Khoảng 9/10 mẹ bầu gặp tình trạng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 9. Gần đến ngày “khai hoa”, bất cứ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể cũng khiến mẹ bầu lo lắng. Nguyên nhân nào gây ra cơn căng khó chịu này?
Nguyên nhân khiến bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 9
Không phải đợi đến tháng thứ 9, ngay từ khi bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu đã phải đối mặt với cơn đau này.
Cả vùng bụng trở nên căng cứng là dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này. Càng về gần cuối thai kỳ, tần số cơn đau xuất hiện càng nhiều hơn.
Cảm xúc mẹ bầu:
Bất cứ thay đổi tâm lý nào của mẹ trong suốt thai kỳ cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Buồn bã, căng thẳng hay quá vui bất chợt cũng khiến vùng bụng căng cứng.
Áp lực của thai nhi lên tử cung:
Thai nhi tháng thứ 9 đã phát triển toàn diện. Lúc này, thai nhi đã đầy đủ các cơ quan, bộ phận. Trước đây, thai nhi còn nhỏ nên áp lực lên tử cung chưa lớn. Sau kỳ tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi tăng nhanh cả về kích thước lẫn trọng lượng.
Áp lực lớn,chèn lên khoang chậu, bàng quang và trực tràng. Tử cung cũng phình to khiến các bộ phận khác cũng chịu áp lực theo. Từ đó dẫn đến tình trạng bụng căng cứng.
Chuyển động của thai nhi:
Mỗi lần bé xoay người, chuyển động nhẹ, mẹ sẽ cảm nhận được những cơn căng bụng rất rõ ràng.
Mẹ bầu bị táo bón:
Táo bón cũng có thể là nguyên nhân khiến bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 9. Khi mẹ ăn hoặc cơ thể không hấp thụ đủ chất xơ, hệ tiêu hóa phải hoạt động hết công suất. Táo bón lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tử cung mẹ bầu.
Mất nước:
Cơ thể mẹ bầu bị mất nước cũng gây ra cơn căng bụng. kích thích các cơn gò xảy ra.
Đầy bàng quang:
Khi bàng quang đầy nước tiểu, người bình thường cũng sẽ cảm nhận được những cơn căng bụng nhẹ. Ở mẹ bầu, cơn đau này thể hiện rõ hơn với mức độ nặng hơn.
Da bụng bị kéo giãn:
Thai nhi ở tháng thứ 9 đã trở nên rất lớn khiến da bụng cũng bị kéo dãn theo. Da bụng bị dãn đột ngột với cường độ lớn nên mẹ không kịp thích nghi. Biểu hiện rõ nhất của “không kịp thích nghi” là các vết rạn nứt trên da bụng.
Các mẹ thường massage vùng này với dầu dừa hoặc dầu ô liu. Vô tình, việc massage quá nhiều có thể kích thích tử cung. Các cơn căng cứng bụng xuất hiện kèm theo khả năng sinh non.
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 9 có nguy hiểm không?
Bước vào tháng cuối thai kỳ, cả mẹ bầu và thai nhi đều rất nhạy cảm. Chỉ cần một tác động nhỏ như xoa vùng bụng cũng có thể gây nên những cơn gò nhẹ, làm bụng căng lên.
Tuy nhiên, mẹ nên cẩn thận khi bụng căng cứng kèm theo những dấu hiệu bất thường như:
- Chảy máu âm đạo
- Đau lưng, chuột rút
- Phân có máu;
- Khó thở;
- Đau bụng nặng;
- Buồn nôn và ói mửa nghiêm trọng;
- Giảm cân không rõ nguyên nhân;
- Vàng da.
- Xuất hiện cơn co thắt dài gần 1 phút, xuất hiện 3-5 phút một lần nếu bạn mang thai lần đầu. Hoặc cơn co thắt cách nhau 5-7 phút nếu mẹ bầu đã từng mang thai trước đây.
Trong trường hợp này, mẹ bầu nên đến ngay bệnh viện để kịp thời xử lý.
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 9, mẹ nên làm gì?
Đây có phải là dấu hiệu sắp sinh?
Bụng căng cứng cũng là một trong những dấu hiệu sắp sinh. Nếu mẹ bầu thấy bụng căng cứng nhiều lần, kèm theo ra máu, đau bụng, đó có thể là tiếng bé yêu đang “đòi ra ngoài”. Mẹ có thể lưu ý đặc trưng của những cơn gò căng bụng để dễ dàng phân biệt.
Cơn gò căng bụng chuyển dạ sẽ xuất hiện liên tục. Bụng sẽ căng với cường độ mạnh, có nhịp điệu riêng. Dù mẹ thay đổi sang tư thế nào, cơn căng cứng bụng vẫn tiếp tục.
Nếu là gò sinh lý Braxton hicks thì cơn đau này không có nhịp điệu nhất định. Đôi khi cơn đau chỉ xuất hiện 1-2 lần/ giờ hoặc vài lần trong ngày. Chỉ cần mẹ bầu thay đổi tư thế, cơn gò sẽ giảm dần.
Mẹ bầu có thể làm gì để xoa dịu cơn đau này?
- Thư giãn bằng việc đọc sách, nghe nhạc hay đi bộ nhẹ nhàng.
- Bổ sung chất xơ vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày để phòng ngừa táo bón khi mang thai.
- Khi cơn căng cứng bụng xuất hiện, mẹ bầu chỉ cần nằm nghỉ ngơi chờ các cơn đau đi qua. Mẹ có thể nằm hơi nghiêng một bên và chọn một chiếc gối tựa để hỗ trợ tốt nhất.
- Không nằm ngửa vì tư thế này có thể khiến các cơn gò xảy ra thường xuyên hơn.
- Mỗi ngày, mẹ nên uống từ 2 lít nước trở lên. Mẹ nên chia ra nhiều lần, uống nước rải rác trong ngày.
- Khi bàng quang đã đầy nước tiểu, mẹ nên kịp thời “giải phóng” lượng nước này ra khỏi cơ thể.
Tình trạng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 9 xảy ra rất phổ biến. Nếu chú ý cảm nhận, mẹ sẽ giúp mình hạn chế sự khó chịu của tình trạng này mang lại. Chúc mẹ bầu đầy đủ năng lượng và tinh thần thoải mái để sẵn sàng đón bé cưng ra đời nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!