Cơn gò tử cung là gì, cách phân biệt cơn gò sinh lý và cơn gò chuyển dạ như thế nào? Có cách nào để giảm cơn gò tử cung, giúp thai nhi được an toàn đến ngày chào đời? Bài viết này sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho mẹ.
Cơn gò tử cung là gì?
Những chuyển động lan tỏa từ một góc tử cung đi khắp tử cung thường xuất hiện khi mẹ bầu bước sang tháng thứ 4. Các chuyên gia sản khoa gọi đây là cơn gò tử cung.
Chưa có nhiều lý giải chính xác về hiện tượng này nhưng khoa học cho rằng hầu hết cơ thể thai phụ sẽ chuyển từ cơn gò sinh lý (tử cung đang tập dượt cho ngày vượt cạn) sang cơn gò chuyển dạ (tử cung co bóp mạnh để bé có thể chào đời).
Về cơ bản, giới sản khoa chia cơn gò trong thai kỳ thành 3 loại, mỗi loại có một đặc trưng riêng mà mẹ bầu nên biết và nhận diện được chúng, nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi:
- Cơn gò Braxton – Hicks hay cơn gò sinh lý: Diễn ra nhẹ, mỗi lần kéo dài từ 30-60 giây, không gây đau đớn và không tăng dần theo thời gian.
- Dạng cơn gò tử cung sinh non: Xảy ra trước 37 tuần thai, xuất hiện đều đặn theo chu kỳ thời gian, bụng căng cứng và đau âm ỉ.
- Cơn gò tử cung chuyển dạ: Các cơn gò sẽ ngày càng tăng lên về cường độ cũng như thời gian và khoảng cách giữa các cơn gò, mẹ bầu sẽ có cảm giác từ đau âm ỉ đến dữ dội.
Hình ảnh cơn gò tử cung và nhịp tim thai được theo dõi bằng máy, giúp phát hiện tình trạng thai suy và cơn co tử cung bất thường
Làm thế nào để phân biệt cơn gò sinh lý và cơn gò chuyển dạ?
Thật ra, việc nhận dạng giữa cơn gò sinh lý và cơn gò chuyển dạ rất đơn giản. Bản thân mẹ bầu chỉ cần quan sát các dấu hiệu đặc trưng như dưới đây là có thể dễ dàng biết được đâu là cơn gò thực sự đang báo hiệu em bé sắp chào đời:
Dấu hiệu của cơn gò sinh lý:
- Thường không đau
- Cảm giác tập trung tại bụng
- Cảm giác căng chặt bụng dưới
- Có thể khiến bạn khó chịu
Hiện tượng gò sinh lý không tăng dần theo thời gian cũng như không đau nhiều hơn, không làm thay đổi cổ tử cung của bạn.
Những cơn gò trên có thể xuất hiện khi mệt mỏi, mất nước hay đi đứng quá nhiều, và sẽ biến mất khi bạn nghỉ ngơi hay thư giãn.
Dấu hiệu của cơn gò chuyển dạ:
- Thường 5-6 phút có một cơn gò, kéo dài khoảng 30 giây
- Tần số cơn gò ngày càng nhiều hơn,thời gian giữa 2 cơn gò ngắn dần
- Cường độ cơn gò ngày càng tăng, thai phụ càng ngày càng đau nhiều hơn
- Có thể kèm theo ra nhớt hồng, nước ối trong, chuột rút
- Khi cổ tử cung 4-5 cm,cơn gò có thể kéo dài từ 30-40 giây, nghỉ khoảng 2-3 phút
Khi chuyển sang giai đoạn sắp sinh cơn gò sẽ có tần suất nhiều hơn, từ 30-60 giây, nghỉ 1-2 phút, cường độ rất mạnh để tử cung mở rộng. Đồng thời mẹ bầu sẽ cảm thấy:
- Buồn đi ngoài
- Nóng ran
- Ớn lạnh
- Nôn ói
- Đầy bụng, ợ hơi, xì hơi.
Cách làm giảm cơn gò tử cung sinh lý và cơn gò chuyển dạ
Thông thường, gò sinh lý không gây đau đớn và nguy hiểm đối với mẹ bầu cũng như thai nhi. Hiện tượng này chỉ khiến mẹ cảm giác hơi khó chịu một chút. Bạn chỉ cần thay đổi tư thế, uống nước, nằm nghỉ (nằm nghiêng bên trái) là cơn gò sẽ biến mất.
Còn với cơn gò chuyển da, mức độ khó chịu, đau đớn sẽ tăng dần theo thời gian và từ nhẹ đến mạnh. Các cách làm giảm đau chỉ mang tính tạm thời và không phải lúc nào cũng hiệu quả với tất cả mẹ bầu. Tuy nhiên bạn cũng cứ nên áp dụng xem sao, chẳng hạn như:
Cách giảm đau ở giai đoạn chuyển dạ ban đầu:
- Tắm vòi sen hay bồn tắm
- Đi bộ hay thay đổi vị trí
- Thiền
- Nghe nhạc
- Massage
- Tập yoga nhẹ nhàng
- Xem phim hoặc làm hoạt động mẹ bầu ưa thích
Cách giảm đau ở giai đoạn chuyển dạ thực sự:
Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc, chẳng hạn gây tê giảm đau. Cách này sẽ khiến mẹ bầu không cảm thấy đau đớn nữa cũng như không có cảm giác về sự co thắt cơ, tuy nhiên cũng làm mất cảm giác rặn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!