Bụng khó chịu khi mang thai thường do tình trạng ợ chua, trào ngược dạ dày, khó tiêu, … trong thai kỳ. Tuy không nguy hiểm nhưng mẹ cũng cần chú ý nếu có các dấu hiệu bất thường dưới đây.
Bụng khó chịu khi mang thai 3 tháng đầu
Cùng với những tín hiệu đầu tiên của thai kỳ, mẹ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc mang thai luôn kèm với tình trạng khó chịu và đau nhức.
Trong 3 tháng mang thai đầu tiên, mẹ bầu có thể cảm thấy bụng khó chịu vì những nguyên nhân như sau:
- Chế độ dinh dưỡng với mức ăn nhiều hơn sẽ làm tăng chứng đầy bụng, khó tiêu
- Mẹ bầu ốm nghén và thèm ăn nhiều món chiên, đồ ngọt, thức ăn nhanh… cũng sẽ dễ bị chứng đầy bụng, gây ra tình trạng bụng khó chịu khi mang thai.
- Hormone nội tiết tăng cao khiến vùng cơ co thắt giữa dạ dày – thực quản bị giãn ra làm bà bầu bị ợ hơi, đầy bụng
Cách cải thiện:
- Khi ăn mẹ nên nhai chậm và nhai kĩ
- Dù nghén đến đâu mẹ cũng hãy cố gắng nghĩ đến sức khỏe của thai nhi, hạn chế các món ăn nghèo dinh dưỡng như bánh ngọt, đồ chiên rán, … thay vào đó các món súp, cháo dưỡng thai, hoa quả, nước ép rau củ quả, … sẽ giúp mẹ dễ tiêu hóa mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
- Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thay vì ăn lượng lớn mỗi bữa.
- Sau bữa ăn mẹ nên vận động, đi lại nhẹ nhàng để hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn
Bụng khó chịu khi mang thai 3 tháng giữa
Bước sang 3 tháng giữa, thai nhi lớn lên đồng thời phát triển ngày càng nhanh về cân nặng, thể chất và não bộ. Mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng bụng khó chịu do các nguyên nhân sau:
- tử cung giãn rộng kéo theo dây chằng của cơ thể bị căng lên, dẫn đến tình trạng tức bụng
- các cơn gò sinh lý xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 của chu kỳ thai kỳ, thường không đều và không có tính chu kỳ, gây ra hiện tượng căng cứng và bụng khó chịu
- hiện tượng táo bón, ợ chua, … vẫn sẽ tiếp diễn
- căng thẳng hoặc làm việc quá sức
Cách cải thiện:
- Nếu là cơn gò sinh lý, mẹ nên tắm nước ấm hoặc uống một ly nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau
- Nghỉ ngơi, ngâm chân nước ấm hoặc áp dụng các bài mát xa để cơ thể được thư giãn
- Tập hít thở và lựa chọn tư thế nằm phù hợp, đặc biệt là tư thế nằm bên trái có thể giúp mẹ dễ chịu hơn
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng với nhiều chất xơ. Đặc biệt nếu mẹ thấy mình thường xuyên bị tình trạng táo bón hãy uống thêm nước cà rốt ép, nước mận để cải thiện hệ tiêu hóa
Bụng khó chịu khi mang thai 3 tháng cuối
Trong thời kỳ 3 tháng cuối, các cơn khó chịu vì đau bụng có thể xuất hiện trở lại khi tử cung phải căng ra để chứa thai đang phát triển. Da bụng mẹ bầu sẽ căng lên, thai nhi dần di chuyển xuống vùng xương chậu khiến dây chằng bị giãn ra và gây nên tình trạng đau nhức.
Ngoài ra còn vì những nguyên nhân như:
- Táo bón
- Đau cơ và căng cơ
- Trào ngược dạ dày
- Căng da bụng
- Các cơn gò sinh lý xuất hiện nhiều hơn
Cách cải thiện:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước có thể giải quyết vấn đề táo bón khi mang thai.
- Mẹ nên lựa chọn chế độ ăn ít axit có thể cải thiện triệu chứng ợ hơi, trào ngược dạ dày
- Nếu thường xuyên căng da bụng, các sản phẩm dưỡng da bụng có thể giúp cải thiện tình trạng này
- Mẹ hãy nghỉ ngơi và thư giãn thật nhiều
- Mẹ cần uống nhiều nước vào ban ngày
- Tập thể dục điều độ, nhất là bộ môn yoga có thể giúp mẹ bầu giảm thiểu tình trạng căng tức, đau nhức
Bụng dạ khó chịu khi mang thai thường không quá nguy hiểm vì đây là điều tất yếu khi thai nhi đang ngày càng lớn lên. Tuy nhiên nếu mẹ bầu thấy tình trạng căng tức xuất hiện thường xuyên, đau bụng dữ dội, ra máu âm đạo, … thì mẹ cần đi khám để sớm tìm ra nguyên nhân, tránh ảnh hưởng tới thai nhi.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!