẽ:
- xác định bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào có thể ảnh hưởng tới thai kỳ
- đo chiều cao và cân nặng, và tính chỉ số khối cơ thể (BMI)
- đo huyết áp và kiểm tra nồng độ protein trong nước tiểu
- tìm hiểu xem mẹ bầu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ hay tiền sản giật hay không
- cung cấp các xét nghiệm sàng lọc và đảm bảo bạn hiểu rõ trước khi quyết định có bất kỳ xét nghiệm nào
- siêu âm để ước tính ngày dự sinh
11 đến 14 tuần
Mẹ bầu sẽ được siêu âm để kiểm tra sự phát triển thể chất thai nhi. Đây cũng là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán 1 số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây nên các căn bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành v.v…
Siêu âm giai đoạn này cũng giúp phát hiện 1 số dị tật khác như thai vô sọ, khe hở thành bụng, không xương mũi …Ngoài ra, thai phụ còn được chỉ định làm xét nghiệm Doule Test để tầm soát thêm các bất thường bẩm sinh khác ở thai nhi.
16 tuần
Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin về siêu âm bất thường có thể được thực hiện lúc thai 18-20 tuần. Mẹ bầu sẽ được:
- đo huyết áp và kiểm tra protein trong nước tiểu
- xem xét bổ sung sắt nếu bị thiếu máu
18-20 tuần
Mẹ bầu sẽ được khám siêu âm để kiểm tra sự phát triển thể chất của em bé. Mục đích chính của việc này là kiểm tra xem liệu thai nhi có bất thường về thể chất nào không.
Khám sàng lọc HIV, giang mai và viêm gan B cho những phụ nữ chưa thực hiện những xét nghiệm này.
Từ 20 tuần, mẹ bầu sẽ được chủng ngừa bệnh ho gà. Thời điểm tốt nhất để chích ngừa ho gà là trước 32 tuần.
22-23 tuần
Mốc khám thai này đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát lại các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đây là thời điểm mà các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng sẽ được phát hiện thông qua khám siêu âm. Mọi đình chỉ thai nghén thường được chỉ định thực hiện trước tuần thứ 28 của thai kỳ, do đó mẹ bầu cần nhớ mốc thời gian này để đi khám đúng lịch.
25 tuần
Mẹ bầu có thể cần khám thai vào tuần này nếu đây là lần mang thai đầu tiên. Các kiểm tra thường là:
- Đo kích thước tử cung
- Đo huyết áp và nồng độ protein trong máu
28 tuần
- Kiểm tra kích thước tử cung
- Đo huyết áp và nồng độ protein trong máu
- Cung cấp nhiều xét nghiệm sàng lọc hơn
- Xem xét bổ sung sắt nếu bạn thiếu máu
31 tuần
Các bác sĩ sẽ xem xét, thảo luận về kết quả xét nghiệm sàng lọc từ cuộc hẹn trước. Các kiểm tra trong tuần này:
- đo kích thước tử cung
- đo huyết áp và kiểm tra protein trong nước tiểu
Tại thời điểm này, thai phụ được siêu âm để phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung – 1 trong những nguyên nhân gây suy thai va ngạt sau sinh v.v … Đồng thời, các xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu cũng được tiếp tục chỉ định ở giai đoạn này.
Tuần thứ 31 – 32 của thai kỳ cũng là lúc mẹ bầu sẽ được tiêm ngừa vắc xin uốn ván để bảo vệ hai mẹ con.
34 tuần
Thời điểm này bác sĩ sẽ cung cấp thông tin giúp mẹ bầu chuẩn bị cho việc sinh nở. Mẹ bầu sẽ được hướng dẫn cách nhận biết cơn chuyển dạ, cách đối phó với cơn đau trong chuyển dạ.
Mẹ bầu tiếp tục được kiểm tra:
- Kích thước tử cung
- đo huyết áp của bạn và kiểm tra protein trong nước tiểu
- Bác sĩ có thể cung cấp các thông tin về sinh mổ, vì khoảng ¼ phụ nữ sẽ phải chọn cách sinh này.
36 tuần
Thời điểm này bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm màu nhằm theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn …Thai nhi được đo tim thai và chuyển động thai.
Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng của bé lúc sinh và sẽ có các tư vấn về dinh dưỡng nếu trọng lượng thai nhi không đủ chuẩn cân nặng. Bác sĩ cũng cung cấp thông tin nuôi con bằng sữa mẹ, cách chăm sóc trẻ sơ sinh, sức khỏe mẹ bầu sau sinh, tình trạng trầm cảm sau sinh.
38 tuần – 40 tuần
Bác sĩ tiếp tục thực hiện kiểm tra sức khỏe mẹ bầu ở những tuần cuối thai kỳ để đảm bảo cả mẹ và thai nhi đều đang khỏe mạnh.
Khám thai định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ sản khoa sẽ giúp quá trình mang thai và sinh nở của chị em an toàn hơn. Để biết thêm các thông tin hữu ích về thai kỳ, hãy truy cập Theasianparent các mẹ nhé!
Hangfah (tổng hợp)
Theo: https://vn.theasianparent.com
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!