Mang thai bé yêu, dù là con đầu hay con thứ, bất kì người mẹ nào cũng mong chờ con mình được sinh ra khỏe mạnh và thông minh. Tìm hiểu về các dị tật bẩm sinh của trẻ để có được trang bị kiến thức cản bản cũng như nâng cao khả năng phòng ngừa các nguy cơ bất lợi cho thai nhi là điều cần thiết với tất cả các mẹ. Trong bài viết này, theAsianparent Vietnam sẽ cung cấp cho các mẹ những hiểu biết cơ bản về một trong số những dị tật bẩm sinh của trẻ, đó là tìm hiểu sứt môi hở hàm ếch là gì.
Dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ là gì?
Đây là dị tật bé có thể mắc phải ngay từ khi sinh ra, do đó dị tật này được xem là dị tật bẩm sinh. Những bé bị dị tật này thường có một khe hở môi ở trên và có thể kéo dài từ môi cho đến lỗ mũi.
Tỉ lệ trẻ bị dị tật sứt môi hở hàm ếch Việt Nam
Số lượng trẻ em bị dị tật này gặp nhiều ở người Mỹ gốc Ấn, Trung Quốc và Nhật Bản. Trên thế giới tỉ lệ này là 1/2000, trong khi đó ở Việt Nam là 1/700. Mỗi năm số trẻ em sinh ra bị dị tật sứt môi – hở vòm trên cả nước có khoảng 3.000 bé, nhưng hiện nay có tới hơn 10.000 bé vẫn chưa được phẫu thuật chữa trị.
Sứt môi hở hàm ếch hình thành vào giai đoạn nào của thai kỳ?
Vốn dĩ sứt môi hở hàm ếch là một dị tật bẩm sinh nên chúng thường được hình thành từ ngay trong thời kỳ mẹ mang thai bé. Rất sớm, môi của bé đã bắt đầu được hình thành từ tuần thứ 5 của thai kỳ và cho đến tuần thứ 7 và thứ 8 hàm trên của bé cũng hình thành theo. Điều này cho thấy dị tật sứt môi hở hàm ếch sẽ xuất hiện ngay trong thời gian này, nghĩa là rất sớm của thai kỳ.
Nguyên nhân khiến cho thai nhi mắc phải dị tật này
Bất kỳ sự hình thành dị tật nào ở thai nhi cũng do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến. Sứt môi hở hàm ếch ở trẻ cũng không nằm ngoài điều này. Cho đến nay nguyên nhân của dị tật này còn rất nhiều điều để nghiên cứu vì độ phức tạp của nó. Nhưng thông thường bé có thể bị dị tật là do các yếu tố bên ngoài (từ môi trường sống của mẹ) và do yếu tố di truyền (có thể từ cả bố và mẹ).
Khả năng thai nhi bị dị tật này sẽ càng cao nếu trong quá trình mang thai người mẹ có những hành vi tiêu cực ảnh hưởng tới thai nhi như:
- Hút thuốc lá và uống rượu bia ở mức độ nặng
- Mẹ bị ốm đau, bệnh tật trong quá trình mang thai
- Người mẹ ăn uống thiếu dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt là thiếu các chất như axit folic, vitamin B12 và vitamin B6
- Người mẹ sử dụng liên tục các loại thuốc có chứa các chất như Phenytoin, Dilantin, Corticosteroid hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Dị tật này ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của trẻ như thế nào?
Theo các số liệu thống kê cho biết, tỉ lệ cá bé bị dị tật sứt môi hở hàm ếch có khả năng tử vong trong năm đầu đời cao gấp 2 lần so với trẻ em bình thường. Trẻ mắc dị tật này thường gặp các vấn đề lớn về đường ăn uống, ngậm hút khó, suy dinh dưỡng do lượng thức ăn nạp vào quá ít, bé thường xuyên bị sặc, trớ , trào ngược thức ăn qua đường mũi. Không những vậy bé còn bị các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng tai mãn tính, răng miệng và phát âm.
Những điều cần chú ý để ngăn ngừa dị tật sứt môi hở hàm ếch là gì?
Ngoại trừ yếu tố dị tật do di truyền thì việc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng sẽ góp phần làm giảm đi rất nhiều nguy cơ dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ. Do đó lời khuyên từ các bác sĩ cho các mẹ đang trong thời kỳ mang thai là:
- Kiêng hoàn toàn các đồ uống có cồn và thuốc lá
- Lấy ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi đang ở thai kỳ
- Thường xuyên tập thể dục, vận động
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh để rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm
- Ăn uống đủ chất và đa đạng, tránh các loại thức ăn có hại cho thai nhi
- Mẹ bầu cần bổ sung vitamin B6, B12 và axit folic theo liều lượng chỉ định của bác sĩ trước khi quyết định mang thai và trong giai đoạn thai kỳ sớm.
May mắn thay, với y học hiện đại ngày nay, các bé bị dị tật sứt môi hở hàm ếch hoàn toàn có thể phẫu thuật chữa trị để có được một vòm miệng như bình thường.
Theo theAsianparent Thailand
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!