Cách không bị trầm cảm sau sinh luôn là chủ đề được rất nhiều mẹ quan tâm. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tìm hiểu và ngăn ngừa đúng cách để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc và nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Đây là căn bênh rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ và một số ít nam giới sau khi đứa con sinh ra đời. Mức độ trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Trong một số trường hợp, vẫn có cách ngăn ngừa để mẹ không bị trầm cảm sau sinh.
Một số triệu chứng thường gặp trong trầm cảm sau sinh
Khi mắc bệnh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc nên thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ. Tệ hơn, họ khó chịu, bực bội vì sự có mặt của con. Ở nhiều trường hợp, họ còn oán giận gia đình rồi lại tự thấy tội lỗi vì những cảm xúc tiêu cực ấy.
Dễ cáu gắt, dễ lo âu, buồn bã là những triệu chứng phổ biến ở căn bệnh này. Một số mẹ bị xao nhãng trong việc chăm con. Ngoài mất ngủ, ăn uống thất thường, nhiều mẹ còn cảm thấy trống rỗng và không muốn giao tiếp với người khác…
Với tình trạng bị trầm cảm nặng, những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với trẻ. Nặng hơn người mẹ có thể xuất hiện ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ.
Cách không bị trầm cảm sau sinh
Hiện nay, không loại vắc xin nào có thể phòng ngừa trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tham khảo một số cách để không bị trầm cảm sau sinh dưới đây:
Đừng tự cô lập mình, hãy chia sẻ để không bị trầm cảm sau sinh
Thiếu giao tiếp với xã hội chính là thứ nuôi dưỡng bệnh trầm cảm. Nếu khó khăn trong việc chia sẻ với người thân, hãy thử tham gia vào các hội nhóm của các bà mẹ mới sinh con như bạn để hiểu rằng không chỉ mình bạn đối mặt với áp lực, sự thay đổi từ khi có con. Chia sẻ và thấu hiểu sẽ giúp bạn giải toả sự căng thẳng.
Dành thời gian cho bản thân để không bị trầm cảm sau sinh
Hầu hết các bà mẹ đều dành thời gian rảnh để tranh thủ dọn dẹp giường ngủ hay làm việc vặt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đứa trẻ mới sinh sẽ phát triển tốt hơn nếu có một bà mẹ thư thái.
Vì vậy, hãy tận dụng lúc con ngủ để nghỉ ngơi, hồi sức. Hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để thư giãn, dù là hít thở sâu, thiền hay ngâm mình trong bồn tắm, đắp mặt nạ. Có một tinh thần thoải mái, thư thái sẽ giúp mẹ dễ vượt qua các áp lực hơn là những người không dành thời gian để thư giãn.
Theo một nghiên cứu trên hơn 1.000 bà mẹ mới sinh con, những người tập thể dục trước và sau khi sinh thường có tâm trạng tốt hơn và dễ thích nghi với cuộc sống sau khi làm mẹ hơn. Hãy đi bộ với tốc độ nhanh, tận hưởng không khí trong lành. Nhìn ngắm cỏ cây hoa lá có thể cải thiện tâm trạng của bạn.
Khám bác sĩ hay một nhà chuyên môn về sức khỏe mà bạn tin cậy
Khi cảm thấy mình có triệu chứng bị trầm cảm sau sinh, mẹ nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ càng sớm càng tốt. Hãy chia sẻ với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu để bác sĩ chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
Việc dùng thuốc chống trầm cảm phải được xem xét và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nên đến bác sĩ thay đổi thuốc hoặc liều dùng nếu cảm thấy tình trạng không được hồi phục. Nếu thuốc thích hợp, bạn đừng nên rút ngắn thời gian điều trị, bởi trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc, các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng, hãy đến bác sĩ tư vấn thêm.
Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh
Chăm sóc sức khỏe bản thân bằng việc ăn uống điều độ. Mẹ sau sinh cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để nạp vào cơ thể dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là rau củ, hoa quả tươi. Ngoài ra, mẹ nên uống nhiều nước hàng ngày. Ngoài nước lọc, nước khoáng mẹ có thể bổ sung nước bằng cách uống sữa, ăn trái cây.
Người nhà nên làm gì để phụ nữ không bị trầm cảm sau sinh?
Về phía gia đình, nên chủ động chia sẻ cảm xúc, trò chuyện riêng với người mẹ. Lưu ý: Hạn chế khuyên bảo vì có thể khiến họ áp lực nhiều hơn. Hãy hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và chia sẻ, đồng cảm với cảm xúc, sở thích của họ. Sự giúp đỡ từ gia đình đóng vai trò quan trọng, giúp người mẹ phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, người chồng hãy cùng san sẻ trách nhiệm chăm sóc con với vợ.
Có thể nói, trầm cảm sau sinh có ngăn ngừa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường và cả bản thân người mẹ. Vậy nên, các mẹ hãy đặc biệt chú ý quan tâm đến cảm xúc của bản thân để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!