Tủi thân khi mang thai, dễ cáu gắt, động tí hơi nước mắt – Cảm xúc của mẹ bầu như vậy là do đâu?
Với các mẹ bầu thường có tâm trạng nhạy cảm, dễ tủi thân, cảm xúc lên xuống thất thường khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy vậy, nguyên nhân chủ yếu chính là do sự thay đổi hoóc môn trong cơ thể của người phụ nữ trong thai kỳ.
Những lo lắng và thay đổi về thói quen sinh hoạt trong quá trình mang thai khiến nhiều mẹ bầu như biến thành người đa nhân cách. Lúc thì cực kỳ vui vẻ, lúc thì ghê gớm, dữ dằn hay càu nhàu, đôi khi lại ngồi chảy nước mắt khiến chồng phải phát hoảng.
Chuyện gì xảy ra với cảm xúc của mẹ bầu trong thời kỳ tam cá nguyệt đầu tiên?
Hoóc môn thai kỳ khiến cho cảm xúc mẹ bầu dễ lên xuống thất thường. Điều này cũng khiến người phụ nữ luôn cảm thấy bứt rứt, ốm nghén, nôn ọe. Đôi khi chỉ ngửi thấy mùi thức ăn ngào ngạt cũng có thể chịu không nổi. Hoặc trái lại, lúc nào cũng trong tình trạng thèm ăn. Vừa ăn xong đã muốn nếm hết món này đến món nọ.
Với các mẹ có biểu hiện ốm nghén nhiều thường cảm thấy khó chịu hơn các mẹ bầu khác. Tâm lý của những mẹ này thường là mệt mỏi và không muốn làm gì. Chưa kể bao nhiêu lo lắng cho những tháng mang thai đầu tiên lúc nào cũng thường trực như, mẹ nôn ọe nhiều liệu con có lớn được không. Món ăn mình không thích cũng đành cố ăn vì con. Người mẹ càng lo lắng thì lại càng cảm thấy xì trét hơn.
Chính vì tình trạng “khó nói” này mà các bố cần chăm sóc mẹ bầu cũng như thấu hiểu, thông cảm cho mẹ bầu rằng cớ sao vợ mình lại khó ở đến như vậy.
Mệt mỏi cũng là một trong những triệu chứng thường xuyên xuất hiện với mẹ bầu mới mang thai. Nhưng điều này cũng dễ khiến tâm trạng của mẹ bầu dễ thất thường.
Với những mẹ đã từng trải qua chuyện sảy thai có thể trong đầu lại nảy sinh tâm lý, liệu lần mang thai này con có được an toàn hay không?
Tất cả những lo lắng và các biểu hiện trong những tháng đầu tiên này chính là yếu tố chính kích thích tâm trạng, cảm xúc của mẹ bầu.
Sự thay đổi cảm xúc của mẹ bầu khi bước vào tam cá nguyệt thứ 2
Với các mẹ đã bước sang 3 tháng giữa của thai kỳ, các hoóc môn vẫn tiếp tục có sự thay đổi mặc dù đã giảm đi ít nhiều so với tam cá nguyệt đầu tiên.
Các mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều bởi tình trạng ốm nghén đã không còn “khủng khiếp” như các tháng trước nữa.
Tuy vậy tâm trạng lên xuống thất thường, dễ tủi thân vẫn có thể xuất hiện bởi những thay đổi thể chất nhận thấy rất rõ ràng như bụng bầu đã lộ rõ, đau nhức khắp mình mẩy, mụn nhiều hơn, … Em bé càng lớn thì mẹ càng thêm nhiều nỗi lo lắng.
Trong tam cá nguyệt này, nhiều mẹ có thể phải chọc ối để kiểm tra sức khỏe của thai nhi cũng như các xét nghiệm tầm soát dị tật. Theo dõi sô lần bé đạp, đảm bảo cân nặng của thai nhi và mẹ đạt chuẩn đều có thể khiến mẹ nghĩ ngợi nhiều hơn.
Trái ngược với sự nhầm tưởng về mang thai, một số phụ nữ lại có nhu cầu tình dục cao hơn khi không còn tình trạng ốm nghén. Nhưng liệu quan hệ trong thai kỳ có ảnh hưởng đến em bé trong bụng?
Mâu thuẫn và băn khoăn khi mang thai luôn khiến người phụ nữ trở nên nhạy cảm và mau nước mắt hơn.
Bước sang tam cá nguyệt thứ 3, tâm trạng cảm xúc của mẹ bầu thay đổi như thế nào?
3 tháng cuối cùng của thai kỳ thường khiến nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng đau nhức, sưng phù và mất ngủ. Chiếc bụng ngày càng nặng nề cùng em bé thích quậy tưng bừng về đêm nhiều hơn cũng là nguyên nhân khiến tính tình mẹ bầu dễ lên xuống thất thường.
Dễ tủi thân khi mang thai, tâm trạng như mưa nắng ngày hè – Có cách nào để cải thiện tình trạng này cho mẹ bầu?
1. Cố gắng tỉnh táo để nhận biết được cảm xúc của bản thân
Khi mẹ bầu cảm thấy mình bắt đầu khó chịu hoặc có biểu hiện không hài lòng ra mặt với một sự việc nào đó, hãy cố gắng đưa mình tránh xa khỏi nơi đó. Tìm một nơi yên tĩnh, cố gắng điều hòa hơi thở. Điều này sẽ giúp mẹ bầu tĩnh tâm dễ dàng hơn.
Cố gắng không suy nghĩ nhiều về những chuyện đã qua mà cần nghĩ tới em bé trong bụng. Mẹ căng thẳng nhiều thường có nguy cơ khiến trẻ bị nhẹ cân và sinh non.
2. Trò chuyện với người thân, bạn bè
Ngay khi cảm thấy mình có vấn đề về cảm xúc, mẹ bầu đừng quên giãi bày với người thân (đặc biệt là chồng) hay có thể tìm bạn bè thân để tâm sự.
Nói ra cảm xúc thật của mình là cách giải tỏa tâm trạng dễ dàng hơn.
3. Sẵn sàng đón nhận những cơn ốm nghén trong thai kỳ
Một tâm lý sẵn sàng và kiến thức vững vàng về thai kỳ, đặc biệt là vấn đề làm thế nào để giảm bớt tình trạng ốm nghén, mệt mỏi, đau nhức trong thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng vượt qua những khó chịu của thời kỳ mang thai.
4. Giấc ngủ luôn là điều quan trọng nhất
Nghỉ ngơi điều độ và ngủ đủ giấc chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và tâm trạng vui tươi.
Khi mẹ bầu càng nặng nề bởi chiếc bụng cồng kềnh thì hiện tượng mất ngủ có thể sẽ xuất hiện. Cố gắng ngủ giấc trưa không kéo dài 30-45 phút, hạn chế uống quá nhiều nước trước khi ngủ, sử dụng gối đỡ bụng bầu, ngâm chân với thảo dược trước khi đi ngủ cũng như để giường ngủ thông thoáng, không sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ sẽ giúp mẹ bầu cải thiện được giấc ngủ trong những tháng cuối.
5. Trò chuyện với các mẹ bầu khác
Khi mẹ bầu cảm thấy căng thẳng, lo lắng cho hành trình làm mẹ sắp tới, không ai có thể thấu hiểu điều này hơn các mẹ cũng đang mang thai.
Nói chuyện, tư vấn và chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích trong thai kỳ cũng như học hỏi cách chăm bé sơ sinh được xem là những chủ đề mà các mẹ bầu khác lúc nào cũng hào hứng muốn nói cùng mẹ. Điều này chắc chắn sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu khi có người thấu hiểu những cảm xúc của mình.
6. Tập yoga hoặc ngồi thiền
Lợi ích tuyệt vời của yoga chính là giúp mẹ bầu kiểm soát được hơi thở cũng như các chuyển động của cơ thể. Nhờ đó mẹ sẽ thấy mình tĩnh tâm và không còn dễ bị kích động bởi những chuyện nhỏ nhặt và những lo lắng thái quá của việc bầu bí nữa.
7. Đừng đọc quá nhiều những thứ dễ làm mẹ bầu lo lắng
Tìm hiểu về việc mang thai là điều cần thiết nhưng mẹ bầu cũng nên có sự lựa chọn trọng việc đọc và tiếp nhận thông tin. Đừng để những nội dung tiêu cực ảnh hưởng thái quá đến quá trình mang bầu của mình. Khi có bất kỳ lo lắng nào về thai nhi, cách tốt nhất là hãy tư vấn với những người có chuyên môn hoặc bác sĩ khám thai của mình. Điều này sẽ giúp mẹ bầu tránh khỏi những lo lắng vô ích .
Theo The Asianparent
Xem thêm bài liên quan:
Mẹ bầu dễ khóc khi mang thai – Những thay đổi thất thường này liệu có ảnh hưởng đến thai nhi?
Căng thẳng khi mang thai – Nguy hiểm ngầm mẹ không thể coi thường
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!