Chứng trầm cảm sau sinh 1 phần xuất phát từ việc mẹ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là những mẹ có con khó tính hay quấy khóc hơn bình thường. Mẹ đã biết đương đầu thế nào với những cảm xúc tiêu cực của bản thân? Làm thế nào để bé bớt cáu kỉnh? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây nhé!
Con quấy khóc khiến mẹ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn
Hẳn là bất kỳ bà mẹ sắp sinh nào cũng đều tưởng tượng ra viễn cảnh em bé ngủ yên lành suốt đêm, khẽ cựa quậy khi bạn vỗ về và ngủ trên tay mẹ khi được nghe 1 bài hát ru êm đềm. Sự thật không phải lúc nào cũng màu hồng như vậy. Trẻ sơ sinh sẽ khóc nhiều trong suốt 4 tháng đầu đời. Hãy chấp nhận rằng trẻ quấy khóc là điều hoàn toàn bình thường.
1 nghiên cứu mới đây đã được thực hiện về mức độ ảnh hưởng của trẻ quấy khóc lên sức khỏe tâm lý người mẹ, thực hiện trên 8.200 em bé và mẹ sau sinh được 9 tháng. Kết quả cho thấy những bà mẹ toàn thời gian có con hay quấy khóc phải trải qua nhiều triệu chứng trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau nhiều gấp 2 lần các mẹ có em bé dễ tính hơn.
1 phần nguyên nhân của tình trạng này là do các mẹ đã kỳ vọng quá nhiều về khoảng thời gian làm mẹ của 1 em bé sơ sinh. Đồng thời nhiều chị em cũng không được tư vấn hay cảnh báo về việc 1 số em bé sẽ khó tính hơn bình thường. Khi điều đó xảy ra, mẹ rất dễ bị “sang chấn tâm lý”.
Khi có 1 em bé khó tính, bạn sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần, đồng thời đôi khi lại phải nghe những nhận xét không hay từ người ngoài. Chính những điều này làm tổn thương sự tự tin vào bản thân và năng lực làm mẹ cũng như góp phần gây ra ức chế tâm lý dẫn đến trầm cảm.
Vì sao trẻ sơ sinh quấy khóc?
Nếu em bé của bạn hay quấy khóc, câu hỏi luôn luôn hiện ra trong đầu bạn sẽ là: Tại sao con lại khóc nhỉ, sao con lại khó tính thế nhỉ? Nguyên nhân em bé khó chịu đến từ rất nhiều yếu tố. Đôi khi quấy khóc là do di truyền, ở trường hợp khác đó lại là do tính khí của em bé. Trào ngược, đau bụng hay môi trường xung quanh bé không thích hợp cũng là lý do cho điều này.
Quấy khóc đôi khi đơn giản cho thấy bé con đang thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.
Làm thế nào để dỗ 1 em bé đang quấy khóc?
Không có công thức chung nào để dỗ dành 1 em bé đang quấy khóc, gắt gỏng tuy nhiên vẫn có 1 số kinh nghiệm mà các mẹ có thể áp dụng lúc này. Mẹ cũng đừng quên để ý đến cảm xúc của bản thân vì điều này cực kỳ quan trọng trong việc giúp mẹ cũng như em bé cảm thấy khá hơn.
Đảm bảo an toàn cho bé
Việc đầu tiên mẹ cần làm khi con quấy khóc là kiểm tra bé, trước tiên là kiểm tra bỉm, sau đó là toàn bộ cơ thể để xác định con có đang bị đau đớn gì không, con có đang quá nóng hay quá lạnh, bị côn trùng đốt… Rất nhiều nguyên nhân có thể làm bé quấy khóc và trước hết mẹ cần xác định tình trạng an toàn của bé trước khi tìm cách giải quyết cơn khóc của con.
Áp dụng các hình thức kích thích giác quan khác nhau
Trẻ sơ sinh cảm nhận thế giới bằng giác quan. Việc quấn bé, nói chuyện bằng giọng nhẹ nhàng với âm sắc khác nhau, tiếp xúc da kề da, đi bộ nhịp nhàng, mở đèn sáng/mờ và các hoạt động kích thích giác quan khác đều có thể giúp xoa dịu cơn quấy khóc ở trẻ.
Điều mẹ cần lưu ý ở đây là mỗi em bé là 1 cá thể khác nhau, những em bé hay quấy khóc gắt gỏng cũng vậy, không bé nào giống bé nào nên có thể cách này áp dụng với bé khác thành công nhưng lại chưa thật sự hữu ích với em bé nhà bạn. Mẹ nên chú ý quan sát và tìm hiểu dần dần để khám phá được nhu cầu hay sở thích đặc biệt của con. Đó thực sự là 1 phần của việc trở thành cha mẹ.
Mẹ nên làm gì khi con quấy khóc để giảm nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh?
Dành thời gian cho bản thân dù ngắn ngủi
Việc mẹ tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân là rất quan trọng. Trẻ sơ sinh không được sinh ra với khả năng tự điều chỉnh cảm xúc bản thân nên 2 mẹ con cần cùng phối hợp. Mẹ nên biết rằng khi bản thân bị stress, buồn bã hay chán nản thì âm sắc giọng nói của mẹ cũng thay đổi, tay mẹ sẽ bế bé chặt hơn, mẹ di chuyển ít nhịp nhàng hơn… Bé con của bạn hoàn toàn có thể nhận thấy những điều này nên việc điều chỉnh lại cảm xúc của con sẽ khó khăn hơn.
Những lúc thế này, mẹ hãy thử hít 1 hơi thật sâu, đi bộ 1 quãng ngắn, tập trung vào 1 sự vật/sự việc cụ thể như nhịp tim của chính mẹ chẳng hạn… Mẹ sẽ nhanh chóng trở nên bình tĩnh hơn, đây là điều rất có lợi để ổn định sức khỏe tâm thần của mẹ và mức độ bình tĩnh của bé.
Giữ bình tĩnh trước tiếng khóc của bé
Cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể chính là cách xử trí tốt nhất của mẹ khi trẻ quấy khóc bởi trong những lúc tức giận cả bố mẹ và bé đều không thể kiểm soát được hết cảm xúc của mình, hành động của bạn có thể khiến bé càng cảm thấy bất an, gào khóc, la hét to hơn.
Hãy hít 1 hơi thật sâu, nhẹ nhàng ôm bé vào lòng, xoa nhẹ lưng để bé biết mẹ đang ở gần. Nếu sức chịu đựng của mẹ đã quá giới hạn, lời khuyên lúc này là nhờ người khác trông bé, đi ra khỏi phòng, hít thở đều trong vài phút để tâm trạng ổn định rồi mới quay lại.
Nhắc nhở bản thân: Bé quấy khóc là chuyện bình thường và tìm kiếm sự giúp đỡ
Hơn 60% phụ nữ trong cuộc khảo sát đã trải qua những thời điểm bé quấy khóc. Mẹ nên hiểu rằng những trải nghiệm này là bình thường, rất nhiều bà mẹ cũng từng kinh qua chứ không riêng gì bản thân bạn.
Đừng để cảm giác tội lỗi xâm chiếm. Trẻ sơ sinh mới chỉ biết thể hiện cảm xúc và sự khó chịu qua tiếng khóc. Mẹ tự vấn bản thân vì để con khóc quá nhiều cũng không làm tình hình khá hơn. Tất cả các em bé đều khóc và nếu con bạn như vậy thì cũng không có lý do gì để cảm thấy tồi tệ về điều đó.
Nếu mẹ đang chịu đựng những cảm xúc tiêu cực, buồn bã, trầm cảm vì có 1 em bé quấy khóc, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chồng, người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý. Mẹ cần có 1 nơi để nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm đương đầu với chứng trầm cảm sau sinh cũng như tham khảo cách xoa dịu em bé để con bớt quấy khóc hơn.
Theo parents
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!