Nhận biết trầm cảm sau sinh dễ mà khó, tuy khó mà dễ. Đó là những dấu hiệu nào mà chị em phụ nữ sau sinh có thể chú ý và từ đó biết rằng mình cần sự giúp đỡ?
Trầm cảm sau sinh là gì?
Những năm gần đây, hiện tượng mẹ bầu bị trầm cảm sau sinh nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội. Về cơ bản, đây là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh.
Chứng trầm cảm sau sinh có tác động rất mạnh đến mẹ bỉm sữa và kéo dài. Nó có thể gây ra sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, kiệt sức và cảm giác tuyệt vọng. Cường độ của những cảm xúc đó có thể gây khó khăn cho việc chăm sóc em bé hoặc/và cho chính bản thân mẹ bỉm sữa.
Cách nhận biết trầm cảm sau sinh
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh khác nhau ở mỗi người và thậm chí thay đổi hàng ngày. Nhận biết trầm cảm sau sinh ở bản thân nếu bạn trải qua những điều sau:
- Cảm thấy buồn hoặc khóc rất nhiều, và không biết nguyên nhân.
- Cơ thể đang kiệt sức, nhưng không thể ngủ.
- Hoặc bạn ngủ quá nhiều.
- Không thể ngừng ăn hoặc hoàn toàn không hứng thú với đồ ăn.
- Bị nhiều chứng đau nhức không rõ nguyên nhân hoặc bệnh tật.
- Không biết tại sao mình lại cáu kỉnh, lo lắng hoặc tức giận.
- Tâm trạng thay đổi đột ngột.
- Cảm thấy mất kiểm soát với cảm xúc và cuộc sống.
- Gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ.
- Không thể tập trung hoặc đưa ra các quyết định dù rất đơn giản.
- Mất hứng thú với những thứ hay việc làm bản thân bạn từng thích.
- Cảm thấy mất kết nối với con mình và tự hỏi bản thân tại sao lại không ngập tràn niềm vui như tưởng tượng.
- Mọi thứ xung quanh cuộc sống đều cảm thấy choáng ngợp và vô vọng.
- Cảm thấy vô dụng và tội lỗi về tình cảm/cảm xúc của mình.
- Không thể mở lòng với bất kỳ ai vì bạn cho rằng mình sẽ bị đánh giá là một người mẹ tồi.
- Muốn thoát khỏi mọi người và mọi thứ trong cuộc sống.
- Có những suy nghĩ tiêu cực, kể cả việc làm hại bản thân hoặc con.
- Bạn bè và gia đình có thể nhận được bạn đang thu mình lại hoặc dường như không còn là chính mình.
Khi nào trầm cảm sau sinh có thể ập đến?
Các triệu chứng rất có thể bắt đầu trong vài tuần sau khi sinh. Đôi khi, trầm cảm sau sinh không xuất hiện liền mà là nhiều tháng sau khi bé chào đời. Các triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh có thể thuyên giảm và sau đó trở lại. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể tiếp tục xấu đi, và có khả năng gây hại cho chính mẹ bỉm sữa, con yêu, gia đình và thậm chí xã hội.
Điều trị tình trạng này ra sao?
Nếu bạn có các triệu chứng trầm cảm sau sinh, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể bắt đầu điều trị.
Có hai phương pháp điều trị chính là dùng thuốc và trị liệu. Từng phương pháp có thể áp dụng riêng biệt nhưng sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu kết hơp cùng nhau. Điều quan trọng nhất là bản thân mẹ bỉm sữa phải nhận biết trầm cảm sau sinh đang diễn ra với mình, tìm giúp đỡ và muốn thoát khỏi nó.
Ngoài ra, biết cách chăm sóc bản thân về thể lực và tinh thần cũng giữ vai trò tiên quyết trong quá trình điều trị.
Mẹ bỉm không nên cố gắng gánh vác nhiều trách nhiệm hơn khả năng cho phép. Hãy chia sẻ và nhờ chồng, gia đình hay bạn bè giúp đỡ và san sẻ các công việc chăm sóc bé. Dành chút thời gian cho mình, nhưng đừng tự cô lập bản thân.
Tránh xa các thức uống có cồn như rượu, bia…Chúng không tốt cho chính sức khoẻ, mà còn ảnh hưởng đến nguồn sữa cho con bú. Thay vào đó, hãy cho cơ thể bạn mọi cơ hội để chữa lành. Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục mỗi ngày, ngay cả khi đó chỉ là đi bộ quanh khu phố.
Tạm kết
Mặc dù cảm xúc thay đổi thất thường hoặc mệt mỏi sau khi sinh con là điều bình thường, nhưng chứng trầm cảm sau sinh không chỉ dừng lại ở thế. Để trị dứt điểm tình trạng này đòi hỏi sự kiên nhẫn và ý chí rất nhiều từ chính bản thân người mắc bệnh, và cả từ gia đình. Điều trị có thể mất trung bình 6 tháng hoặc lâu hơn tuỳ vào tình trạng từng người. Vì một cuộc sống hạnh phúc, hãy cố gắng mẹ nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!