Xét nghiệm Double test, là một trong những xét nghiệm quan trọng và cần thiết đối với thai phụ. Xét nghiệm này được thực hiện bằng phương pháp lấy máu, sau đó cho ra kết quả chỉ số cần xét nghiệm kết hợp với chỉ số mờ da gáy khi siêu âm để tính ra nguy cơ bệnh của thai. Vậy xét nghiệm này có ý nghĩa như thế nào?
Tại sao phải làm xét nghiệm Double test?
Xét nghiệm double test
Double test là xét nghiệm được chỉ định ở tất cả các thai phụ có thai trong quý đầu (giữa tuần thứ 9 đến hết tuần thứ 13). Đặc biệt là bắt buộc làm đối với những thai phụ:
- có tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh
- thai phụ trên 35 tuổi
- đang sử dụng thuốc hoặc các hóa chất có thể gây hại cho thai
- bị bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin
- bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai
- có tiếp xúc với phóng xạ liều cao.
Trong trường hợp thai có độ mờ da gáy gần giá trị ngưỡng 3mm nên làm Double test để giúp đánh giá chính xác hơn nguy cơ hội chứng Down.
Xét nghiệm Double test cho phép xác định nguy cơ mắc các dị tật của: Hội chứng Down (thừa NST 21), hội chứng Trisomy 18 (thừa NST 18) và hội chứng Trisomy 13 (thừa NST 13).
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm Double Test là gì?
Xét nghiệm này không khẳng định thai nhi bình thường hay bất thường về các dị tật ở trên mà chỉ xác định nguy cơ thai nhi mắc các dị tật này là cao hay thấp. Một kết quả nguy cơ cao không có nghĩa là thai nhi có dị tật và ngược lại một kết quả nguy cơ thấp không khẳng định thai nhi bình thường.
Quy trình xét nghiệm double test gồm những bước gì?
- Khi đi làm xét nghiệm này thai phụ có cần nhịn ăn?
Với xét nghiệm này thai phụ không cần phải nhịn ăn.
- Thực hiện xét nghiệm này có an toàn với thai nhi và thai phụ?
Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch của người mẹ do đó hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Xét nghiệm chỉ lấy một lượng máu rất nhỏ (khoảng 2ml) nên cũng không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai phụ.
- Khi đi làm xét nghiệm double test và triple test thai phụ cần chuẩn bị những gì?
– Thai phụ cần mang theo các kết quả siêu âm.
– Phải biết được tuần thai để lựa chọn xét nghiệm cho đúng. Không đi làm xét nghiệm khi thai < 11 tuần, từ 14 tuần đến 14 tuần 6 ngày.
Kết quả dương tính có nên đình chỉ thai kỳ?
Double test không phải là xét nghiệm chẩn đoán, chỉ là xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ dị tật thai của hội chứng Down, hội chứng Edwards và hội chứng Patau.
Kết quả xét nghiệm chỉ trả lời là thai có nguy cơ cao hay nguy cơ thấp mắc các hội chứng trên, vì vậy những thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh ở mức ranh giới (borderline risk) nên tiếp tục được chỉ định làm Triple test để đánh giá mức độ nguy cơ rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng nên lưu ý, Double test không có khả năng giúp sàng lọc tất cả các dị tật bẩm sinh, nghĩa là không thể sàng lọc tất cả các dị tật khác của nhiễm sắc thể. Nó chỉ có thể cảnh báo rằng hiện tại thai có nguy cơ cao đối với một số dị tật trên và cần phải chẩn đoán xác định bằng chọc ối để phân tích bộ nhiễm sắc thể (sử dụng kỹ thuật Karyotype, Prenatal-BoBs..).
Tuy nhiên trong trường hợp thai có nguy cơ thấp cũng không khẳng định được hoàn toàn là thai không mắc các hội chứng trên do xét nghiệm Double test chỉ có tỷ lệ phát hiện là 86% và dương tính giả là 5%, do vậy thai phụ vẫn cần phải được theo dõi thai định kỳ tại các cơ sở y tế.
Chi phí thực hiện xét nghiệm Double test
Tùy thuộc vào mỗi đơn vị, cơ sở mà mẹ bầu làm xét nghiệm có những mức chi phí sàng lọc Double test khác nhau. Với mức giá giao động từ 400 nghìn đồng – 1 triệu đồng. Hiện nay, có rất nhiều bệnh viện lớn và các phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện phương pháp sàng lọc này. Mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện sàng lọc để có một kết quả sàng lọc chính xác nhất.
Mách mẹ một vài địa chỉ xét nghiệm double test uy tín
- Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh – Bệnh viện phụ sản Hà Nội
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội
- Trung tâm chẩn đoán trước sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Địa chỉ: Tầng 3 nhà H, Bệnh viện Phụ sản Trung ương – Số 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Khoa Phụ sản – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: Tầng 3 nhà Nhật – Bệnh viện Bạch Mai – Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
- Phòng khám BS Nguyễn Thị Song Hà. Địa chỉ: 13A Đống Đa F2, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Hùng Vương – 128 Hồng Bàng, phường 12 Quận 5, TPHCM.
Theo theAsianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!