Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại? Mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi vì khi ọc sữa, trẻ rất mệt, khó thở, hệ tiêu hóa cũng yếu. Nếu cho trẻ bú sữa tiếp con có nguy cơ bị ọc sữa hoặc cảm thấy sợ hãi.
- Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại?
- Ọc sữa bao nhiêu lần là bình thường?
- Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ
- Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều có làm sao không?
- Khi nào trẻ sơ sinh bị ọc sữa được coi là bình thường?
Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại?
Khi em bé sơ sinh bị ọc sữa, con gần như không dung nạp thêm được dinh dưỡng nào vào cơ thể, đặc biệt nếu trẻ sơ sinh bị chớ vọt ra. Vì lý do này, nhiều bà mẹ lo lắng con bị đói nên cố cho con bú sữa lại với hy vọng con nạp thêm được ít dinh dưỡng vào cơ thể.
Bé ọc sữa có nên cho bú lại? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ bị ọc sữa, ngay lúc này mẹ nên lau sạch khoang miệng cho trẻ và cho trẻ uống một ít nước để làm sạch miệng. Trong một số trường hợp, mẹ cần mút sạch sữa khỏi mũi trẻ để tránh sữa tràn vào phổi gây viêm phổi hoặc viêm tai giữa.
Mẹ cần lưu ý, nên cho trẻ nghỉ ngơi vì khi ọc sữa, trẻ rất mệt, khó thở, hệ tiêu hóa cũng yếu. Nếu cho trẻ bú sữa tiếp con có nguy cơ bị ọc sữa hoặc cảm thấy sợ hãi. Mẹ nên cho trẻ bú sữa tiếp sau khi đã nghỉ ngơi từ 30 phút – 1 tiếng.
- Nhiều mẹ thắc mắc sau khi bé ọc sữa thì có nên cho bú lại không (Nguồn ảnh: pexels.com)
Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại – cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ
- Ngay khi trẻ nôn trớ, mẹ phải nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau). Bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.
- Tuyệt đối tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.
- Nếu trẻ bị trớ khi ngủ hãy đặt trẻ nằm yên, kê cao đầu. Đồng thời luôn để thân mình phía trên của bé cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị trớ sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo để tránh mùi khó chịu do dịch nôn gây ra.
- Khi bé ngừng nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần cho uống luân phiên 50ml nước đường sau mỗi 30 phút.
- Trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn.
- Sau khoảng 12 tiếng, khi bé không còn nôn trớ, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường. Nên bắt đầu với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Có thể cho trẻ ăn cháo loãng, uống sữa, ăn sữa chua và tuyệt đối không ăn, uống đồ lạnh.
- Cho bé đi ngủ, tránh đùa nghịch để hạn chế thức ăn lại bị trào ngược ra ngoài.
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều có làm sao không?
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là hiện tượng thường gặp và có thể thuyên giảm dần sau khi mẹ áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho bé trong một thời gian. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa liên tục và kéo dài có thể là do mắc một số bệnh lý như:
Hẹp phì đại môn vị
Biểu hiện ban đầu là trẻ nôn trớ về sau mới nôn dữ dội, tăng dần số lần nôn, lúc đầu chỉ nôn một vài lần trong ngày, sau đó cứ mỗi lần bú là lại nôn. Trẻ không bị ọc tức thì ngay sau bú và cũng không bao giờ nôn ra dịch mật (dịch vàng hoặc xanh). Sau khi ọc, trẻ rất đói và thường đòi bú ngay.
Lồng ruột
Nếu trẻ bất ngờ đau bụng dữ dội, quấy khóc từng cơn, không chịu bú, có thể nôn ói nhiều lần, có thể bé đã bị lồng ruột. Dấu hiệu đầu tiên là khóc thét, bỏ ăn, da tím tái. Trẻ sau đó có thể sẽ nín khóc và bú lại bình thường. Nhưng khi cơn đau tới bé sẽ khóc ré, ưỡn người, bỏ ăn. Sau vài giờ, da dẻ trẻ trở nên xanh tím và mệt lả người.
- Hình chụp hiện trạng bệnh. (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Khi nào trẻ sơ sinh bị ọc sữa được coi là bình thường?
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là hiện tượng sinh lý khá phổ biến trong những tháng đầu sau đời. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa. Ví dụ như trẻ đi xe ô tô, rối loạn tiêu hóa, hoặc trẻ khóc hay ho cũng dễ bị nôn ói.
Ọc sữa thường tự hết sau 6 – 24 giờ mà mẹ không cần áp dụng bất kỳ biện pháp nào. Miễn là trẻ vẫn ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân đều thì mẹ không cần lo lắng về hiện tượng này.
Trường hợp trẻ bị sặc sữa lên mũi có nguy hiểm không?
Nếu trẻ chỉ thỉnh thoảng bị sặc sữa lên mũi 1 lần hoặc 1 vài lần thì cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh sặc sữa nhiều lần và có kèm theo dấu hiệu thở khó khăn thì đó thực sự là một vấn đề cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
- Khi sữa trào lên mũi nhiều sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi, khiến mũi bị đau nhức một thời gian.
- Các bé sơ sinh khi bị sặc thường sẽ khó chịu, khóc lóc, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, làm trẻ sợ và có thể không dám ăn, biếng ăn, bỏ bú.
- Trong một số trường hợp, khi trẻ bị sặc sữa lên mũi, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sữa vẫn vướng ở đường hô hấp. Khiến trẻ hô hấp khó khăn, thở khò khè, khó chịu.
Vậy qua bài viết này cha mẹ đã biết trẻ ọc sữa có nên cho bú lại không. Mẹ hãy theo dõi cẩn thận khi con bị sặc sữa lên mũi và có những xử lý phù hợp cho con đỡ khó chịu nhé!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!