Có nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi không? Đa số cho rằng không nên cho trẻ dùng gia vị đặc biệt là muối khi chưa đủ 1 tuổi. Còn một số mẹ lại cho rằng, việc nêm nếm gia vị vào đồ ăn dặm của các bé sẽ giúp bé cảm thấy ngon miệng hơn, dễ ăn và ăn nhiều hơn, đồng thời cũng không thấy ảnh hưởng gì.
Nội dung bài viết:
- Tìm hiểu về giai đoạn ăn dặm
- Có nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu bé nạp quá nhiều muối?
- Một số lưu ý khác cho mẹ khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ
Tìm hiểu về giai đoạn ăn dặm
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là thời kỳ chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ sang chế độ có thức ăn đặc như bột, cháo, cơm, rau củ… Theo các chuyên gia thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn dặm thường rơi vào khoảng 4 – 6 tháng tuổi. Trong độ tuổi này bé sẽ có đủ khả năng về hoạt động miệng lưỡi để có thể nuốt được thức ăn đặc.
Ăn dặm là quá trình khá gian nan và thú vị đối với cả mẹ và bé. Đó là tiến trình chuyển từ chế độ ăn dạng lỏng sang dạng sệt rồi đến dạng lợn cợn và cuối cùng là dạng miếng. Vì thế mẹ không thể vội vã, phải từ từ thực hiện để bé làm quen và thích ứng dần.
Giai đoạn ăn dặm bắt đầu từ lúc trẻ được 6 tháng tuổi (Nguồn ảnh: iStock)
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu về thức ăn dành cho ăn dặm
Đồ ăn dặm cho bé phải là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và đủ về mặt số lượng để trẻ có thể tiếp tục phát triển. Ở thời điểm này, hệ tiêu hoá của trẻ đủ phát triển để tiêu hoá hầu hết các loại thức ăn. Tuy nhiên, một số nguy cơ cũng thường xảy ra khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm như việc trẻ không nhận được đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn bên ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ có thể dẫn tới suy dinh dưỡng và thiếu vi chất như dẫn đến còi xương do thiếu calci, thiếu máu do thiếu sắt… Bên cạnh đó, trong các bữa ăn dặm bổ sung của trẻ còn sử dụng các loại gia vị mặn như muối ăn, nước chấm…
Vì vậy ăn dặm không chỉ cần đảm bảo tính đa dạng, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng mà còn cần chú ý đến việc sử dụng các gia vị mặn hợp lý. Một chế độ ăn thiếu hoặc thừa muối (natri) đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi có thật sự cần thiết?
Khi vấn đề nêm nếm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi nổi lên đã có hai luồng ý kiến. Đa số cho rằng không nên cho trẻ dùng gia vị đặc biệt là muối khi chưa đủ 1 tuổi. Nếu cho các bé ăn đồ ăn có nêm nếm sớm quá sẽ hại thận hay biếng ăn về sau. Còn một số mẹ lại cho rằng, việc nêm nếm gia vị vào đồ ăn dặm của các bé sẽ giúp bé cảm thấy ngon miệng hơn, dễ ăn và ăn nhiều hơn, đồng thời cũng không thấy ảnh hưởng gì.
Khi các ý kiến trở nên gay gắt hơn, các chuyên gia vào cuộc và trả lời cho câu hỏi “có nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi không?” là không nên nêm muối hoặc gia vị vào đồ ăn dặm của bé là không sai, nhưng chưa đủ.
Lý do là cơ thể cần muối để có thể hoạt động và muối là chất mà cơ thể không tự tái sản xuất nên việc cho thêm muối vào đồ ăn dặm của bé là cần thiết. Tuy nhiên, lượng muối dành cho các bé phải vô cùng nhỏ, khoảng 1 – 2g muối/ngày thì mới tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng – Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyên mẹ không nên nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi vì:
– 5 vị cơ bản trong gia vị ẩm thực đã có được từ trong sữa và một số loại thực phẩm nên đủ đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ dưới 1 tuổi.
– Gan và thận của bé dưới 1 tuổi còn chưa phát triển hoàn chỉnh nên ăn dư thừa gia vị sẽ tăng nguy cơ bệnh lý.
– Việc không nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi về lâu dài để tập cho trẻ ăn nhạt hơn để phòng ngừa những bệnh có thể xuất hiện như suy thận, bệnh chuyển hóa, bệnh não, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa.
Không nên cho trẻ dùng gia vị đặc biệt là muối khi chưa đủ 1 tuổi (Nguồn ảnh: iStock)
Không nên nêm gia vị với trẻ bú sữa mẹ
Điều quan trọng hơn là trong sữa mẹ có thành phần muối phù hợp với nhu cầu hoạt động cơ thể của bé. Do đó, đối với trẻ dưới 1 tuổi nếu vẫn còn bú sữa mẹ thì không nên nêm muối hoặc gia vị vào thức ăn dặm. Nếu nêm muối hoặc gia vị vào sẽ khiến trẻ nhận lượng muối nhiều hơn so với cơ thể cần. Còn đối với các bé không được bú sữa mẹ (vì một vài lý do nào đó) thì nên thêm gia vị, cụ thể là muối vào bữa ăn dặm hàng ngày với một lượng thích hợp.
Trên thực tế, bé ăn nhạt sẽ tốt hơn ăn mặn, giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch hay cao huyết áp về sau. Nhưng nếu trẻ trên 1 tuổi thì các mẹ cần bổ sung gia vị nhiều hơn để không làm ảnh hưởng tới những phản ứng sinh hóa trong cơ thể.
Đừng bỏ lỡ
Bé bú mẹ cần ăn nhạt, không nêm nếm gia vị (Nguồn ảnh: iStock)
Một chế độ ăn mặn dành cho bé kéo dài có thể sẽ gây ra một số bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não…Nếu thêm nhiều muối hoặc gia vị khi cho bé ăn dặm sẽ hình thành thói quen bé ăn mặn khi lớn lên. Hậu quả là bé sẽ phải đối mặt với những căn bệnh vừa nêu trong tương lai.
Một số lưu ý khác cho mẹ khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ
- Chế biến đồ ăn dặm bổ sung muối cho trẻ 1 -2 tuổi chỉ nên cho rất ít, nếu tính cả lượng muối trong nước mắm, bột canh, thực phẩm thì chỉ khống chế trong khoảng 2,3 gram/ngày
- Khi mẹ nếm đồ ăn dặm của trẻ thấy vừa miệng của mình có nghĩa là sẽ mặn hơn so với trẻ. Vì vậy, mẹ nêm lượng mắm, muối vừa phải, ăn thấy nhạt một chút là vừa cho trẻ.
- Có thể cho phô mai vào bát đồ ăn dặm của trẻ thay thế cho nước mắm hoặc muối. Nên cho phomai vào sau khi cho dầu ăn, như vậy, đồ ăn của trẻ cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.
Để đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho trẻ, các bậc ông bà cha mẹ nên hình thành thói quen ăn uống khoa học từ nhỏ. Hạn chế lượng muối nạp vào để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và ngăn ngừa được nhiều bệnh.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!