Bệnh viêm màng não mủ ở trẻ có tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này ngay sau đây ba mẹ nhé!
Nội dung bài viết:
- Viêm màng não mủ là bệnh gì?
- Đối tượng dễ mắc bệnh
- Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
- Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm màng não mủ
- Cách phòng tránh
Bệnh viêm màng não mủ là bệnh gì?
Viêm màng não mủ (còn gọi là viêm màng não vi trùng) là bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Các vi khuẩn này tấn công vào tai, mũi, họng, đi vào phổi, theo máu vào khoang dịch não tủy, khiến các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương sẽ bị viêm và sinh mủ, gây ra những ảnh hưởng nặng nề về khả năng nhận thức và vận động của người bệnh.
Bạn có thể chưa biết:
Bệnh viêm não mô cầu BC là gì? Đâu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay?
Cảnh báo: Số ca trẻ mắc bệnh viêm não tăng vọt trong đợt cao điểm nắng nóng
Loại vi khuẩn này có khả năng sống kí sinh ở niêm mạc đường hô hấp của con người mà không để lại triệu chứng hay bệnh lí gì. Chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ bắt đầu sinh sôi và gây bệnh.
Bệnh viêm màng não mủ là một bệnh lây nhiễm và có khả năng phát triển thành dịch. Ở Việt Nam, các thống kê cho thấy số trẻ mắc bệnh và tử vong do viêm màng não mủ không ngừng tăng lên trong những năm qua.
Cụ thể, vi khuẩn gây bệnh lây theo đường hô hấp trực tiếp từ đường nước bọt qua ho, hắt hơi… Với trẻ nhỏ đi nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo, bệnh có mức độ lây lan càng cao thông qua các đồ chơi dùng chung hoặc những đồ vật mà trẻ thường cho vào miệng. Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể xâm nhập trực tiếp qua những vết thương hở do chấn thương.
Đối tượng dễ mắc viêm màng não mủ
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị viêm màng não mủ nhất, đặc biệt là trẻ sinh non
- Mẹ bầu bị nhiễm trùng ối hoặc sốt lúc mang thai
- Người có hệ miễn dịch kém như người già, người nhiễm HIV/AIDS, người điều trị thuốc ức chế miễn dịch
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm màng não mủ
Bệnh viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường khó nhận biết. Vì vậy, ba mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường sau đây, hãy đưa con đến bệnh viện khám ngay:
- Sốt cao, sốt một cách đột ngột, người run rẩy và rất khó để bạn hạ sốt cho bé
- Buồn nôn hoặc nôn ói liên tục kèm theo đau bụng
- Co giật, hôn mê
- Quấy khóc
- Chán ăn, bú kém
- Cơ thể mệt mỏi, lừ đừ, vận động chậm
- Vàng da hoặc da tái xanh, nhợt nhạt
- Trẻ có thóp chưa đóng kín sẽ có dấu hiệu thóp phồng
- Có những cơn ngừng thở đột ngột
- Hạ đường huyết
- Phát ban da
- Sợ ánh sáng, ánh sáng chói sẽ khiến trẻ cảm thấy đau nhức mắt, chảy nước mắt.
- Suy giảm ý thức, dễ bị kích thích
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm màng não mủ
Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, có thể xuất hiện quanh năm, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến các biến chứng:
- Nhiễm khuẩn nặng nề ở não
- Tổn thương não bộ và các dây thần kinh sọ não
- Áp xe não, áp xe dưới màng cứng
- Suy não, phù não
- Viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não…
- Não úng thủy do tắc nghẽn dịch não tủy
- Bại não
- Bệnh còn gây ra các biến chứng ngoài hệ thần kinh như: Viêm khớp, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết phủ tạng, suy hô hấp nặng…
Bạn có thể chưa biết:
Viêm màng não: nhầm tưởng là rôm sảy, hóa ra là một bệnh nhiễm trùng chết người
Bệnh viêm màng não sơ sinh có thể từ một nụ hôn?
Kể cả khi phát hiện bệnh sớm và can thiệp ngay lập tức, bệnh vẫn có tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 5-10%) do các biến chứng trên. Trong đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 2 tháng lên đến 15 – 20%. Trong trường hợp điều trị viêm màng não mủ ở trẻ em thành công, bệnh vẫn có thể để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh như:
- Gặp các vấn đề về thính lực và thị lực
- Chậm phát triển, bị ngớ ngẩn, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần
- Liệt chân tay hoặc liệt nửa người
- Bị động kinh
- Lác mắt
Theo thống kê, chỉ có khoảng 45% trẻ em phục hồi mà không để lại di chứng. 15 – 25% còn lại bị suy yếu thần kinh và tàn phế từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng.
Cách phòng tránh bệnh hiệu quả
Vi khuẩn, virus gây bệnh viêm màng não mủ có thể dễ dàng lây lan qua các hoạt động thường ngày như ho, hắt hơi, hôn hoặc ăn chung, dùng chung đồ đạc… Cách phòng bệnh viêm màng não mủ ở trẻ là mẹ thực hiện các biện pháp sau đây:
- Tăng sức đề kháng cho con bằng chế độ dinh dưỡng tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tập cho bé thói quen thường xuyên rửa tay
- Dọn dẹp, vệ sinh nơi ở và các vật dụng, đồ chơi bé thường cầm vào
- Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài
- Phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh về hô hấp và tai mũi họng cho trẻ
- Cho trẻ tiêm phòng các loại vắc xin viêm màng não mủ ở những cơ sở y tế uy tín
Thay lời kết
Tiêm phòng vacxin viêm màng não mủ là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc bệnh. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo theo thời tiết cực đoan như hiện nay, bảo vệ trẻ nhỏ trước các tác nhân gây bệnh là điều cực kỳ cần thiết. Ba mẹ cần cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ phác đồ của chương trình tiêm chủng quốc gia cũng như áp dụng triệt để các biện pháp đảm bảo vệ sinh khu vực sinh hoạt của trẻ. Khi thấy trẻ có 1 trong bất kỳ các dấu hiệu nào của bệnh, cần đưa bé đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ.
Hy vọng những thông tin vừa rồi sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này để có biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho con.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!