Các loại siêu âm thai trong thời kỳ ngoài siêu âm 2D thì những kỹ thuật siêu âm tiên tiến hơn (siêu âm đầu dò, 3D-4D, siêu âm thai hình thái, Doppler màu hay siêu âm tim thai) có thể được sử dụng khi cần để hình ảnh chi tiết hơn, giúp bác sĩ chẩn đoán nếu phát hiện ra các vấn đề nghi ngại.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Siêu âm đầu dò
- Siêu âm thai tiêu chuẩn 2D
- Loại siêu âm thai 3D & 4D & 5D
- Siêu âm thai hình thái
- Siêu âm Doppler màu
- Siêu âm tim thai
Có thai mấy tuần thì đi siêu âm được? Bác sĩ sản khoa cho rằng sau khi thử que 2 vạch và sau khi trễ kinh được 7-15 ngày (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối) thì mẹ có thể thực hiện đi siêu âm lần đầu tiên. Nếu chị em có vòng kinh đều thì đây là thời điểm thai nhi đã được khoảng 5-6 tuần tuổi.
1. Siêu âm đầu dò
Phương pháp siêu âm qua ngã âm đạo phần nhiều khả năng được sử dụng trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Đây là hình thức siêu âm vùng chậu với một dụng cụ có đầu tròn nhỏ (khoảng 2 đến 3 inch) sẽ được đưa vào thành âm đạo. Nguyên lý hoạt động là dùng sóng âm tần số cao tiếp xúc qua ngõ âm đạo để hiển thị hình ảnh chuyên sâu với độ chính xác cao ở tử cung, buồng trứng và các bộ phận khác của cơ quan sinh sản.
Có thể bạn chưa biết
Mục đích của một trong các loại siêu âm thai này là:
- Xác định vị trí chính xác của thai nhi khi khám thai ở tuần thứ 4-5 để phát hiện những trường hợp thai ngoài tử cung;
- Đánh giá tim thai ở tuần thứ 6-8;
- Xác định nguyên nhân gây chảy máu bất thường;
- Đánh giá sớm số lượng thai, thai 1 noãn hay khác noãn.
- Nếu bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo, siêu âm đầu dò để xác định vị trí của bánh nhau.
Thai chưa vào tử cung siêu âm đầu dò có thấy không? Trong trường hợp này thì siêu âm đầu dò sẽ không thấy thai, lúc này túi thai chưa vào buồng tử cung. Chưa kể phương pháp siêu âm này có thể ảnh hưởng đến phôi thai.
Nếu quá nôn nóng để biết liệu mình đã mang thai hay không trong giai đoạn đầu này, bác sĩ sẽ khuyên bạn làm xét nghiệm máu. Đây là phương pháp để biết chính xác nhất.
Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không? Theo các bác sĩ sản khoa, phương pháp siêu âm tròn tam cá nguyệt đầu tiên có thể phát hiện được thai ngoài tử cung.
2. Siêu âm thai tiêu chuẩn 2D
Đây là hình thức siêu âm thai cổ điển và đến nay vẫn được sử dụng phổ biến nhất. Một tên gọi khác của loại siêu âm thai này là siêu âm hai chiều. Phương pháp dùng kỹ thuật siêu âm không gian 2 chiều cho thấy hình ảnh em bé chuyển động trong bụng mẹ.
Hình ảnh thu được chỉ có hai màu đen và trắng, chỉ quan sát được một phần nhỏ hoạt động của thai nhi.
Trong giai đoạn đầu thai kỳ, siêu âm 2D có nhiệm vụ:
- Xác định lại chính xác việc thụ thai đã thành công hay chưa, vị trí thai trong hay ngoài tử cung, số lượng thai, tuổi thai và ngày dự sanh.
- Giúp đánh giá có gì bất thường về tử cung, buồng trứng hay không.
Những tháng sau của thai kỳ, mỗi lần khám thai thì mẹ bầu cũng sẽ thường xuyên được bác sĩ thực hiện loại hình siêu âm thai này nhằm mục đích:
- Đánh giá sự phát triển của thai nhi qua các chỉ số chiều dài xương đùi, vòng đầu,..
- Xác định lại ngày dự sinh
- Kiểm tra chất lượng và số lượng nước ối còn lại
3. Loại siêu âm thai 3D & 4D & 5D
Không giống như siêu âm 2D truyền thống, siêu âm 3D cho phép bác sĩ nhìn thấy chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của thai nhi và các cơ quan khác của thai phụ. Siêu âm này có thể đặc biệt hữu ích trong việc tìm kiếm và chẩn đoán bất kỳ dị dạng, cấu trúc nghi ngờ bất thường bẩm sinh như tật sứt môi, chẻ vòm, hở hàm ếch, hội chứng Down, tật tay chân ngắn hay các bệnh lý tim bẩm sinh.
Quy trình tương tự như siêu âm 2D, nhưng phương pháp 3D sử dụng một đầu dò đặc biệt và phần mềm để tạo ra hình ảnh 3D. Kỹ thuật viên thực hiện cũng yêu cầu được đào tạo đặc biệt hơn.
Để dễ hiểu thì siêu âm 4D là siêu âm 3D ở dạng động, tạo ra một video chuyển động của thai nhi. Loại hình siêu âm thai này tạo ra hình ảnh tốt hơn về khuôn mặt và chuyển động của em bé. Ngoài ra, nó cũng chụp những vùng sáng và bóng tối tốt hơn. Siêu âm này được thực hiện tương tự như các siêu âm khác, nhưng với thiết bị đặc biệt và không bắt buộc.
Gần đây còn có thêm loại hình siêu âm 5D, tức là có thêm 1 chiều nữa là chiều chẩn đoán. Cấu trúc hình khối sẽ được tự động phân tích thành loạt hình thường quy trong siêu âm chẩn đoán thai, tự động đo đạc thông qua một nút bấm trên bàn phím. Kết quả sẽ là một video với hình ảnh chân thực, rõ nét hơn nữa so với 4D về chuyển động của con yêu.
4. Siêu âm thai hình thái
Tương tự như siêu âm 2D, siêu âm thai hình thái được thực hiện vào khoảng tuần 20-24 của thai kỳ. Đây được cho là “thời điểm vàng” để cho phép bác sĩ quan sát hình thái bên ngoài, cấu trúc các cơ quan bên trong thai nhi và nghe được tim thai.
Bác sĩ sẽ phải kiểm tra từ trên đầu xuống dưới chân, từ ngoài vào trong của thai nhi để đánh giá liệu thai nhi có đang phát triển đầy đủ! Kết quả sẽ bao gồm những chỉ số của:
- Phần đầu và mặt
- Cột sống
- Phần ngực: tim, phổi,…
- Bụng: cơ hoành, dạ dày, thận và bàng quang, số đo vòng bụng
- 2 tay và 2 chân
- Bánh rau
- Dây rốn
- Nước ối
Có thể bạn chưa biết
5. Siêu âm Doppler màu
Kỹ thuật siêu âm thai Doppler màu được sử dụng cho thai nhi trong 3 tháng cuối của thai kỳ, với mục đích đo lượng máu, dinh dưỡng và oxy trong từng bộ phận của thai nhi.
Không phải thai phụ nào cũng sẽ được chỉ định loại hình siêu âm thai Doppler màu. Các trường hợp thai phụ nên thực hiện như:
- Mẹ mắc bệnh xơ gan, chạy thận nhân tạo
- Thai nhi bị ảnh hưởng kháng thể Rh
- Chỉ số BMI của mẹ cao hoặc thấp
- Cần phải đánh giá bệnh lý ở tim của thai nhi
- Và nhiều trường hợp khác
Kết quả siêu âm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá chính xác hơn sức khoẻ và sự phát triển của thai nhi. Từ đó sẽ có lời khuyên xử lý kịp thời cho mẹ bầu.
6. Siêu âm tim thai
Nếu bác sĩ nghi ngời thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh thì mẹ có thể được chỉ định làm siêu âm tim thai.
Kỹ thuật siêu âm tim thai có thể được thực hiện tương tự như siêu âm thai truyền thống, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Quá trình siêu âm sẽ ghi lại hình ảnh chuyên sâu về trái tim của thai nhi. Cho kết quả một hình ảnh thể hiện kích thước, hình dạng và cấu trúc của tim. Siêu âm này cũng cho bác sĩ xem tim của bé đang hoạt động như thế nào, có thể hữu ích trong việc chẩn đoán các vấn đề về tim.
Tuỳ vào mục đích và tiếp theo là điều kiện của thai phụ, bác sĩ sẽ khuyên và chỉ định một trong các loại siêu âm thai nào nên/phải/có thể thực hiện. Và quan trọng là hãy đến bệnh viện hay các trung tâm y tế uy tín và được cấp phép khi cần hay có nhu cầu phải siêu âm mẹ nhé. Và hãy hỏi bác sĩ nếu mẹ bầu và gia đình có bất cứ thắc mắc nào trước, trong và sau quá trình thực hiện.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!