Trẻ sơ sinh bị cong chân là nỗi lo lắng của nhiều bố mẹ. Nguyên do đâu và cách khắc phục như thế nào? Mời các bố mẹ cùng theo dõi bài viết sau nhé!
- Trẻ sơ sinh bị cong chân sinh lý
- Trẻ sơ sinh bị cong chân bệnh lý
- Dấu hiệu nhận biết trẻ có bị chân vòng kiềng hay không?
- Vì sao không nên tự ý điều trị tại nhà
- Nguyên nhân khiến bị cong chân và bí quyết giúp con có đôi chân khỏe đẹp
Trẻ sơ sinh bị cong chân sinh lý
Chân cong sinh lý là từ dùng để chỉ tình trạng cong của cẳng chân trẻ (bao gồm 2 xương là xương chày và xương mác) và tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, đối xứng 2 bên chân.
Chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh: Trên thực tế, chân trẻ sơ sinh bị cong hoặc lệnh trong 2 năm đầu tiên là hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh bình thường sinh ra hai chân bé đã bị cong do ảnh hưởng bởi tư thế bào thai. Tình trạng này sẽ tự cải thiện khi bé đi đứng và chân sẽ trở lại bình thường khi bé khoảng 3-4 tuổi.
- Trẻ sơ sinh bị cong chân sinh lý sẽ trở lại bình thường khi được 3-4 tuổi
Tình trạng chân vòng kiềng được bắt gặp ở hầu hết các trẻ sơ sinh, thường xuất hiện khi trẻ đạt từ 12 đến 18 tháng tuổi. Tuy nhiên tình trạng này sẽ tự hết và trẻ sẽ hoàn toàn bình thường khi đạt 2 tuổi. Trong một số trường hợp trẻ đã đạt 2 tuổi nhưng chân vẫn cong khiến trẻ khó khăn trong việc đi lại thì mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.
Một số trường hợp xương chân điều chỉnh quá mức lại tạo thành chân chữ X, 2 gối trẻ quá sát vào nhau. Nhưng cơ thể trẻ cũng sẽ tự điều chỉnh để trở về trục xương bình thường (khoảng 3-4 độ vẹo ngoài) khi trẻ được 7-8 tuổi. Sau đó, trục cẳng chân này sẽ giữ như vậy cho đến khi trẻ lớn.
Trẻ sơ sinh bị cong chân bệnh lý
Khi bé đã lớn trên 3 tuổi, đã chạy nhảy được nhiều mà trục xương cẳng chân (chân có hình dáng chữ O) vẫn còn vẹo nhiều. Nguyên nhân chân vòng kiềng hay gối vẹo vào trong ở trẻ em có thể là do tình trạng nhuyễn xương (do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, bệnh lý xương như còi xương, bệnh Blout (phát triển bất thường ngay vùng sụn tiếp hợp).
Những nguyên nhân khác có thể bao gồm u, nhiễm trùng xương, chấn thương xương, đặc biệt là vùng sụn tiếp hợp khiến sự phát triển không đều nhau ở cùng trên một gối khiến gối có thể vẹo.
Nếu có tình trạng này thì đòi hỏi phải làm thêm 1 số xét nghiệm, chụp Xq… vì bệnh lý khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Đặc biệt, trường hợp gối vẹo trong chỉ một gối (chân còn lại bình thường) cần được điều trị.
Dấu hiệu nhận biết trẻ có bị chân vòng kiềng hay không?
Bố mẹ có thể nhận biết các dấu hiệu trẻ bị chân vòng kiềng theo hai cách đơn giản như:
- Cho trẻ đứng theo tư thế các ngón chân hướng về phía trước, mắt cá chân chạm vào nhau. Nếu thấy giữa hai đầu gối của trẻ có khoảng cách khá xa thì bố mẹ có thể nhận biết chân trẻ đã bị vòng kiềng.
- Cho trẻ nằm ngửa, duỗi thẳng 2 chân của trẻ và để 2 mắt cá chân chạm vào nhau. Tiếp đó, bố mẹ có thể nhận biết khoảng cách giữa hai đầu gối hoặc dùng thước đo chính xác xem khoảng cách hai đầu gối của trẻ cụ thể là bao nhiêu. Nếu khoảng cách dưới 10cm thì cơ thể của trẻ vẫn đang phát triển bình thường, còn nếu lớn hơn 10cm nghĩa là trẻ đang bị tình trạng chân vòng kiềng.
Vì sao không nên tự ý điều trị tại nhà
Do tâm lý lo sợ con có dáng đi xấu, lại dựa vào kinh nghiệm dân gian, nhiều bậc cha mẹ đã tự ý thực hiện các động tác nắn chân cho trẻ sơ sinh bị cong chân mà không lường trước hậu quả.
- Cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà khi trẻ sơ sinh bị cong chân
Theo bác sĩ CKII Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương thì các động tác nắn chân cho bé chỉ nên được thực hiện bởi các kỹ thuật viên.
Nếu bố mẹ tự ý nắn bóp chân vòng kiềng cho bé, không những không có tác dụng cải tạo cấu trúc xương mà ngược lại sẽ chỉ khiến con bị viêm cơ, bầm tím, thậm chí còn làm bé bị trật khớp nếu thực hiện không đúng cách. Chưa kể, nếu không phát hiện kịp thời hậu quả của việc nắn kéo, chân bé thậm chí có thể khiến bé bị dị tật về sau.
Nguyên nhân khiến bị cong chân và bí quyết giúp con có đôi chân khỏe đẹp
Một số nguyên nhân dẫn đến việc chân bé sơ sinh bị cong:
- Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D
- Cho trẻ tập đứng, tập đi quá sớm
- Trẻ béo phì, có cân nặng quá tải đối với đôi chân
- Do thói quen sinh hoạt không tốt ở một số địa phương như: địu trẻ trên lưng, trẻ thường xuyên cưỡi ngựa, cưỡi lừa.
- Trẻ sơ sinh bị cong chân có thể do thiếu vitamin D, tập đi quá sớm,…
Tật cong chân là bệnh lành tính, không gây đau cho trẻ nhưng hình ảnh chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ mất tự tin nhất là khi trẻ lớn lên và đã có ý thức về thẩm mĩ, nhất là các bé gái.
Chân trẻ sơ sinh bị cong phải làm sao? Hiện nay, các bố mẹ có thể đưa bé đến khám với các khoa phòng, trung tâm về vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng để đánh giá sự phát triển cơ thể của trẻ, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!