Đau bụng 3 tháng cuối thai kỳ là vấn đề thường gặp ở nhiều mẹ bầu bởi sự thay đổi của cơ thể trước giờ lâm bồn. Tuỳ theo biểu hiện hay nguyên nhân gây ra việc đau bụng ở các tháng gần sinh mà tình trạng được xem là có nguy hiểm và có nên nhờ bác sĩ can thiệp hay không.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
1. Đau bụng 3 tháng cuối thai kỳ có bình thường không?
Bước vào tam cá nguyệt thứ 3, thai nhi đã phát triển lớn nhanh chóng, tạo ra nhiều áp lực cũng như thay đổi cho cơ thể mẹ. Trong quá trình mang thai trở nên nặng nề, mẹ bầu có thể dễ dàng cảm thấy các cơn đau bụng khi cử động mạnh, ho, đôi khi đau rõ ràng từng cơn hoặc đau râm ran, âm ỉ. Có thể nhiều mẹ sẽ cực kỳ lo lắng không biết dấu hiệu này có ảnh hưởng đến việc sinh nở hay sinh non hay không.
Đây là tình trạng phổ biến ở các mẹ bầu
Nhưng thực tế mẹ hãy thả lỏng, các bác sĩ cũng đã khẳng định đây là triệu chứng sinh lý bình thường và cực kỳ phổ biến khi mang thai, nhất là trong ba tháng cuối cứ 10 mẹ thì 8-9 mẹ bầu thỉnh thoảng gặp tình trạng đau bụng. Nếu trạng thái đau giảm dần đi và biến mất chỉ sau vài phút, không lặp lại thường xuyên thì mẹ không cần quá lo lắng nhé.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng khi gần sinh
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng ở 3 tháng cuối thai kỳ. Một vài nguyên nhân có thể kể đến như táo bón, trào ngược dạ dày- thực quản, bệnh lý về gan mật hoặc viêm tụy. Bên cạnh đó, khi thai phát triển, tử cung to ra khiến căng da và căng cơ vùng bụng khiến thai phụ khó chịu.
Ngoài ra, trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ có thể có cơn cơ Braxton- Hicks, còn gọi là cơn chuyển dạ giả, cơn co có thể xuất hiện thường xuyên, liên tục và gây đau bụng. Tuy nhiên, cơn co đó có thể là dấu hiệu chuyển dạ nếu nếu bắt đầu ở phía trên tử cung, gây ra cảm giác thắt chặt dữ dội và ngày càng đau hơn, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế.
Bụng to nặng nề chèn ép các vùng cơ bụng dưới
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng đau bụng 3 tháng cuối thai kỳ, nhưng phần lớn là vô hại, có thể kể đến như:
Căng dây chằng
Ở 3 tháng cuối, cơ thể của mẹ bầu đã đạt trọng lượng lớn nhất, thai nhi có kích thước phát triển gần như một em bé sơ sinh hoàn chỉnh, tử cung đang ngày càng nặng hơn. Điều này có nghĩa dây chằng của khung xương chậu căng hết sức để nâng đỡ tử cung. Phần bụng dưới cũng chịu áp lực nặng nề tương tự dẫn đến việc mỏi cơ và các cơn đau xuất hiện khi vận động mạnh.
Vấn đề dạ dày
Thai nhi phát triển, chiếm diện tích lớn trong ổ bụng cũng chèn ép lên bao tử và các bộ phận khác khiến việc tiêu hoá khó khăn hơn. Trong đó, chứng ợ nóng do trào ngược dạ dày là tình trạng phổ biến, khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy đau bụng trên, đôi khi cơn đau kéo dài lên ngực và nóng rát cổ họng.
Táo bón
Bụng lớn còn gây áp lực cho phần trực tràng khiến việc đi ngoài gặp trở ngại. Cùng với đó, mẹ bầu 3 tháng cuối tăng cân nhanh, ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng nhưng nặng nề khó luyện tập thể dục thể thao rất dễ dẫn đến chứng táo bón cuối thai kỳ, đau vùng bụng dưới.
Hormone thai kỳ
Mẹ bầu gần sinh tuy thân hình to hơn nhưng các cơ lại yếu hơn do tác động của hormone thai kỳ. Các chị em có thể thấy việc cử động và di chuyển của mình trở nên khó khăn, vụng về và thường xuất hiện cảm giác đau nhức ở phần bụng dưới. Đặc biệt khi đứng lâu một chỗ hoặc vận động mạnh, đột ngột thay đổi tư thế.
Một số trường hợp mẹ bầu bị cảm ho, hắt hơi nhiều cũng gây ra tình trạng đau bụng do căng da, co thắt cơ.
3. Khi nào đau bụng 3 tháng cuối thai kỳ được xem là nguy hiểm?
Tuy nhiên cũng không nên xem thường dấu hiệu lạ
Tuy phần lớn các nguyên nhân gây ra đau bụng ở các tháng gần sinh đều vô hại nhưng trong nhiều trường hợp vẫn có thể là dấu hiệu của một số tình trạng khẩn cấp như bong nhau thai, sinh non, bệnh lý…. Mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ hoặc đến ngay bệnh viện khi thấy đau bụng ở 3 tháng cuối kèm theo các biểu hiện sau:
- Đau bụng trên dữ dội, đặc biệt đau không thể chịu được
- Đau bụng kèm theo chảy máu âm đạo, máu đông, bụng gò
- Các cơn co thắt xảy ra đều đặn, kéo dài, không suy giảm như đau bụng sinh, bụng gò cứng báo hiệu nguy cơ sinh non
- Đau bụng kèm theo sốt cao
- Huyết áp cao, chóng mặt, khó thở, đau đầu, mệt mỏi có thể do viêm tuỵ
- Đau bụng kèm theo ngứa, vàng da hoặc vàng mắt, nôn là dấu hiệu bệnh gan
4. Giải pháp hạn chế các cơn đau bụng khi gần sinh
Nên làm gì để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con? Theo bác sĩ Nam, để tránh các nguyên nhân gây đau bụng không xuất phát từ thai, thai phụ cần có thực đơn dinh dưỡng phù hợp, chế độ tập luyện nhẹ nhàng, khám thai thường xuyên theo lịch. Dù cho nguyên nhân là gì, ngay khi có cơn đau bụng trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ cũng cần lưu ý và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí phù hợp, tránh chủ quan dù chưa đến ngày dự sanh.
Yoga nhẹ nhàng là cách giảm đau hiệu quả
Để các cơn đau ít hơn và dễ chịu hơn, mẹ bầu lưu ý một số điều sau trong 3 tháng cuối thai kỳ:
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga thường xuyên để lưu thông máu tốt hơn, hạn chế căng cơ
- Tránh vận động mạnh, khi đứng lên ngồi xuống cần chậm rãi, nhẹ nhàng. Khi đang bị đau có thể điều chỉnh tư thế, xoa bóp nhẹ nhàng bớt khó chịu.
- Khi thức dậy, đang nằm trên giường, mẹ bầu nên dùng tay làm điểm tựa, nghiêng người và dậy từ từ, không bật dậy đột ngột, hạn chế áp lực cho bụng và cơ quanh bụng.
- Không ngồi hay nằm một chỗ quá lâu tránh tình trạng tê bì tay chân, máu khó lưu thông gây ra nhiều cơn đau
- Đặc biệt nên hạn chế quan hệ tình dục ở tháng cuối. Không chỉ vì đau, khó tìm tư thế quan hệ mà các chuyên gia cho rằng trong tinh trùng có chất prostaglandin khi kết hợp với một loại hormone trong cơ thể bà bầu sẽ gây co bóp dạ con làm chuyển dạ sớm.
- Bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm tốt cho hệ tiêu hoá
- Khám thai đều đặn theo lịch của bác sĩ trong 3 tháng cuối hoặc khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường
Để đảm bảo cho sự an toàn của mẹ bầu và thai nhi, mẹ nên chú ý các dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có sự can thiệp kịp thời.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!